2. Phân theo đối tượng
3.3.1. Về quản trị điều hành
Bộ máy tổ chức của Vietinbank Phú Thọ được thể hiện qua Sơ đồ 3.1 sau:
Sơ đồ 3.1. Bộ máy tổ chức của Ngân hàng Vietinbank Phú Thọ
(Nguồn: Phòng TCHC - Vietinbank Phú Thọ)
Chức năng nhiệm vụ của các phòng ban của Vietinbank – Chi nhánh Phú Thọ
Hiện nay, Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Phú Thọ có các phòng ban như sau:
Phòng khách hàng doanh nghiệp: là phòng nghiệp vụ trực tiếp giao dịch với khách hàng là các doanh nghiệp, để khai thác vốn bằng VNĐ và ngoại tệ; thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến tín dụng, quản lý các sản phẩm tín dụng phù hợp với chế độ, thể lệ hiện hành và hướng dẫn của Ngân hàng Công thương Việt Nam; trực tiếp quảng cáo, giới thiệu và bán sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp.
Phòng bán lẻ: là phòng nghiệp vụ trực tiếp giao dịch với khách hàng là cá nhân, để khai thác vốn bằng VNĐ và ngoại tệ; thực hiện các nghiệp vụ liên
quan đến tín dụng phù hợp với chế độ, thể lệ hiện hành và hướng dẫn của Ngân hàng Công thương Việt Nam; trực tiếp quảng cáo, giới thiệu và bán sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho cá nhân.
Các phòng ban gồm:
+ Phòng quản lý rủi ro: là phòng nghiệp vụ có nhiệm vụ tham mưu cho giám đốc chi nhánh về công tác quản lý rủi ro của chi nhánh; quản lý giám sát thực hiện danh mục cho vay, đầu tư, đảm bảo tuân thủ các giới hạn tín dụng cho từng khách hàng; thẩm định hoặc tái thẩm định khách hàng, dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng; thực hiện chức năng đánh giá, quản lý rủi ro trong toàn bộ các hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Công thương Việt Nam. Có trách nhiệm về quản lý, xử lý nợ xấu (nợ nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 theo quy định phân loại nợ) , nợ đã xử lý rủi ro, nợ được Chính phủ xử lý; là đầu mối khai thác và xử lý tài sản đảm bảo tiền vay theo quy định của Nhà nước nhằm thu hồi nợ xấu.
+ Phòng kế toán giao dịch: là phòng nghiệp vụ tham mưu cho Ban giám đốc thực hiện các nghiệp vụ và các công việc liên quan đến công tác quản lý tài chính, chi tiêu nội bộ tại chi nhánh, theo đúng quy định của Nhà nước và Ngân hàng Công thương Việt Nam. Và là phòng nghiệp vụ thực hiện các giao dịch trực tiếp với khách hàng (cung cấp các dịch vụ ngân hàng liên quan đến nghiệp vụ thanh toán, xử lý hạch toán các giao dịch), quản lý và chịu trách nhiệm đối với hệ thống giao dịch trên máy, quản lý quỹ tiền mặt đến từng giao dịch viên theo đúng quy định của Nhà nước và Ngân hàng Công thương Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho khách hàng về sử dụng các sản phẩm ngân hàng.
+ Phòng tiền tệ kho quỹ: là phòng nghiệp vụ quản lý an toàn kho quỹ, quản lý quỹ tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Công thương Việt Nam: ứng và thu tiền cho các quỹ tiết kiệm, các điểm giao dịch trong và ngoài quầy, thu chi cho các doanh nghiệp có thu, chi tiền mặt lớn.
+ Phòng tổ chức hành chính: là phòng nghiệp vụ thực hiện công tác tổ chức cán bộ và đào tạo tại chi nhánh theo đúng chủ trương chính sách của Nhà nước và quy định của Ngân hàng Công thương Việt Nam, thực hiện công tác quản trị và văn phòng phục vụ hoạt động kinh doanh tại chi nhánh, thực hiện công tác bảo vệ an ninh toàn chi nhánh.
+ Phòng tổng hợp: là phòng nghiệp vụ tham mưu cho giám đốc chi nhánh dự kiến kế hoạch kinh doanh, tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh, thực hiện báo cáo hoạt động hàng năm của chi nhánh. Và bao gồm bộ phận thông tin điện toán thực hiện công tác quản lý, duy trì hệ thống thông tin điện toán tại chi nhánh, bảo trì, bảo dưỡng máy tính đảm bảo thông suốt hoạt động của hệ thống mạng máy tính của chi nhánh.
