Một trong những biện pháp phòng ngừa rủi ro cần được thực hiện là cần có định hướng nhằm đảm bảo cho cán bộ tín dụng, cán bộ quản lý phòng ngừa được rủi ro là chính sách tín dụng. Chính sách tín dụng là công cụ quan trọng trong quản trị tín dụng tại các ngân hàng thương mại vì nó vạch rõ những nguyên tắc hướng dẫn tổng quát để hỗ trợ cho việc ra quyết định cho vay và xây dựng cơ cấu tín dụng. Cơ cấu tín dụng sẽ phản ánh những gì mà chính sách cho vay của ngân hàng đã xây dựng. Những yếu tố cơ bản của một chính sách tín dụng hoàn chỉnh gồm:
+ Mục tiêu của chính sách cho vay + Lĩnh vực kinh doanh (hướng đầu tư)
+ Xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận có liên quan + Chính sách và thủ tục đối với việc xác định lãi suất cho vay, các khoản phí + Đánh giá tín dụng
Trong bối cảnh chung, mọi hoạt động tín dụng của SGDII – NHCTVN chi phối bởi các chỉ đạo định hướng tín dụng của NHCTVN, tuy nhiên trong thời gian qua Ngân hàng Công Thương Việt nam mới chỉ định hướng bằng các chỉ tiêu tín dụng như tốc độ tăng trưởng hàng năm và hàng quý, tỷ trọng nợ trung dài hạn /tổng dư nợ, chưa xây dựng được một cách có hệ thống định hướng tín dụng theo ngành nghề và đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, chưa chủ động tìm những khách hàng, ngành hàng có hiệu quả mà chủ yếu do khách hàng mang dự án đến, sau một quá trình sàng lọc thì ngân hàng mới chọn dự án để cho vay. Trong điều kiện thiếu định hướng, thiếu thông tin, sự lựa chọn vừa tiêu tốn thời gian, mà đôi khi không phải là lựa chọn tốt nhất, việc cho vay bị lôi cuốn theo phong trào đầu tư của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Do phát triển một cách tự phát thiếu định hướng do đó hoạt động tín dụng của Ngân hàng Công thương còn bộc lộ một số hạn chế:
- Cơ cấu đầu tư tín dụng theo ngành hàng còn bất hợp lý: Thể hiện ở chỗ những ngành như dầu khí có tính ổn định, tiềm lực mạnh về tài chính, ít rủi ro nhưng lâu nay chủ yếu vay vốn nước ngoài để đầu tư. Trong khi đó những ngành hàng thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông... đây là những ngành hàng mà nhu cầu thị trường thiếu ổn định lại chịu ảnh hưởng nhiều bởi việc thực hiện hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung CEPT/AFTA.
- Tập trung cho vay doanh nghiệp nhà nước : Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng khoản 55%/ tổng dư nợ cho vay, và dư nợ quá hạn của doanh nghiệp nhà nước chiếm 60%/tổng dư nợ quá hạn toàn hệ thống. Hiện nay các doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ nhiều hạn chế như số lượng doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả thấp, công nợ lớn. . .tiềm ẩn rủi ro.