Về quản lý quỹ BHXH.

Một phần của tài liệu 136 Giải pháp đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội ở Việt nam (Trang 87 - 91)

- Nghiên cứu điều chỉnh nâng mức đóng BHXH để vừa đảm bảo tăng thu cho quỹ BHXH nhưng cũng phải phù hợp với khả năng đóng BHXH của người lao động, việc này cần phải được tính toán một cách khoa học và kỹ lưỡng để xác định một tỷ lệ đóng phù hợp và có biện pháp điều chỉnh tỷ lệ đóng nhằm đảm bảo cân đối quỹ lâu dài, không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người tham gia đóng góp BHXH. Quá trình điều chỉnh tỷ lệ đóng BHXH có thể được thực hiện dần dần với biên độ phù hợp với nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế và khả năng phát triển của xã hội;

- Thực hiện chế độ đóng BHXH bắt buộc đối với nguời lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế, đồng thời cũng tạo điều kiện tăng quy mô quỹ BHXH cũng như giảm nhẹ gánh nặng chi NSNN cho các chương trình xã hội và lao động việc làm; cần ngăn chặn kịp thời các thủ đoạn trốn, tránh đóng BHXH của một số cơ quan, đơn vị;

- Thực hiện đa dạng hóa hình thức sở hữu đối với dịch vụ BHXH nhằm huy động sự tham gia của các nguồn lực khác trong xã hội, chống độc quyền và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình dịch vụ BHXH;

- Đổi mới và hoàn thiện cơ chế tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt nam theo hướng gắn thu nhập với kết quả hoạt động, không sử dụng tiền thu BHXH của người lao động để chi cho bộ máy quản lý theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả. Cần sớm ban hành tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, nhất là các khoản chi đặc thù đối với Bảo hiểm xã hội Việt nam, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng quỹ BHXH nhằm ngăn ngừa mọi thất thóat, tiêu cực.

- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư của BHXH đảm bảo nguyên tắc đầu tư an toàn, hiệu quả kinh tế cao hơn hiện nay; đẩy mạnh việc thăm dò và tìm kiếm thị trường đầu tư có hiệu quả kinh tế và ít rủi ro; nghiên cứu và xác định rõ tỷ lệ tối đa cho phép quỹ BHXH được đầu tư vào lĩnh vực có tỷ lệ rủi ro cao.

- Về phía Nhà nước, cần tạo điều kiện cho BHXH tham gia vào dự án có mức sinh lời cao, tham gia vào thị trường vốn có nhiều hình thức khác nhau để giúp quỹ BHXH có thể tăng trưởng nhanh, bền vững và an toàn.

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thực hiện thanh tra và xử phạt đối với những hành vi vi phạm về thực hiện các chế độ BHXH, về trách nhiệm thu nộp, chi trả các chế độ BHXH đối với chủ sử dụng lao động và người lao động có vi phạm.

- Nâng mức phạt bằng tiền cao hơn gấp từ 5 lần đến 10 lần so với quy định hiện hành trong Nghị định 38/CP ngày 25/06/1996 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động đối với những hành vi vi phạm chính sách BHXH.

- Thực hiện phạt tiền đối với các đơn vị chậm nộp BHXH (kể cả trường hợp kiểm tra phát hiện phải truy thu BHXH) đối với đơn vị sử dụng lao động gấp hai lần so với lãi suất của ngân hàng thương mại cho vay cùng thời hạn vay. Thực hiện nhờ thu qua (hệ thống Ngân hàng hoặc Kho bạc nhà nước) không cần chấp nhận của các đơn vị sử dụng lao động khi họ cố tình chậm nộp BHXH.

- Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng và ứng dụng hệ thống thông tin hiện đại vào mọi hoạt động của ngành BHXH, đảm bảo cho việc quản lý, điều hành, thống kê, lưu trữ được chính xác,... để từ đó có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành BHXH.

KẾT LUẬN

Là một trong những chính sách xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, có vai trò quan trọng trong quá trình quản lý xã hội của Nhà nước, BHXH đã và đang góp phần vào việc ổn định đời sống của nhân dân, ổn định xã hội. Qua gần 10 năm hoạt động, Bảo hiểm xã hội Việt nam đã đạt được những bước tiến quan trọng cả về quy mô và chất lượng.

Kết quả đạt được trong thời gian qua là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành BHXH cũng như việc không ngừng đổi mới, hoàn thiện công tác quản lý thu, chi Quỹ BHXH để tăng thu, tiết kiệm chi, tăng tích lũy vào Quỹ BHXH, góp phần ổn định cân đối Quỹ BHXH. Tuy nhiên, trạng thái cân đối của Quỹ BHXH trong những năm vừa qua đang tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng cân đối dài hạn của Quỹ BHXH nói riêng và hạn chế vai trò của hoạt động BHXH nói chung trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Với khả năng nghiên cứu và vốn hiểu biết của mình, tác giả Luận văn hy vọng sẽ đóng góp cho các nhà hoạch định chính sách về BHXH những giải pháp, những bước đi đúng đắn và hợp lý nhằm ổn định và kéo dài "tuổi thọ" của Quỹ BHXH. Trong Luận văn: "Giải pháp đảm bảo cân đối quỹ BHXH ở Việt nam", tác giả đã phân tích những ưu điểm và nhược điểm hiện tại của công tác quản lý thu - chi và cân đối quỹ BHXH; tìm ra những nguyên nhân và mạnh dạn đưa ra một số giải pháp, kiến nghị để khắc phục những tồn tại, góp phần mở rộng khả năng cân đối lâu dài của quỹ BHXH.

Dự kiến Luận văn sẽ đạt được kết quả là: hệ thống hoá những vấn đề lý luận cơ bản về quỹ BHXH và cân đối quỹ BHXH; đánh giá thực trạng về hoạt động quản lý thu, chi và cân đối quỹ BHXH ở Việt nam. Trên cơ sở phân tích khoa học và tổng kết kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn, đưa ra những quan điểm, nguyên tắc, giải pháp để khắc phục những hạn chế, vướng

mắc, từ đó góp phần hoàn thiện nội dung, phương thức quản lý và cân đối quỹ BHXH trong thời gian tới.

Hy vọng những kết quả đã đạt được của Luận văn sẽ góp phần hoàn thiện chính sách BHXH, tổ chức thực hiện chính sách BHXH và hoạt động quản lý cân đối quỹ BHXH; góp phần quan trọng đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Một phần của tài liệu 136 Giải pháp đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội ở Việt nam (Trang 87 - 91)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w