CNH – HĐH ở Việt Nam được hiểu là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lí KT – XH từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học – công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao.
Về thực chất, CNH – HĐH không chỉ là quá trình tăng thêm một cách đơn giản tốc độ và tỉ trọng của sản xuất công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân mà còn là quá trình chuyển dịch cơ cấu, gắn liền với việc đổi mới công nghệ một cách thường xuyên, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững và có hiệu quả cao của toàn bộ nền kinh tế. Cũng có thể thấy rằng CNH – HĐH là một quá trình xây dựng một xã hội văn minh, cải biến căn bản các ngành kinh tế, các hoạt động xã hội theo phong cách của nền công nghiệp hiện đại, tạo ra sự phát triển bền vững và không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Chính vì vậy, quá trình này có những tác động sâu sắc đến sự phát triển KT – XH không chỉ của quốc gia nói chung mà các lãnh thổở cấp nhỏ hơn đều chịu ảnh hưởng.
1.3.1. Tích cực
1.3.1.1. Đối với các ngành kinh tế
Quá trình CNH – HĐH tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế. Cụ thể:
- Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế thông qua việc ứng dụng một cách triệt để sự tiến bộ của khoa học và công nghệ nhằm mục đích cuối cùng là tạo ra năng suất lao động xã hội cao nhất có thể. Và quá trình này tác động đến tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân nên không chỉ trong toàn bộ nền kinh tế mà nội bộ từng ngành cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
- Trong sự tăng trưởng của các ngành kinh tế thì ngành công nghiệp trong giai đoạn đầu của quá trình CNH – HĐH sẽ được ưu tiên phát triển hơn để tạo ra các công cụ sản xuất hiện đại phục vụ cho các ngành sản xuất khác, đồng thời cũng tạo ra lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người… chính vì thế mà tốc độ tăng trưởng của nó sẽ tăng nhanh hơn các ngành kinh tế khác và cũng có đóng góp lớn hơn trong nền kinh tế quốc dân. Ngược lại, trong giai đoạn sau của quá trình CNH – HĐH, khi công nghiệp đã đủ mạnh, ngành dịch vụ sẽ là ngành được ưu tiên phát triển để phục vụ tốt hơn cho chính con người nên phần đóng góp quan trọng và chiếm tỉ lệ lớn trong nền kinh tế không phải là công nghiệp nữa mà là ngành dịch vụ. Nói cách khác, quá trình CNH – HĐH sẽ tạo ra một sự chuyển dịch trong nền kinh tế quốc dân. Và bản thân các ngành kinh tế muốn phát triển mạnh cũng cần phải có một sự thay đổi trong nội bộ từng ngành.
- Để thực hiện tốt quá trình CNH – HĐH đất nước, cần phải tích cực tăng cường mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với các nước trên thế giới để có thể đón đầu công nghệ, tránh tình trạng lạc hậu so với các nước, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển. Đây chính là cơ hội tốt để nền kinh tế quốc gia hội nhập được với thế giới, một mặt có thể học hỏi kinh nghiệm, trao đổi công nghệ mà còn tăng khả năng mở rộng thị trường cho các mặt hàng.
- Đồng thời, với quá trình mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nhà nước cũng có những chính sách tích cực và những biện pháp nhằm thu hút được sự đầu tư từ bên ngoài. Đây cũng là một lợi thế cho các ngành kinh tế bởi để thu hút được đầu tư, nhà nước không chỉ chú đến các cơ sở pháp lí mà còn phải quan tâm đến việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vững mạnh, an toàn.
1.3.1.2. Xã hội
Quá trình CNH – HĐH đất nước được thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh nên có những chuyển biến tích cực trong các vấn đề XH:
- Sự xuất hiện và phát huy hết khả năng của máy móc hiện đại đã làm chuyển đổi cơ cấu lao động trong XH: số người làm việc trong các ngành sản xuất vật chất
có xu hướng giảm (do máy móc đã thay thề sức lao động của con người) và trong các ngành sản xuất phi vật chất thì tăng.
- Cuộc sống của người dân được cải thiện thông qua lượng hàng hóa ngày càng nhiều, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của người dân. Đồng thời trong quá trình CNH – HĐH, máy móc được thay thếđể giải phóng sức lao động của con người để con người có thời gian nghỉ ngơi và tham gia vào các hoạt động giải trí.
- Thu nhập và mức sống của người dân được nâng cao do tổng sản phẩm xã hội làm ra lớn.
- Quá trình CNH – HĐH cũng tạo ra được nhiều việc làm mới, giải quyết phần nào nạn thất nghiệp do số người trong độ tuổi lao động ngày càng tăng nhanh bởi gia tăng dân số.
