Làng nghề truyền thống đạt hiệu quả kinh tế thấp đang có nguy cơ mai một.

Một phần của tài liệu Nội dung thông tin về làng nghề trên Báo Hà Tây. (Trang 26 - 29)

cơ mai một.

Làng nghề truyền thống ở Hà Tây có sự phát triển không đồng đều: có rất nhiều nghề đạt hiệu quả kinh tế cao, được tỉnh công nhận là làng nghề CN- TTCN; nhưng cũng còn nhiều nghề đang lao đao, phát triển chậm, thậm chí có nguy cơ mai một. Tình trạng đó được phản ánh khá đậm nét trên mặt báo Hà Tây: Gian nan giữ một làng nghề(HT,21-7-04); Bài toán khôi phục làng nghề

giấy An Cốc( HT, 14-4-05); Trăn trở làng nghề Quất Động.... là những bài viết tiêu biểu.

Các làng nghề thổi thuỷ tinh, làm giấy, thêu đã từng rất hưng thịnh trong quá khứ, sản phẩm nổi tiếng khắp trong nam ngoài bắc nhưng hiện nay đều chung tình trạng kém phát triển, mai một: " Nguy cơ mất mất dần nghề truyền thống cũng đang đến ngày một, ngày hai khi những tay thổi thuỷ tinh tài hoa xưa kia của làng ngày càng cao tuổi. Cùng với đó là mức thu nhập thấp, trung bình mỗi ngày một lao động chỉ nhận được 12-15 nghìn đồng, việc làm lúc có lúc không nên nhiều người quay lưng lại với nghề"( Bài Gian nan giữ một làng nghề). Đồng thời với việc phản ánh sự kém hiệu quả trong phát triển kinh tế, Báo Hà Tây đi sâu tìm hiểu thực trạng đi xuống của làng nghề, chỉ rõ nguyên nhân và tích cực tìm giải pháp khắc phục.

Nguyên nhân đầu tiên do thiếu tư liệu sản xuất: nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất thiếu và nguồn vốn đầu tư -yếu tố quan trọng quyết định đến sản xuất kinh doanh cũng trong tình trạng thiếu trầm trọng :" số vốn đầu tư vào sản xuất khá lớn lại chậm quay vòng nên càng khó duy trì"( Bài Gian nan giữ một làng nghề) và " Khi đề cập đến vấn đề khôi phục lại nghề thì lãnh đạo xã Hồng Minh đã nêu lên nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư"( Bài Bài toán khôi phục làng nghề giấy An Cốc). Thông tin về sự thiếu vốn của làng nghề, Báo Hà Tây đã đóng góp tích cực giải quyết tình trạng này bằng cách phân tích vị thế của làng nghề trong nông thôn, từ đó giúp các cấp, các ngành, nhất là ngân hàng thấy việc đầu tư cho làng nghề phát triển có khả năng đem lại lợi nhuận cao. Vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ở Chương Mỹ(HT,29-4-04); Quỹ tín dụng Minh Khai lo đủ vốn cho phát triển nghành nghề( HT,22-5-05 ) là những bài viết khẳng định đồng vốn thực sự cần thiết cho khôi phục, phát triển làng nghề và đầu tư cho phát triển làng nghề là hướng đi đúng đắn.

Nguyên nhân thứ hai là thiếu lực lượng sản xuất, thiếu thế hệ trẻ tâm huyết với nghề: " việc gắn bó với nghề chỉ chíếm 10% dân số trong làng, do đó kỹ thuật thêu của làng mai một, thất truyền là điều có thể xảy ra"( Bài Trăn trở nghề thêu

Quất Động). Tại các làng nghề này, vì thu nhập từ làm nghề thấp nên lớp trẻ không mặn mà với nghề cha ông. Các nghệ nhân đầy tâm huyết mà không có lực lượng kế cận để truyền dạy nghề. Và như thế, buồn thay, làng nghề đang dần mất đi theo các nghệ nhân già khi khuất núi.

Nguyên nhân thứ ba là không có thị trường tiêu thụ. " Vực nghề lên được một năm, Thống Nhất lại vấp phải khó khăn là đầu ra cho sản phẩm. Thời buổi đồ thuỷ tinh y tế không còn được ưa chuộng như xưa đang dần được thay thế bằng vỉ thuốc, sản phẩm nhựa ... khiến cho tìm hợp đồng càng thêm chật vật"( Bài Gian nan giữ một làng nghề), và mất đi thị trường tiêu thụ truyền thống: " Do sản phẩm giấy An Cốc chủ yếu cung cấp cho làng Bình Đà làm pháo, thế nên năm 1994 lệnh cấm pháo ban hành và thực thi thì nghề làm pháo mất đi kéo theo sản phẩm làm giấy cũng không được tiêu thụ"(Bài Bài toán khôi phục nghề giấy An Cốc). Không tìm được nguồn đầu ra cho sản phẩm là khó khăn vướng mắc của rất nhiều làng nghề truyền thống, đặc biệt trong cơ chế thị trường, khi sản phẩm của nhiều làng nghề chưa bắt kịp được thị hiếu ngày càng đa dạng, khó tính trong và ngoài nước. Những nguyên nhân này trực tiếp dẫn đến sự kém phát triển, mai một của làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, giải pháp khôi phục và phát triển làng nghề trong từng bài viết còn chung chung, chưa nêu bật cách thức hữu hiệu có thể giải quyết đồng bộ khó khăn mà làng nghề mắc phải.

Đưa tin bài phản ánh về sự mai một của làng nghề, Báo Hà Tây giúp cho người dân thấy rõ những điểm yếu, những nguyên nhân kém phát triển của làng nghề mình. Cách duy nhất vượt qua khó khăn là đi xuyên qua chính nó. Không hề lẩn tránh, các nhà báo đã nhìn thẳng vào hiện thực, mạnh dạn vạch ra yếu kém trong phát triển làng nghề. Chính điều này đem lại hiệu quả tác động lớn: người dân hiểu sâu sắc thực trạng và từ đó ý thức hơn trong việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống. Báo Hà Tây đã góp phần tìm ra nguyên nhân để làm cơ sở định hướng, hoạch định chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề trong bối cảnh đổi mới- mở cửa, đẩy nhanh nhịp độ phát triển nền kinh tế, xã hội.

Có thể nhận thấy rằng, những điển hình làng nghề tiên tiến với những bài học phát triển kinh tế hiệu quả được Báo Hà Tây tích cực cổ động tuyên truyền, thực sự trở nên quý giá, là tấm gương giúp những làng nghề đang mai một nỗ lực học hỏi, cùng phát triển đi lên.

Một phần của tài liệu Nội dung thông tin về làng nghề trên Báo Hà Tây. (Trang 26 - 29)