36 Nguyễn Thị Thuý Hằng, tlđd, tr 41.
2.2.2.2. Hội đồng quản trị chi phối Ban kiểm soát
BKS có địa vị là cánh tay nối dài của ĐHĐCĐ để thực hiện việc giám sát và kiểm soát nội bộ, trực tiếp giám sát HĐQT và BGĐ, bao gồm kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động của HĐQT và BGĐ trong việc quản lý và điều hành công ty; kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng của người quản lý công ty; tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính cũng như thẩm định báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hàng năm và sáu tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của HĐQT (Điều 123 LDN 2005).
Có nhiều lý do để dẫn đến sự ra đời của chế định BKS, nhưng nguyên nhân chủ yếu là thay mặt ĐHĐCĐ và các cổ đông thực hiện chức năng giám sát của chủ sở hữu công ty. Chính vì tầm quan trọng đó, pháp luật đã đặt ra cơ chế BKS bắt buộc trong các CTCP có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty (Điều 95 LDN 2005).
Rõ ràng vai trò của BKS trong CTCP dưới ý đồ của nhà làm luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ cổ đông, nhất là CĐTS. Do vậy, cần đảm bảo BKS thực hiện công việc, chức năng của mình một cách hiệu quả và khách quan nhất, thì cần phải xây dựng tính độc lập cho cơ quan này trong cả cơ cấu tổ chức lẫn quá trình hoạt động. Theo đó, pháp luật hiện hành quy định, BKS do ĐHĐCĐ bầu ra theo phương thức bầu dồn phiếu47 (điểm c, khoản 3, Điều 104 LDN 2005). Cách thức này sẽ đảm bảo rằng BKS sẽ được bầu ra một cách khách quan hơn, tạo cơ hội cho CĐTS có thể cử đại diện của mình vào cơ quan này, để đại diện cho toàn thể cổ đông công ty, trong đó có CĐTS giám sát hoạt động của công ty. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, BKS về mặt nguyên tắc là một cơ quan độc lập, có vai trò và địa vị ngang bằng với HĐQT và chịu trách nhiệm trước ĐHĐCĐ trong việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên tính độc lập này dường như chỉ tồn tại trên giấy tờ, HĐQT và các cổ đông lớn bằng nhiều thủ đoạn và cách thức khác nhau đã vận dụng rất tốt các hạn chế từ khía cạnh pháp lý, để tăng cường sự chi phối và ảnh hưởng của mình lên BKS, nhằm biến cơ quan này thành “bù nhìn” và đôi khi là lá chắn cho HĐQT trước ĐHĐCĐ.
Hầu hết hiện nay, các báo cáo của BKS trong các kỳ ĐHĐCĐ chỉ là bản sao các báo cáo của HĐQT và BGĐ với nội dung chủ yếu là “khen” HĐQT và BGĐ, rất ít thông tin có ích cho cổ đông. Trong một số trường hợp, những vấn đề cần đưa vào báo cáo của BKS đã được thống nhất trước với HĐQT và BGĐ trong những phiên họp “trù bị” trước đó. Do vậy, tại ĐHĐCĐ, vai trò của cơ quan này chỉ còn là ngồi cho đủ ban bệ mà thôi48.