- Trong tiến trình thực hiện CNH – HĐH, nhà nước cũng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề làm sao để có được lực lượng lao động vừa hồng, vừa chuyên, nắm bắt tốt khoa học kĩ thuật nên giáo dục đào tạo cũng được chú trọng đầu tư. Vấn đề sức khỏe của người dân cũng nhờ có CNH – HĐH mà tiến bộ hơn trước, y tế đã góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân.
- Quá trình CNH – HĐH làm xuất hiện các khu CN, cụm CN và các đô thị và thu hút người lao động đến đây sinh sống và làm việc. Do đó góp phần làm tăng tỉ lệ dân thành thị lên cao hơn và tác động mạnh mẽđến quá trình đô thị hóa.
- Quá trình CNH – HĐH cũng đã làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất ở mỗi địa phương nhằm đáp ứng mặt bằng cho các ngành sản xuất, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong tất cả các ngành kinh tế bởi tấc đất chính là tấc vàng.
- Nông thôn và nông nghiệp là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong quá trình thực hiện CNH – HĐH do đặc thù nước ta đi lên từ nền nông nghiệp lạc hậu và đại đa số người dân sống ở vùng nông thôn. Nhờ quá trình CNH – HĐH mà cuộc sống của người dân ở nông thôn đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.
1.3.2. Hạn chế
Quá trình CNH – HĐH cũng như tất cả các quá trình hình thành và diễn ra trong tự nhiên, trong XH: đều có 2 mặt tác động đến những vấn đề xung quanh. Bên
cạnh những đóng góp tích cực thì quá trình này cũng tạo ra những vấn đề chưa giải quyết được:
1.3.2.1. Kinh tế
- Do nhiều yếu tố khách quan, quá trình CNH – HĐH không thể diễn ra đồng thời, cùng lúc trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là nhà nước không thể đầu tư tốt cho tất cả các địa phương để thực hiện đồng bộ quá trình này. Dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong sự phát triển kinh tế giữa các địa phương.
- Chính sự hội nhập và mở cửa cũng tạo ra một bất lợi cho chúng ta là nền kinh tế không ổn định, chịu sự bấp bênh của thị trường thế giới, những thay đổi của các nhà đầu tư cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế bền vững và lâu dài của chúng ta.
- Quá trình CNH – HĐH đã làm thay đổi diện tích đất nông nghiệp, trong khi trọng trách và thế mạnh về nông nghiệp ở nước ta vẫn được đặt lên cao thì đây lại trở thành một gánh nặng cho ngành nông nghiệp nói chung và người nông dân nói riêng. Họ bị mất đất canh tác, buộc phải chuyển sang các ngành hoạt động khác mà tay nghề không cao, và thậm chí là không thểđáp ứng nhu cầu tuyển dụng dẫn đến năng suất xã hội bị kéo xuống và khả năng thất nghiệp của họ là rất lớn.
1.3.2.2. Xã hội
- Quá trình thực hiện CNH – HĐH cùng với những thay đổi của nó đã làm cho cuộc sống của người dân có nhiều thay đổi. Với những người biết nắm bắt thời cơ và có đủ điều kiện thì sẽ có cơ hội tốt để đem lại thu nhập rất cao. Ngược lại có những người sẽ trở thành nạn nhân của quá trình này, rơi vào tình trạng mất đất, mất nhà và thậm chí là không tìm được việc làm… Đây chính là mặt trái đầu tiên của CNH – HĐH khi nó tạo ra một sự chênh lệch trong thu nhập và mức sống của người dân.
- Cùng với sự mở cửa và hội nhập, nhiều văn hóa phẩm đồi trụy cùng với những lối sống buông thảđã du nhập vào nước ta một cách nhanh chóng và rất khó kiểm soát, làm thay đổi thuần phong mỹ tục của nước ta, tạo ra nhiều tệ nạn xã hội.
Đây cũng là một vấn đề lớn trong tiến trình thực hiện CNH – HĐH mà chúng ta chưa tìm được hướng giải quyết triệt để.
- Sự phát triển rầm rộ các nhà máy xí nghiệp công nghiệp và các ứng dụng của nó trong các ngành kinh tế và đời sống một mặt làm cạn kiệt nguồn tài nguyên không có khả năng phục hồi, một mặt gây ra những biến đổi về môi trường một cách nghiêm trọng. Làm thế nào để không gây ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững cũng là một bài toán lớn khi chúng ta cần phải giải được trong việc thực hiện CNH – HĐH.
- Ngoài ra, đối với mỗi địa phương khi thực hiện quá trình CNH – HĐH còn có một đặc điểm là tạo nên sự di dân cơ học từ nơi này sang nơi khác cũng tạo nên nhiều vấn đề cần phải xem xét lại ở nhiều khía cạnh.