phẩm làng nghề.
“ Buôn có bạn, bán có phường”, đối với các làng nghề thì tính cộng đồng, phường, hội cũng là nét đặc trưng, tiêu biểu. Việc hợp nhất các hộ gia đình cung sản xuất một nghề vào chung một Hiệp hội làng nghề là yêu cầu cần thiết, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay. Sản xuất dưới sự lãnh đạo của hiệp hội, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế được tiếp thu, quán triệt và thống nhất trong thực hiện. Hơn nữa, các hộ trong hiệp hội có thể cùng chia sẻ thông tin về thị trường, về giá cả, về mẫu mã đang được ưa chuộng và hỗ trợ, giúp đỡ nhau về nguồn vốn, kinh nghiệm lao động, sản xuất. Đây chính là động lực tốt để phát triển làng nghề: “ Từ năm 2002, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng đã thành lập Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ giúp nhau phát triển nghề truyền thống.”( Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng. Báo Hà Tây ngày 25-9-04). Tác giả bài viết đã chỉ rõ phương châm mang tính tổ chức chặt chẽ và những hoạt động tích cực của hiệp hội đẩy mạnh làng nghề phát triển: “Hiệp hội đã đề ra phương châm hoạt động đoàn kết, hội tụ, bảo tồn những tinh hoa của làng nghề nhằm tạo ra các sản phẩm tinh tế, phong phú, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; đồng thời
phối hợp giúp nhau trong sản xuất kinh doanh, khích lệ sự cạnh tranh lành mạnh.”
Cũng giống như làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, làng nghề đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm thu được rất nhiều thành công từ sự hình thành và hoạt động hiệu quả của hiệp hội. Hiệp hội tổ chức đào tạo nghề, đề xuất các kiến nghị về vay vốn, tạo mặt bằng sản xuất, thông tin quảng cáo, trao đổi về mẫu mã mới, tham quan học tập kinh nghiệm, vận động hội viên nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước và thực hiện các hoạt động tình nghĩa. Đây là nội dung mà bài “ Du lịch làng nghề đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm” đề cập. Rõ ràng, mô hình tổ chức này đã khắc phục được rất nhiều nhược điểm của sản xuất làng nghề. Đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong từng hộ gia đình nên dẫn đến tình trạng mạnh ai người nấy làm; đó là thiếu vốn, thiếu lực lượng lao động có tay nghề; thiếu thông tin nhanh nhậy về nguồn đầu ra; thiếu định hướng đa dạng loại hình sản phẩm phù hợp thị hiếu khách hàng... Những yếu tố này kìm hãm sự phát triển, thậm chí dẫn tới mai một của rất nhiều làng nghề. Mô hình hiệp hội làng nghề ở Vạn Điểm đã thu được rất nhiều thành công: “ Ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch Hiệp hội làng nghề cho biết: hiện nay các hội viên đang tạo việc làm cho khoảng 3000 lao động. Năm 2004, lợi nhuận của các hội viên đạt xấp xỉ 27 tỷ đồng. Trước đây khi chưa có hiệp hội, mỗi khi có mẫu mã mới nhiều gia đình còn giấu thì nay có mẫu mã mới, các hội viên giúp đỡ nhau để cùng làm, cùng cải tiến cho đẹp phù hợp với thị hiếu”. Đây thực sự là những minh chứng sinh động cho sự khác biệt từ khi có hiệp hội so với trước đó. Bài viết khẳng định: “ Không chỉ riêng xã Vạn Điểm, bây giờ mô hình Hiệp hội làng nghề đang được huyện Thường Tín xác định là mô hình hữu hiệu trong việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống ở các địa phương, từ đó quan tâm nhân rộng nhằm tạo nên sự phát triển bền vững của làng nghề.”
Qua các bài viết, chúng ta có thể nhận thấy sự phát triển vượt bậc của làng nghề nhờ rất nhiều vào sự hình thành của Hiệp hội làng nghề. Đây thực sự là mô hình tổ chức tiên tiến để tất cả các làng nghề trong tỉnh nhân rộng.
Cùng với việc hình thành Hiệp hội làng nghề thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề cũng là một yêu cầu cấp thiết. Nhiều sản phẩm làng nghề Hà Tây như lụa Vạn, tiện Nhị Khê, thêu Quất Động ...đã nổi tiếng khắp trong nam ngoài bắc. Nhưng thực tế, nhiều làng nghề chỉ dựa vào tiếng từ ngàn xưa để phát triển mà chưa coi trọng việc đăng ký thương hiệu, chưa thấy việc cần thiết phải thiết lập cái “danh” mang tính pháp lý, được pháp luật bảo vệ. Trong cơ chế thị trường, làm hàng giả, hàng nhái theo những sản phẩm nổi tiếng đang diễn ra tràn lan. Hậu quả là, không những doanh thu của làng nghề giảm do phải chia sẻ một lượng khách hàng nhất định mà danh tiếng cũng bị mai một theo. Chữ tín trong lòng khách hàng đối với chất lượng sản phẩm làng nghề đang bị mất đi đầy oan uổng. Mặc dù vậy, làng nghề không thể có biện pháp ngăn chặn hàng nhái vì chưa đăng ký thương hiệu sản phẩm, chưa xác định một chỗ đứng mang tính pháp lý. Đây cũng là trở ngại cho việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và quảng bá sản phẩm của làng nghề. “Đậm đà men rượu làng Bá Nội”( HT,27-3-05); “Hương vị tương Cự Đà ( HT, 3-4-05) là các bài viết đều có đề cập đến vấn đề này. Trong bài “ Đậm đà men rượu làng Bá Nội”, tác giả phản ánh thiệt thòi của làng nghề khi chưa đăng ký thương hiệu: “Điều trăn trở lớn nhất của Bá Nội bây giờ là đầu ra cho sản phẩm rượu còn hạn chế. Đến nay, rượu làng Bá Nội vẫn chủ yếu bán trên thị trường mà chưa có thương hiệu chính thức. Vì vậy việc sản xuất và kinh doanh ở Bá Nội chủ yếu là tự sản tự tiêu và mang tính sản xuất nhỏ chứ chưa có cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc doanh nghiệp sản xuấtlớn.”
