4. Hình Tăng trưởng các thành phần kinh tế, 2006 – 2011
3.3.3.1. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước
Có nhiều chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trong đó, chỉ tiêu đặc trưng và tập trung nhất là các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn sản xuất kinh doanh (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản(ROA). Ba chỉ số này có giá trị càng
lớn thì khả năng cạnh tranh càng mạnh và ngược lại, càng nhỏ thì khả năng cạnh tranh càng kém. Trong giai đoạn 2006 – 2011, nhìn chung, hai chỉ tiêu trên của Việt Nam đều thấp nhưng có xu hướng tăng lên ở tất cả các thành phần kinh tế. Tỷ suất lợi nhuận của từng loại hình doanh nghiệp có nhiều chuyển biến, phụ thuộc phần nhiều vào tình hình kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam, nhưng xu hướng chung là đều là năm sau tăng cao hơn so với năm trước.
Nếu phân theo thành phần kinh tế thì tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn này luôn giữ ở vị trí cao nhất, doanh nghiệp FDI có tỷ suất ROA cao hơn hẳn so với nhóm DNNN và DNTN, liên tục tăng từ 8,7% năm 2006 lên 25% năm 2011, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm nhưng ổn định hơn, tăng từ mức 3,7% năm 2006 lên mức 5,2% năm 2010, sau đó mới giảm xuống còn 2,7% năm 2011.Hiệu quả đầu tư của khu vực tư nhân xếp vào loại cao nhất nhưng lợi nhuận trên tổng tài sản lại thấp hơn so với khu vực nhà nước và đầu tư nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng liên tục, tuy vậy, tỉ suất lợi nhuận của khối doanh nghiệp này lại không ngừng giảm, thể hiện ở hai chỉ số đánh giá hiệu quả kinh doanh. ROA của doanh nghiệp tư nhân giảm từ 3,1% năm 2006 xuống còn 2,4% năm 2011, ROE giảm từ 34,9% năm 2006 xuống 16% năm 2011. Các doanh nghiệp càng nhỏ, tỷ suất lợi nhuận càng yếu thì tỷ suất lợi nhuận càng thấp. Khi so sánh tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu và trên vốn sản xuất kinh doanh ta cũng thu được kết luận tương tự. Tính chung tỷ suất lợi nhuận trên vốn và trên doanh thu của các doanh nghiệp đầu tư trong nước đều thấp hơn tỷ lệ lãi suất vay ngân hàng. Theo các tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế, số lượng các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam rất ít.
Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam không cao chủ yếu do một số nguyên nhân:
Sự lạc hậu về công nghệ: Hiện nay, đa số các doanh nghiệp nước ta đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. Thể hiện cụ thể: hơn 70% máy móc thiết bị đang sử dụng được sản xuất từ những năm 1970; 75% máy móc thiết bị đã hết thời gian khấu hao; 50% máy móc thiết bị mới tân trang. Vì lý do lạc hậu về công nghệ nên chi phí sản xuất của doanh nghiệp luôn cao hơn chi phí trung bình của thế giới từ 10 - 30%.
Đa số các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn này, nhiều sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm có sự tăng trưởng cao (hàng da giày, dệt may, chế biến thực phẩm, đồ uống, sản phẩm thép và kim loại màu, sản phẩm nhựa, hàng điện tử, ô tô, xe máy…) đều phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài mà những giá cả những nguyên liệu này không ngừng tăng cao trong những năm gần đây.
Chiến lược phân phối, chiến lược truyền thông và xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế. Hoạt động xúc tiến thương mại còn giản đơn, sơ lược và không có hiệu quả thiết thực…
Nếu phân theo nhóm ngành thì khác với các năm trước, giai đoạn này nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3 ngành có tỷ suất lợi nhuận lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam, trong đó năm 2011 tỷ suất lợi nhuận của các ngành này đều đạt trên 20%. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do các ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, chỉ tiêu về lợi nhuận giảm mạnh.
Tóm lại, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn này chưa cao, xét ở một góc độ nào đó, có thể nói khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn có những hạn chế nhất định.Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, tronggiai đoạn này, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố đóng vai trò quyết định. Do đó, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp không còn là việc của riêng doanh nghiệp, mà đòi hỏi sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, nỗ lực của các tổ chức ngành nghề và người lao động. Có nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của sản phẩm, người lao động có việc làm, thu nhập, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước ổn định.