- ứng Hoà khen thưởng 10 tập thể và cá nhân trong sản xuất CNTTCN.( Báo Hà Tây, 16505).
3.3.2. Về hình thức thể hiện:
Ngôn ngữ Báo Hà Tây và ngôn ngữ các báo Nông thôn ngày nay, Kinh tế nông thôn... đều thể hiện tính chuẩn của ngôn ngữ báo chí, ngắn gọn, dễ hiểu, ngôn ngữ phổ thông. Nhưng Báo Hà Tây có điểm khác biệt là ngôn ngữ mang tính văn hoá địa phương. Vì đối tượng phục vụ chính là người dân Hà Tây( đa phần là nông dân) nên ngôn ngữ Báo Hà Tây phải thật giản dị, dùng những lối diễn đạt ngắn gọn để công chúng dễ dàng tiếp nhận thông tin. Việc sử dụng ngôn ngữ gần với ngôn ngữ quần chúng, mang nét văn hoá địa phương đã tạo nên sự lôi cuốn thực sự. Khi đọc báo Hà Tây, người dân cảm thấy gần gũi, thân thiết bởi lẽ tờ báo viết về vấn đề thiết thân với họ bằng chính ngôn ngữ của họ.
Viết về làng nghề ở Hà Tây, các báo khác thường sử dụng nhiều thể loại, trong đó thể loại bài phản ánh được sử dụng nhiều và đặc biệt thể loại chiếm ưu thế là phóng sự. Trong khi đó Báo Hà Tây, thể loại phóng sự chiếm số lượng rất khiêm tốn. Nguyên nhân một phần do đội ngũ người viết báo có sự chênh lệch. Đây là một thể loại khó, thêm vào đó Báo Hà Tây còn thiếu nhiều những cây bút sắc xảo và cá tính, có đủ độ chín của nghề và độ sâu rộng của kiến thức. Nếu khắc phục được tình trạng này, chất lượng của các bài viết về làng nghề sẽ được nâng lên rất nhiều.
Qua so sánh Báo Hà Tây với một số tờ báo khác, ta nhận thấy những sự khác biệt trên xuất phát từ đối tượng bạn đọc giữa các báo khác nhau. Là báo địa phương nên đối tượng chính mà Báo Hà Tây phục vụ là đông đảo người dân lao động trong tỉnh. Vì vậy, cả nội dung và hình thức thể hiện phải thiết thực và phù hợp với người dân; phải đưa những vấn đề trong tỉnh- như vấn đề làng nghề, vấn
đề lao động sản xuất mà người dân quan tâm- bằng chính hình thức truyền tải chân thực, giản dị, gần với lời ăn tiếng nói của họ. Đối tượng phục vụ của các báo Kinh tế nông thôn, Kinh tế ngày nay lại rộng hơn rất nhiều. Đó là đông đảo người dân khắp cả nước, do vậy mảng đề tài làng nghề Hà Tây chỉ là mảng nhỏ, chiếm số lượng nhất định trong tổng bài viết. Ngoài làng nghề Hà Tây, các báo còn viết về rất nhiều các làng nghề tại nhiều địa phương khác của Việt Nam. Chính vì lý do này, sự phản ánh mang tính khái quát, rất chung, chỉ điểm xuyết nét tiêu biểu nhất là điều dễ hiểu.
Kết luận
Làng nghề là mảng đề tài hay, hấp dẫn nhưng xoay quanh nó còn tồn tại không ít bức xúc. Cũng vì thế thông tin về làng nghề để thật đúng, thật đủ, thật toàn diện là điều không dễ dàng. Qua khảo sát ( từ tháng 6- 2004 tới tháng 5- 2005) ta có thể nhận thấy những ưu điểm và hạn chế trong phản ánh đề tài này của báo Hà Tây.
