Bài phản ánh.

Một phần của tài liệu Nội dung thông tin về làng nghề trên Báo Hà Tây. (Trang 63 - 69)

- ứng Hoà khen thưởng 10 tập thể và cá nhân trong sản xuất CNTTCN.( Báo Hà Tây, 16505).

3.1.2. Bài phản ánh.

Bài phản ánh là một trong những thể loại được sử dụng phổ biến, chiếm diện tích khá lớn khoảng 20-25% diện tích trên mặt báo. Cũng như các thể loại báo chí khác, bài phản ánh được sử dụng để cổ vũ cho những hiện tượng mới của đời sống xã hội, phổ biến những kinh nghiệm tiên tiến, chỉ ra những tồn tại đang cản trở sự vận động đi lên vì vậy giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, cổ động.

Thể loại tin tính trội là thông tin sự kiện, là cái mới vừa xảy ra và dung lượng thông tin rất ngắn thì bài phản ánh không chỉ dừng lại ở thông báo sự kiện mà còn trình bày sâu thực trạng và phân tích với dung lượng lớn hơn nhiều. Do đó, thể loại bài phản ánh này đặc biệt thích hợp để truyền tải những thông tin đa dạng phong phú về làng nghề. Bởi những vấn đề về làng nghề mang tính diễn tiến, đó là cả một quá trình hình thành và phát triển với rất nhiều những vấn đề mà với dung lượng quá ngắn như tin không thể đưa hết được. Đây cũng là lý do trong tổng số rất lớn các bài viết về làng nghề thì đa phần các bài đều sử dụng thể loại bài phản ánh, thể loại tin chiếm số lượng rất khiêm tốn.

Các bài phản ánh thuộc nhiều dạng : bài phản ánh phân tích, bài phản ánh thông tin, bài phản ánh nêu vấn đề. Việc phân chia bài phản ánh thành các dạng chỉ mang tính chất tương đối. Cả ba dạng đều có phân tích, đánh giá sự kiện nhưng chỉ khác nhau ở mức độ cao hay thấp. Các nhà báo Hà Tây đã khai thác thế mạnh của từng thể loại khi áp dụng để xử lý khối tư liệu mà mình có, đồng thời tích cực nêu lên những kiến nghị, đề xuất để giải quyết triệt để vấn đề một cách đầy trách nhiệm.

Viết về làng nghề, thể loại chủ lực được sử dụng nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin một cách toàn diện, cụ thể, chính xác về thực trạng vấn đề là thể loại bài phản ánh. Với số lượng hơn 150 bài phản ánh về làng nghề đã không chỉ biểu dương những những gương lao động sản xuất tiên tiến, những làng nghề tiên tiến mà còn tích cực giải thích, chỉ rõ những kinh nghiệm để phổ biến, nhân rộng; không chỉ nêu những khó khăn làng nghề đang gặp phải trong cơ chế thị trường cũng như những vấn đề của phát triển làng nghề đặt ra: vốn, đào tạo, môi trường... mà mạnh dạn đề xuất những giải pháp để phát triển nhanh, mạnh và bền vững làng nghề. Từ các bài phản ánh trên báo, ta thấy mỗi nhà báo Hà Tây đều tích cực trình bày, khám phá, phát hiện chỉ cho công chúng thấy những vấn đề cấp thiết trước mắt và phương pháp giải quyết. Như vậy, dù là biểu dương thành tích hay phê phán sự thất bại, bài báo nhất định và cần thiết phải chỉ rõ nguyên nhân của nó và vấn đề cần khắc phục.