Mô hình quản lý này có ưu điểm là thông suốt, nhất quán chính sách làm việc từ trên xuống, công bằng giữa các chi nhánh và rất tốt cho khách hàng như khi giao dịch online mọi nơi, vì tại đâu cũng giống nhau. Hơn nữa, số liệu cập nhật nhanh chóng, các chi nhánh có thể sử dụng tài nguyên lẫn nhau. Tuy nhiên, mô hình quản lý từ trên xuống dưới cũng đã tạo ra nhược điểm là bộ máy quản lý cồng kềnh làm mất tính linh hoạt, khả năng xoay chuyển khi có một chính sách mới, một sự thay đổi mới trong kinh doanh.
Công tác quản trị tại Vietinbank hầu hết được thực hiện theo kinh nghiệm, Phần lớn các nhà lãnh đạo được đề bạt có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng, sau đó được cử đi học các lớp quản lý, quản trị kinh doanh không có ai được đào tạo một cách bài bản về quản trị ngân hàng nên tính chuyên nghiệp trong quản trị chưa thực sự bài bản, khoa học. Công tác điều hành hoạt động hàng ngày thường theo sự vụ, chưa bám sát được mục tiêu dài hạn, những kinh nghiệm về quản trị ngân hàng theo nguyên tắc thị trường còn quá ít. Chính điều này cộng thêm yếu tố kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp mà trong thời gian qua có nhiều hợp đồng tín dụng có tính rủi ro cao vẫn được xét duyệt gây thiệt hại cho chi nhánh.
Việc triển khai các văn bản, chế độ, chính sách,… tại chi nhánh được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm túc và đồng bộ. Đặc biệt với ngành kinh doanh tiền tệ các chính sách lãi suất thực hiện linh hoạt nên việc triển khai, liên kết giữa các phòng ban khi có văn bản hướng dẫn về chính sách lãi suất mới luôn kịp thời nhất quán. Thường xuyên nắm bắt diễn biến và điều chỉnh lãi suất kịp thời, nhanh nhạy. Linh hoạt trong việc đưa ra mức phí, lãi suất trong phạm vi quyền hạn của chi nhánh nhằm tăng tính cạnh tranh đồng thời vẫn đảm bảo thu nhập, lợi nhuận của chi nhánh. Theo dõi sát sao hệ thống mua bán vốn nội bộ FTP; Tính toán, điều chỉnh lãi suất đầu ra, đầu vào kịp thời để có lợi nhất trong các giao dịch mua bán vốn, đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Việc triển khai ứng dụng các công nghệ quản trị ngân hàng hiện đại vào thực tế còn nhiều khó khăn vướng mắc. Hệ thống quản lý rủi ro còn nhiều bất cập. Chưa xác định và xây dựng được các chính sách cũng như quy trình quản lý rủi ro, các mô hình và công cụ đo lường rủi ro để đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo cũng như đảm bảo cho các hoạt động ngân hàng được thực hiện một cách có định hướng trong một khuôn khổ chấp nhận được. Trình độ quản lý kinh doanh thấp và quản lý rủi ro còn non yếu: cho vay chủ yếu dựa vào tài sản bảo đảm, năng lực thẩm định tín dụng yếu, hiện tượng tiêu cực trong cho vay còn phổ biến, rủi ro về đạo đức không phát hiện kịp thời, nguyên tắc kiểm tra, kiểm soát còn thiếu chặt chẽ.
Với công tác triển khai nhiệm vụ huy động vốn: Trước tiên chi nhánh xác định nhiệm vụ huy động vốn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt. Trong các năm qua, chi nhánh phải tăng cường phát triển công tác nguồn vốn, tích cực tăng huy động vốn từ nhiều nguồn, đặc biệt là huy động vốn từ dân cư và khai thác các nguồn vốn khác ngoài địa bàn tỉnh.
Thực hiện việc giao chỉ tiêu kế hoạch huy động vốn cho các phòng ban, cá nhân cụ thể hàng tháng, quý thường xuyên. Thường xuyên tổ chức kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành và tìm giải pháp khắc phục khó khăn, tăng trưởng nguồn vốn.