Định hướng chiến lược và quy hoạch tổng thể

Một phần của tài liệu Tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế bằng loại hình du lịch MICE ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015 (Trang 35 - 36)

2.1. Định hướng chiến lược

Định hướng chiến lược được xem như “kim chỉ nam” trong sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, trong đó nhấn mạnh du lịch MICE. Trong giai đoạn 2000-2010, Chính phủ đã đưa ra những chiến lược phát triển du lịch và chương trình hành động của ngành du lịch Việt Nam từ năm 2001-2010; Chương trình hành động quốc gia về du lịch và các sự kiện du lịch Việt Nam năm 2000 với tiêu đề: “Việt Nam - điểm đến của thiên nhiên kỷ mới”; Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2000-2005; Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006-2010, và gần đây là Chương trình hành động của ngành du lịch Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO từ năm 2007-2012. Các chương trình trên đã giúp ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch MICE nói riêng có được sự phát triển mạnh mẽ.

Trong Bản Tổng kết Chương trình hành động về du lịch giai đoạn 2000- 2005, Chính phủ đã tiến hành thu thập số liệu, thông tin và tiến hành đánh giá tình hình khai thác, tổ chức quản lí các hoạt động kinh doanh, hiện trạng quy hoạch, kiến trúc và hạ tầng cơ sở trong ngành du lịch. Bản tổng kết cho thấy Chính phủ đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc nâng cấp hạ tầng và quy hoạch tổ chức. Từ việc chỉ hỗ trợ 13 tỉnh thành trong năm 2001 với số vốn là 266 tỷ đồng thì tính đến hết năm 2005, đã có 58 tỉnh, thành phố được hỗ trợ vốn đầu tư là 550 tỷ đồng, khẳng định giao thông chính là huyết mạch của sự phát triển du lịch, với tổng số vốn 2.146 tỷ đầu tư CSHT- KT du lịch thời kỳ 2001-2005, vốn đầu tư vào đường các khu du lịch và đường khu du lịch là 1.933,3 tỷ đồng chiếm 90% tổng số nguồn vốn. [9]

Tuy vẫn còn một số bất cập trong việc triển khai các nguồn vốn này trong giai đoạn từ năm 2001-2005 tại các địa phương nhưng nhìn chung thì nhiều dự án và hạng mục được triển khai thông qua nguồn vốn trên đã cải thiện không gian du lịch tại các địa phương như dự án đường du lịch Lăng Cô (Thừa Thiên- Huế), đường Liên Chiểu- Thuận Phước- Sơn Trà- Điện Ngọc (Đà Nẵng), đường vào khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) và nhiều dự án tại tỉnh thành khác. Việc nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đạt chuẩn quốc tế, cho phép nhiều hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Việt Nam giúp mở rộng thêm số chuyến bay, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của du khách MICE đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, năm 2001, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, gọi tắt là UNDP đã tài trợ 232.000 USD cho TCDL Việt Nam để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 [10]. Quy hoạch phát triển trên đã được lập từ năm 1995 đến 2001 một nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế đã phối hợp điều chỉnh lại. Các chuyên gia cũng đã đề ra các chỉ số biến đổi cho các điểm và khu du lịch để đánh giá tác động của du lịch đối với những tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, đồng thời chú trọng tới việc tạo cơ hội kinh doanh du lịch cho các vùng kinh tế khó khăn, phát triển các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ và một số vấn đề khác.

Một phần của tài liệu Tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế bằng loại hình du lịch MICE ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015 (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w