Các bài: Sôi động làng nghề Thanh Thuỳ( HT, 25-8-04); Thế mạnh làng nghề Trường Yên( HT, 7-9-04); Sôi động làng nghề Đông Phương Yên( HT, 16- 10-04); Phát triển nghề thêu ở Thượng Lâm( HT, 22-2-05); Văn Khê rộn ràng nghề khâu bóng( HT, 21-4-05)...là những bài viết nêu bật thành quả phát triển kinh tế cao của các làng nghề thông qua sự biến đổi chung của bộ mặt nông thôn và qua những dẫn chứng sinh động, cụ thể, xác thực về nhiều hộ gia đình mở rộng sản xuất, trở thành những ông chủ, bà chủ giàu có. Nếu như chỉ dừng lại ở đây, dừng lại ở việc trình bày, cung cấp, đưa thông tin thì chưa tạo nên hiệu quả mạnh mẽ của một bài phản ánh hay, chất lượng. ý thức rõ điều này, các nhà báo Hà Tây luôn cố gắng phân tích sâu để chỉ rõ đâu là nguyên nhân, động lực đưa đến những thành quả phát triển kinh tế đó. Điều này thực sự có ý nghĩa và thiết thực với những người thợ làng nghề. Họ xem báo và thu được từ đó nhiều bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế bổ ích. Ta có thể lấy bài “Sôi động làng nghề Thanh Thuỳ” là một minh chứng. Trong bài, tác giả đã đưa ra những chỉ số phát triển và mức thu nhập cao của người dân trong xã có làng nghề. Nếu chỉ như vậy thôi, bài viết đơn thuần là thông báo sự kiện, nó sẽ trôi tuột đi ngay sau, thậm chí là cùng lúc độc giả đọc. Nhưng, sức nặng thông tin bài viết được nhân lên rất nhiều khi nhà báo từ những sự kiện đó khái quát và rút ra bài học thành công: Đó là sự nhanh nhậy của làng nghề trong cơ chế mới, tích cực tìm kiếm thị trường, áp dụng máy móc tăng năng suất và đa dạng hoá sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng.... Nỗ lực phân tích sự kiện, hiện tượng, bài báo đã trả lời được những câu hỏi: Vì sao làng nghề đạt được tốc độ phát triển kinh tế cao? Cách thức thực hiện như thế nào?. Điều này làm bài viết không hề nhàm chán mà thực sự cuốn hút người đọc, đặc biệt là những người dân làng nghề. Bởi qua đó, họ tìm ra được giải pháp, học hỏi thêm kinh nghiệm để phát triển làng nghề địa phương mình.

Dung lượng bài phản ánh dài hay ngắn tuỳ thuộc vào đề tài, vấn đề mà bài báo đặt ra. Có thể trên 1000 từ nhưng cũng có thể là 500-600 từ. Báo Hà Tây thường hay sử dụng bài với dung lượng vừa phải khoảng dưới 1000 từ. Khối

lượng dài hay ngắn không quan trọng mà là vừa đủ để chuyển tải hết những tư liệu cần thiết cho việc khai thác triệt để một đề tài nhất định.

Với hơn 150 bài phản ánh ( đăng tải liên tục trong thời gian bài khoá luận khảo sát), Báo Hà Tây đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về làng nghề ở Hà Tây, đem đến cho người đọc những thông tin bổ ích. Nội dung hay phải tìm được hình thức truyền tải phù hợp, các nhà báo Hà Tây đã thể hiện rõ sự tìm tòi đúng đắn và hiệu quả của mình qua hơn 150 bài viết khá chất lượng. Có thể nói, thể loại phản ánh trên Báo Hà Tây là thể loại chủ lực viết về làng nghề.

3.1.3. Phóng sự.

Phóng sự là một thể loại báo chí, phản ánh những sự kiện, sự việc, vấn đề đang diễn ra trong hiện thực khách quan, có liên quan đến hoạt động và số phận của một hoặc nhiều người bằng phương pháp miêu tả hay tự thuật, kết hợp nghị luận ở mức độ nhất định. Trong phóng sự, vai trò cái Tôi trần thuật- nhân chứng khách quan rất quan trọng. Tác giả vẫn có thể sử dụng bút pháp vừa là thông tin thời sự vừa thông tin thẩm mỹ để tạo ra giọng điệu đa thanh, giàu chất văn học. Đây là thể loại được rất nhiều các tờ báo sử dụng vì những đặc tính nổi trội trên.