Ưu điểm nổi bật đó là Báo Hà Tây đã bám sát thế mạnh của tỉnh “mảnh đất trăm nghề”. Với những thông tin phong phú, Báo đã vẽ được bức tranh toàn cảnh về làng nghề ở Hà Tây. Mỗi làng nghề có đặc điểm riêng, các nhà báo đã thể hiện được nét riêng đó qua việc tìm hiểu kỹ càng làng nghề, từ nguyên liệu
đến cách thức sản suất và sản phẩm làm ra. Đồng thời với việc biểu dương các thành quả kinh tế, văn hoá, xã hội, Báo cũng chỉ ra, làm rõ những khó khăn bất cập đang cản trở sự phát triển bền vững của nghề. Những vấn đề nóng hổi đang diễn ra hàng ngày hàng giờ như: không tìm được nguồn đầu ra cho sản phẩm, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề duy trì phát triển các giá trị văn hoá tinh thần làng nghề. Không đơn thuần chỉ đưa thông tin, qua mỗi bài báo lại là cả sự mổ xẻ, phân tích thấy rõ cái được và chưa được. Đặt vấn đề và phân tích vấn đề một cách đầy trách nhiệm để tìm ra phương hướng giải quyết tích cực, các tác giả qua mỗi trang báo đã khẳng định: Trong cơ chế thị trường các làng nghề phải nhanh nhậy áp dụng đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, tích cực chủ động tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm, gắn chặt sản suất với thị hiếu nhu cầu thị trường. Một biện pháp hữu hiệu để đẩy mạnh thông thương là mở hướng đẩy mạnh phát triển làng nghề với du lịch làng nghề. Và thành công của định hướng phát triển này đã được minh chứng rõ.
Ưu điểm thứ hai về nội dung là cùng với việc phản ánh về làng nghề, biểu dương những thành quả kinh tế để nhân rộng ra các làng nghề khác, Báo Hà Tây cũng đặc biệt chú trọng tới hiện thực: một số làng nghề truyền thống đang bị mai một và có nguy cơ bị thất truyền. Thế hệ nghệ nhân già ngày càng yếu đi mà lớp trẻ không mặn mà với nghề. Qua thông tin về làng nghề, không chỉ các cấp chính quyền địa phương, trung ương mà nhất là thế hệ trẻ đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc duy trì, phát triển nghề. Tác động đến độc giả, giúp họ nhìn nhận, đánh giá và định hướng hành vi ý thức của mình. Điều này thể hiện tính hiệu quả của thông tin. Mặc dù khó khăn, cần nhiều tâm huyết và cả tiền của nữa, nhưng những người dân làng nghề sẽ đồng tâm thực hiện. Như vậy, Báo Hà Tây đã thực sự có vai trò rất tích cực trong việc khôi phục làng nghề nhằm bảo tồn những giá trị văn hoá tinh thần đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người lao động.
Tuy nhiên có một nhược điểm là vấn đề môi trường - vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người lao động và sự phát triển bền vững làng nghề nhưng số lượng bài viết phản ánh còn hạn chế. Các bài về làng nghề, các
nhà báo Hà Tây chú trọng đề cập nhiều hơn tới sự phát triển kinh tế và việc gìn giữ giá trị văn hoá tinh thần.
Về hình thức ta nhận thấy Báo có ưu điểm là trình bày đẹp, ảnh minh hoạ cho bài viết về làng nghề được sử dụng có hiệu quả, chất lượng. Tuy nhiên vấn đề sử dụng ảnh còn có hạn chế xuất phát từ sự thiếu thốn trong vấn đề tài chính.Tình trạng xảy ra là, ảnh trang nhất và ảnh in tiếp cho bài viết ở trang trong vẫn chỉ cùng một ảnh duy nhất. Như vậy diện tích báo đã bị lãng phí tới hai lần cho cùng một bức ảnh mà giá trị thông tin cho ngươì đọc không hề được tăng lên.