“Hội chợ là quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương hiệu” ( HT, 24-4-05),
bài báo cũng nêu lên vai trò của thương hiệu và quảng bá thương hiệu trong cơ chế thị trường cạnh tranh: “ công tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại là rất quan trọng. Đối với doanh nghiệp làng nghề truyền thống thì đây là một bước đi mang tính quyết định trong việc phát triển thương hiệu làng nghề.” Đăng ký thương hiệu và tham gia các hội chợ là một cơ hội để quảng bá thương hiệu một cách nhanh nhất tới đối tác trong cũng như ngoài nước.
Như vậy, Báo Hà Tây đã góp phần khẳng định việc xây dựng thương hiệu sản phẩm để quảng bá, phát triển bền vững làng nghề là rất cần thiết. Đây là bước đi đầu tiên giúp làng nghề và doanh nghiệp làng nghề có cơ hội tham gia các hội chợ để giới thiệu trực tiếp với khách hàng về sản phẩm làng nghề, nhằm đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, xúc tiến thương mại. Đăng ký thương hiệu không chỉ xác định một danh tính mang tính pháp lý mà còn giữ vững niềm tin của khách hàng vào chất lượng sản phẩm, tạo cơ sở cho làng nghề mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
2.5.2.Hình thành điểm công nghiệp làng nghề.
Hình thành điểm công nghiệp làng nghề là chủ trương đúng đắn của Nhà nước và chính quyền tỉnh Hà Tây nhằm đẩy mạnh sự phát triển của CN-TTCN nói chung và làng nghề nói riêng.
Nhiều làng nghề phát triển mạnh, sản xuất những mặt hàng đòi hỏi có mặt bằng rộng trong khi diện tích hộ gia đình quá nhỏ hẹp. Điều này đã kìm hãm sự phát triển đồng thời gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Vậy biện pháp nào để giải quyết tình trạng này?. Các bài: Giải pháp phát triển CN, TTCN ở Hoài Đức (HT, 22-12-04); Làm thế nào để phát triển làng nghề truyền thống (HT, 7-1-05) và Giải pháp giữ vững tốc độ tăng trưởng CN-TTCN( HT, 31-3-05) đều xoay quanh việc vấn đề trên.
Trong bài “ Giải pháp phát triển CN-TTCN ở Hoài Đức”, tác giả phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng diễn ra ở các làng nghề: “ Không khí ngột ngạt, mùi hôi thối, bụi mù mịt, đường giao thông bị xuống cấp trầm trọng...” đồng thời chỉ rõ giải pháp “ phải đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi làng” bằng việc quy hoạch phát triển điểm công nghiệp làng nghề, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất lớn chuyển đổi mô hình, vay vốn, áp dụng công nghệ máy móc mới để xây dựng nhà xưởng. Đây là giải pháp tối ưu để phát triển mạnh sản xuất, thu hút đầu tư, có nguồn vốn lớn trang bị máy móc hiện đại và hệ thống xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tác giả bài “ Làm thế nào để phát triển làng nghề truyền thống?” cũng cùng chung một khẳng định: Bên cạnh giải quyết tốt nguồn vốn, tìm thị trường, đào
tạo nguồn nhân lực có tay nghề thì việc hình thành cụm, điểm công nghiệp cho làng nghề sẽ giải quyết tốt vấn đề bức xúc ô nhiễm môi trường và góp phần quan trọng thúc đẩy làng nghề phát triển với quy mô rộng lớn, quy củ và có tổ chức theo tác phong công nghiệp, hiện đại.
Hình thành và phát triển các cụm, điểm công nghiệp làng nghề là nhân tố mới trong sự phát triển công nghiệp nông thôn Việt Nam trong những năm lại đây. Phát triển cụm công nghiệp làng nghề là hợp với quy luật phát triển kinh tế khách quan, đó là do sự phát triển của phân công lao động xã hội, sản xuất công nghiệp tách khỏi sản xuất nông nghiệp, trở thành ngành độc lập. Tác dụng của nó thể hiện tác dụng trên các mặt chủ yếu: Tạo khâu đột phá trong phát triển TTCN ở nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hạn chế nạn ô nhiễm môi trường nhờ có hệ thống và biện pháp xử lý môi trường; tạo điều kiện tốt hơn để mở rộng quy mô và nâng cao trình độ sản xuất- kinh doanh nhờ có diện tích nhà xưởng và có điều kiện đổi mới công nghệ. Các nhà báo Hà Tây thông qua mỗi bài viết của mình đã góp phần tích cực giúp người dân và ngay cả lãnh đạo từng xã, làng hiểu thấu đáo hơn lợi ích của việc hình thành điểm công nghiệp làng nghề. Nhờ đó, chủ trương chính sách đúng đắn này của Đảng, Nhà nước và tỉnh Hà Tây có thể đi sâu vào đời sống người dân, tác động theo chiều hướng tích cực để phát triển mạnh và bền vững làng nghề.