- Chọn các loài cây họ đậu cố định đạm để trồng trên hàng ranh đồng mức Tiêu chí để chọn lựa cây họ đậu là dễ sống, sinh trưởng nhanh, trồng được bằng hạt, nẩy chồi tốt sau kh
QUẢN LÝ ĐẤT RỪNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG
5.1. Khái niệm về quản lý đất rừng dựa vào cộng đồng
Quản lý đất rừng dựa vào cộng đồng là sự hội tụ đầy đủ các phương diện xã hội, kỹ thuật và kiến thức bản địa. Đây là một hệ thống sinh thái nhân văn nằm trong mối tương tác giữa hệ xã hội – cộng đồng và hệ tự nhiên – hệ sinh thái rừng. Vì vậy quản lý rừng cộng đồng phải được xem xét trên cơ sở lý thuyết về hệ thống, về cộng đồng, bản địa, sở hữu và quyền hưởng dụng tài nguyên (Đinh Ngọc Lan, 2002).
Một cộng đồng được định nghĩa như là: "Những người sống tại một chỗ, trong một tổng thể
nhóm người sinh sống tại cùng một nơi theo những luật lệ chung" (từ điển Webs Ter). Ý tứ về
tính chất tổng thể hoặc cùng nhau gắn bó là gốc ngữ nghĩa trong thuật ngữ cộng đồng. Trong khi từ "cộng đồng" ẩn dụ một nhóm người "tổng thể" sống tại một vị trí hoặc cùng với nhau theo một cách nào đó, thì từ "thôn xã" có nghĩa là giữa những nhóm khác nhau trong một cộng đồng (từ điển Oxford). Nói tới cộng đồng là nói tới toàn bộ thôn bản, thị trấn hoặc bất cứ một đơn vị xã hội nào khác thường có ranh giới trong không gian, còn thôn xã lại ẩn dụ những thành viên có hạn chế, những việc phân bổ lợi ích hoặc quyền lợi tới hưởng thụ cho các bộ phận của cộng đồng tách rời nhau về mặt xã hội.
Lý luận về quyền sở hữu chung cung cấp nền tảng lý thuyết cho các hệ thống quản lý tài nguyên dựa trên cơ sở cộng đồng. Theo Bromley (1992), quyền sở hữu công cộng là tài nguyên hay tài sản được xây đắp bởi cộng đồng và được cộng đồng thừa nhận, người này sử dụng phụ thuộc vào người kia. Người sử dụng ở đây là người trong cộng đồng và các luật tục sử dụng do mọi thành viên của cộng đồng xây dựng nên. Quyền sở hữu cộng đồng có thể được pháp luật thừa nhận hoặc chỉ là một thứ “lệ làng”. Quyền sở hữu cộng đồng sẽ có hiệu lực hơn khi chúng được Nhà nước công nhận và bảo vệ.
Mặc dầu có khá nhiều hệ quản lý rừng công cộng được phát triển và duy trì trong quá khứ tại nhiều nơi ở Nam và Đông Nam Á, nhưng trong mấy thập niên vừa qua nhiều hệ đó đã bị các chính sách quản lý khác làm thay đổi hoặc mất đi. Một trong những nhân tố quan trọng nhất dẫn tới sự suy thoái của việc quản lý rừng công hình như là do sự tham gia và quy chế hóa việc kiểm tra của Nhà nước trong quản lý rừng. Nhiều nhà quan sát đã thấy rằng sự quan tâm của địa phương tới quản lý rừng cộng đã bị giảm sút do hậu quả của việc quốc hữu hóa đất rừng và việc phát triển các cơ quan lâm nghiệp quốc gia (Arnold và Campbell, 1986).
Trong thực tế, sự cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng thường có nguồn gốc từ sự phá hủy các thể chế địa phương vốn là những thể chế đã tạo ra các phương thức sử dụng tài nguyên lâu bền. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, việc phát triển các thể chế cộng đồng trong quản lý tài nguyên địa phương là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đồng thời cải thiện điều kiện sống của người dân nông thôn. Qua việc sử dụng rừng và đất rừng, hàng triệu người dân định cư đã phải điều chỉnh nhu cầu về tài nguyên rừng, nhưng những cộng đồng này thường ít có kinh nghiệm quản lý rừng và đất rừng.
Chính vì vậy, nghiên cứu để tìm ra phương thức quản lý tài nguyên rừng hợp lý, vừa phát huy được những kinh nghiệm quản lý truyền thống của cộng đồng, vừa kết hợp được những kiến thức quản lý rừng hiện đại là vấn đề cấp thiết cần được giải quyết trong giai đoạn hiện nay.