Khảo sát báo, nghiên cứu những tác phẩm được viết ra bởi các nhà báo có nhiều tâm huyết với nghề, tôi đã gặt hái được rất nhiều bài học làm nghề bổ ích. Đối với người làm báo và đặc biệt là nhà báo của một tờ báo địa phương như Hà Tây thì phải luôn xác định cho mình đối tượng bạn đọc cụ thể. Có thể đưa thông tin đa dạng về trong nước và thế giới nhưng quên bẵng đi bạn đọc chính mà mình hướng tới là ai thì không thể có chỗ đứng vững trong lòng công chúng. Báo Hà Tây đã không rơi vào tình trạng đó bởi vấn đề làng nghề của đất trăm nghề luôn chiếm một vị trí quan trọng trong nội dung thông tin của báo. Biết được nhu cầu của công chúng là điều kiện cần thiết để các nhà báo hoạt động có hiệu quả, tạo ra những thông tin chính xác, cần thiết để đáp ứng nhu cầu và lợi ích của công chúng. Nhờ vậy, mỗi người dân làng nghề Hà Tây khi đọc bài viết, thấy rõ được đây đúng là tờ báo cần thiết đối với mình. Không xa lạ mà vô cùng gần gũi. Họ thấy được công việc của mình, những vui buồn cũng như những trăn trở băn khoăn của làng nghề được phản ánh trên đó và tiếp thu nhiều thông tin mới, nhiều giải pháp phát triển nghề có tính thực tiễn cao.
Đây là bài học làm nghề đầu tiên và cũng vô cùng quan trọng đối với những người cầm bút trẻ cũng như những sinh viên báo chí. Muốn cho tác phẩm có giá trị thông tin cao và có hiệu quả thì thông tin phải xác thực, dễ hiểu, nêu bật và giải quyết được những vấn đề bạn đọc đang quan tâm. Vấn đề đó càng gần gũi, thiết thực, liên quan tới độc giả bao nhiêu thì sự hứng thú, nhu cầu đọc tờ báo đó càng lớn bấy nhiêu.
Báo không chỉ là nghề mà còn là cái nghiệp nữa. Cái nghiệp của những người tâm huyết với nghề, sống chết với nghề. Qua khảo sát báo Hà Tây, bên cạnh học về cách viết tôi còn học thêm được nhiều về tâm huyết của người làm báo trên mảnh đất trăm nghề. Không chỉ đơn giản là ngợi ca những giá trị kinh tế có thể thấy rõ trên bề nổi của hiện thực đời sống mà phải thấy được cả những vấn đề ẩn sau đó, thậm chí là những mặt trái đang cản trở sự phát triển. Các nhà báo Hà Tây, bên cạnh biểu dương sự phát triển làng nghề còn thấy được đằng sau là vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng cần giải quyết, là suy tư trước sự mai một của không ít làng nghề trong cơ chế mới. Mỗi nhà báo ngoài cái tâm, cái tài, bản lĩnh của người cầm bút còn có cả tình yêu với mỗi làng nghề của quê hương. Yêu nghề cũng là sự quyết tâm tìm ra những phương hướng biện pháp để giải quyết những tồn tại với một mục đích: phát triển làng nghề, bảo tồn những nét đẹp văn hoá lịch sử, đưa đời sống người dân ngày thêm ấm no thịnh vượng.
Với khoá luận, tôi đã có thêm kỹ năng nghề báo và tình yêu đối với nghề báo cũng lớn thêm lên trong niềm tự hào là một người con của mảnh đất Hà Tây- mảnh đất trăm nghề. Thiết nghĩ, nếu báo Hà Tây mở rộng hơn nữa phạm vi thông tin các vấn đề về làng nghề, nhất là chuyên mục “ du lịch làng nghề” được xuất hiện thường xuyên hơn trong tất cả các số báo thì hiệu quả thông tin và kết quả phát triển thực tế sẽ tăng lên rất nhiều. Gắn phát triển làng nghề với du lịch là một hướng đi đúng, không chỉ giải quyết nguồn tiêu thụ mà còn là cơ hội để giới thiệu với du khách bốn phương nét đẹp văn hoá truyền thống làng nghề. Để, tình yêu làng nghề, niềm tự hào về làng nghề như ngọn lửa toả lan và sáng mãi trong lòng tất cả mọi người.