Có thể khẳng định thể loại bài phản ánh là thể loại phù hợp để viết về làng nghề nhưng cứ sử dụng quá nhiều sẽ gây sự nhàm chán, kém cuốn hút, lôi cuốn cho độc giả. Thông tin đến với độc giả không thể chỉ qua số liệu khô khan, hiệu quả hơn rất nhiều khi nó được truyền tải với ngôn ngữ nhẹ nhàng, giàu chất văn học. Nhờ vậy, những thông tin, ý tưởng mà nhà báo muốn gửi sẽ đến với người đọc một cách nhanh chóng, dễ dàng, ấn tượng và đầy hấp dẫn. Thể loại phóng sự là thể loại có thể chuyển tải dung lượng lớn, vấn đề đặt ra trong bài có thể đi hết chiều sâu, tới tận cùng vấn đề. Đó là sự giải quyết trọn vẹn từ phản ánh thực tế, chỉ ra nguyên nhân rồi chỉ ra phương hướng khắc phục và đề xuất những hướng đi đúng. Đây là thể loại cũng rất phù hợp để viết về làng nghề vì hiện trạng làng nghề đang tồn tại bao vấn đề bức xúc, cần có sự phản ánh sâu sắc và giải quyết một cách thấu đáo. Hơn nữa, thể loại này có sự kết hợp giữa yếu tố chính luận và yếu tố nghệ thuật nên những phân tích, lý giải sâu sắc về thực trạng làng nghề được thể hiện qua ngôn ngữ giàu tính văn học. Nhờ vậy, bài viết

về làng nghề sẽ thực sự cuốn hút, thôi thúc độc giả không chỉ là người dân địa phương mà cả độc giả các nơi khác tìm đọc.

Báo Hà Tây đã chưa khai được thế mạnh của thể loại phóng sự. Số lượng bài phóng sự rất ít, rất hiếm thấy xuất hiện trên mặt báo, chủ yếu chỉ sử dụng trong những số báo cuối tuần. Cũng vì lẽ này mà tính hấp dẫn, lôi cuốn, sinh động của tờ báo với bạn đọc giảm đi khá nhiều. Đi sâu vào khảo sát ta thấy, không những số lượng các bài phóng sự về làng nghề ít mà chất lượng cũng còn nhiều hạn chế, không có những bài phóng sự hay tạo nên tiếng vang, có sức lay động lớn tới công chúng.

Bài “ Đâu rồi, gốm Phú Sơn?”( HT, 3-10-04) là một ví dụ tiêu biểu. Bài phóng sự với cách vào đề khá uyển chuyển bằng một câu ca dao: “ Muốn ăn cơm trắng cá trôi/ Thì về lò gốm chuốt nồi cùng em”. Một lối dẫn dắt vào đề nhẹ nhàng rất giàu chất văn học, không hề gò ép, khiên cưỡng. Tít bài là câu hỏi tạo nên sự tò mò, thắc mắc khiến người đọc phải đi sâu tìm hiểu nội dung bài viết. Thêm vào đó, việc sử dụng lối chơi chữ trong cách đặt tít phụ thể hiện sự tinh tế, sâu sắc và hàm chứa nhiều ý nghĩa : “ vua kẻ gốm”- còn tiếng không còn miếng; Người dương làm nghề âm; Trở trăn gốm, trở trăn nghề. Giọng văn mềm mại, có vận dụng nhiều thành ngữ, ca dao, lối chơi chữ trong truyền thống dân gian.

Đó là ưu điểm của bài viết nhưng ưu điểm này không thể che lấp được một nhược điểm rõ rệt, làm giảm chất lượng bài viết: thiếu cái tôi tác giả. Trong thể loại phóng sự, cái tôi tác giả có vai trò rất quan trọng và chiếm vai trò chủ đạo. Cái tôi- tác giả vừa là người dẫn chuyện, người trình bày, người lý giải, người kết nối các dữ kiện mà tác phẩm đề cập tới. Cả một bài viết dài dung lượng kín hết một trang báo nhưng người đọc không hề thấy cái tôi rất riêng của tác giả. Các đại từ nhân xưng “ tôi”, “ chúng tôi” cần phải thấy xuất hiện thật nhiều trong bài phóng sự thì tác giả lại không hề sử dụng. Có những tình huống phỏng vấn nhân vật, tác giả đưa những câu không có dẫn dắt để giấu cái tôi chủ thể liên kết nhân vật, sự kiện của mình đi: “ Mình có định chuyển nghề khác?”, hay cuối bài vẫn là tình trạng tương tự: “ Từ xứ Đoài trở về, canh cánh bên lòng là câu

