Gắn du lịch với phát triển làng nghề.

Một phần của tài liệu Nội dung thông tin về làng nghề trên Báo Hà Tây. (Trang 56 - 58)

Gắn du lịch với phát triển làng nghề là hình thức khuyến khích cho tiềm năng du lịch và hoạt động làng nghề cùng phát triển. Khách hàng các nơi đến thăm quan làng nghề sẽ thấy được sự lao động hăng say của người lao động, thấy được tận mắt các sản phẩm tinh xảo, độc đáo thể hiện nét đẹp văn hoá, thể hiện bản sắc riêng biệt không thể trộn lẫn của mỗi vùng nghề nổi tiếng. Thông qua du lịch, làng nghề kết hợp giới thiệu được nét văn hoá truyền thống lâu đời với mở rộng thị trường tiêu thụ. Như vậy, yếu tố văn hoá và phát triển kinh tế đã hoà quyện nhuần nhị. Các bài Du lịch làng nghề đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm ( 22-8- 04); Đa dạng sản phẩm du lịch làng nghề(5-9-04)Độc đáo, điểm điểm du lịch làng nghề Chàng Sơn( 26-9-04); Làng rèn Đa Sĩ( 5-12-04); Làng nghề Ninh Sở

gắn với du lịch( HT, 6-3-05); Để Chương Mỹ trở thành điểm hấp dẫn du lịch( 15- 3-05)... là những minh chứng.

Trong bài “ Du lịch làng nghề đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm” tác giả Ngọc Minh đã nêu bật được những thành quả làng nghề đạt được “ xã Vạn Điểm đã từng có một Hợp tác xã sản xuất đồ gỗ khảm trai, sản phẩm đã đưa đi tham dự các cuộc thi, Hội chợ đạt huy chương vàng và những nghệ nhân, những người thợ có đôi tay vàng. Đó là truyền thống, là niềm tự hào trong nét đẹp văn hoá làng nghề”. Và ngày nay những người thợ trẻ vẫn say nghề, yêu nghề. Công việc trạm khảm, gọt giũa gỗ, vỏ trai đòi hỏi người thợ phải tinh mắt, khéo tay, kiên nhẫn với công việc khá cầu kỳ, tỷ mỉ nhưng dưới bàn tay người thợ tài hoa ở đây, các sản phẩm đã trở nên có hồn như song long chầu nguyệt khắc hai bên cánh tủ, các phong cảnh tùng, cúc, trúc, mai, các bộ minh hồng, trúc, đào…và các tranh truyện cổ khác khắc trạm trên cánh tủ, bình phong, bàn ghế….. Vẻ đẹp sản phẩm là vẻ đẹp tâm hồn phong phú, tài hoa tinh tế của người làng nghề. Tất cả điều đó tạo nên sức thu hút mãnh liệt về lịch sử truyền thống làng nghề, về nét văn hoá toát lên từ sản phẩm, từ tâm hồn, từ bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa. Qua du lịch làng nghề, hiểu về nét đẹp văn hoá đó, ngày càng nhiều du khách tìm đến mua hàng, tham quan và ký kết các hợp đồng. Những giá trị kinh tế cũng được thể hiện rõ : nhờ ngành nghề phát triển mà Vạn Điểm đã có bước chuyển mạnh trong cơ cấu kinh tế địa phương, giá trị thu nhập từ hàng thủ công ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

“ Độc đáo điểm du lịch làng nghề Chàng Sơn” và “ Làng rèn Đa Sĩ” cùng khẳng định du lịch làng nghề sẽ đẩy mạnh làng nghề phát triển đồng thời qua đó giới thiệu với du khách trong nước và khu vực thấy được nét cổ kính, sự sôi động của làng nghề TTCN trong xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại hoá.

Để du lịch làng nghề đạt hiệu quả phải cải thiện tốt cơ sở hạ tầng tại các làng nghề truyền thống. Yêu cầu này được ra trong bài “Để Chương Mỹ trở thành điểm hấp dẫn du lịch”: “ Để tạo được các tua du lịch gắn kết với các làng

nghề truyền thống của địa phương, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng khảo sát, lập dự án tập trung thi công các tuyến đường vào làng nghề....xã Phú Nghĩa đã xây dựng được một nhà truyền thống trị giá 140 triệu đồng để trưng bày các sản phẩm làng nghề của điạ phương”. Xây dựng đường xá giao thông thuận tiện để chào đón du khách là chính sách đầu tư đúng đắn của chính quyền địa phương làng nghề. Bên cạnh đó, yêu cầu cần thiết phải có phòng triển lãm trưng bày sản phẩm cũng được bài báo đề cập và nêu gương tiên phong. Điều này có ý nghĩa biểu dương lớn vì trong tổng số 10 làng nghề của Hà Tây dự kiến lập dự án kết hợp với du lịch, rất nhiều làng không có phòng trưng bày sản phẩm hay có nhưng tồi tàn, xuống cấp. Làng nghề gắn với du lịch là mô hình kết hợp mới , bước đầu đã đem lại kết quả khả quan với nguồn đầu ra cho sản phẩm làng nghề ngày càng được mở rộng. Để thành công hơn nữa, các làng nghề phải đa dạng hoá sản phẩm và có chính sách đầu tư thích đáng cho cơ sở hạ tầng, cho bộ mặt cảnh quan của làng nghề. Đây là những kinh nghiệm được rút ra qua sự thành công của huyện Chương Mỹ khi áp dụng mô hình du lịch làng nghề mới này.

Thông qua phản ánh du lịch làng nghề và những thành công đáng biểu dương, các nhà báo Hà Tây đã giúp người dân làng nghề và các nhà quản lý địa phương thấy rõ đây là một hướng đi đúng đắn cần nhân rộng để phát huy hơn nữa nét đẹp văn hoá làng nghề, đồng thời tạo nên sức hút du khách, tìm được nguồn đầu ra lớn cho sản phẩm. Du khách tới thăm quan du lịch và có thể chọn mua hàng hay ký kết hợp đồng hợp tác. Như vậy, mối quan hệ trực tiếp giữa khách và người dân làng nghề được thiết lập mà không phải qua bất kỳ một khâu trung gian nào. Với nhân tố quan trọng này, thu nhập người sản xuất cao hơn, đời sống được nâng lên khá giả hơn trước rất nhiều. Tại các làng nghề gắn với du lịch, vì lẽ đó phát triển văn hoá làng nghề đồng nhất với phát triển kinh tế mạnh.

Một phần của tài liệu Nội dung thông tin về làng nghề trên Báo Hà Tây. (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(85 trang)
w