hỏi: Đâu rồi, ơi gốm Phú Sơn?”. Rõ ràng người canh cánh đầu tiên và trước nhất ở đây là tác giả vì tác giả là người trực tiếp về làng gốm. Nếu như tác giả thay bằng: “canh cánh bên lòng tôi là câu hỏi: Đâu rồi gốm Phú Sơn?” thì hiệu quả tác động tới bạn đọc sẽ tăng lên rất nhiều.

Tác giả là người kể lại những sự kiện, sự việc đã được chứng kiến tại lò gốm nhưng chính vì cái tôi giấu quá kỹ nên người đọc có cảm giác đó chỉ là những lời kể, lời tường thuật rất chung chung. Tác giả không hề trực tiếp có mặt tại đó để có thể kể lại những gì trực tiếp mắt thấy, tai nghe. Chỉ đưa thông tin, sự kiện và bài viết được lấp đầy bằng ngôn ngữ nhân vật: Chị Lân xã viên hợp tác xã, ông Thuỷ chủ nhiệm hợp tác xã. Rõ ràng, việc thiếu đi ngôn ngữ tác giả, cái tôi chủ thể, khiến bài viết trở nên khô khan trong cảm xúc, lỏng lẻo trong sự liên kết. Trong mỗi sự kiện, hiện tượng tác giả không đứng ra thể hiện quan điểm, thái độ, cảm xúc của mình do đó bài viết không có được sức mạnh của cảm xúc thẩm mỹ. “ Đâu rồi, Gốm Phú Sơn?” là sự tiếc nuối về một làng gốm đã từng vang bóng một thời nhưng nay đang trong tình trạng tiêu điều, mai một. Tác giả chưa tìm kiếm được sự đồng tình, nuối tiếc chung của độc giả và vì thế không thể khơi dậy ý thức cùng gìn giữ nét đẹp văn hoá làng nghề. Phải từ xúc cảm chân thành của một người tới sự hoà điệu chung của mọi người. Do thiếu điều rất quan trọng này trong một bài phóng sự nên bài báo trên đã không chinh phục được trái tim công chúng.

Trong phóng sự, cái tôi thẩm định, cái tôi trần thuật có ưu thế bộc lộ. Vì vậy, tạo điều kiện rất thuận lợi cho phép người viết đi sâu phân tích, lý giải vấn đề và giải pháp phát triển làng nghề được trình bày thấu đáo hơn. Đây là thể loại đòi hỏi năng lực cao của người cầm bút, phải có sự kết hợp giữa những kỹ năng, nghiệp vụ nghề báo với năng lực ngôn ngữ phong phú, dồi dào; phải có kiến thức sâu rộng và giác quan nhạy bén để nắm bắt, khám phá hiện thực. Các nhà báo Hà Tây nếu tích cực hơn trong việc sử dụng thể loại phóng sự - thể loại khó nhưng rất hay - thì các thông điệp về vấn đề làng nghề sẽ tác động trực tiếp hơn và đi sâu vào lòng độc giả một cách đầy thuyết phục, lôi cuốn. Như vậy, hiệu quả truyền thông đã được nhân lên rất nhiều đồng thời cũng khẳng định rõ bản

lĩnh nghề nghiệp, phong cách riêng biệt không thể trộn lẫn của mỗi người cầm bút.

Hy vọng trong những năm tới, loạt bài viết về làng nghề sử dụng thể loại phóng sự sẽ tăng lên cả về số lượng và chất lượng để công tác tuyên truyền về việc gìn giữ phát triển làng nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới được thực hiện tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn trên Báo Hà Tây.

Một phần của tài liệu Nội dung thông tin về làng nghề trên Báo Hà Tây. (Trang 63 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(85 trang)
w