Hiện trạng hoạt động quản lý phát triển du lịch

Một phần của tài liệu Quy hoạch Du lịch Hải Dương (Trang 25 - 28)

6.1. Tổ chức bộ máy quản lý

Ở cấp tỉnh: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (trước tháng 4/2008 là sở Thương mại - Du lịch ) là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Văn hoá, Thể thao và Du lịch ở tỉnh. Bộ máy của sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch được tổ chức theo Quyết định số 45/2008/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2008 của UBND tỉnh, theo đó 01 phòng nghiệp vụ du lịch với 05 cán bộ sẽ trực tiếp tham mưu đối với QLNN về du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ở cấp huyện: chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch được lồng ghép với phòng Văn hoá - Thông tin song chưa được quy định rõ ràng cụ thể.

Như vậy có thể thấy là tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch chưa được đặt ngang tầm nhiệm vụ chính trị cả về quy mô, năng lực và quyền hạn. Phòng Nghiệp vụ Du lịch thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch với đội ngũ cán bộ công chức quá mỏng (5 biên chế ) nên chưa thể phát huy hết vai trò của quản lý nhà nước đối với du lịch. Ở cấp huyện, đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác quản lý du lịch còn thiếu và yếu nên công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ở cấp huyện gần như còn bỏ ngỏ.

6.2. Xây dựng và ban hành chính sách phát triển du lịch

Công tác quản lý nhà nước đối với du lịch ở Hải Dương được thực hiện trên cơ sở các chủ trương đường lối phát triển kinh tế chung của đất nước; Luật du lịch, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật và các văn bản pháp quy có liên quan đến hoạt động du lịch; các luật liên quan như Luật di sản, Luật đất đai, Luật đầu tư... ở Hải Dương gần như chưa có các quy định riêng về du lịch. Sau mỗi kỳ Đại hội, chủ trương của Đại hội Đảng bộ tỉnh được cụ thể hoá thành đề án phát triển du lịch như: Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2001 - 2005, Đề án giai đoạn 2006 - 2010.

Một số quy định như Quy định về quản lý, khai thác tài nguyên du lịch, Quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, Quy chế quản lý khu, tuyến, điểm du lịch

đang trong quá trình dự thảo.

6.3. Xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển du lịch

Cho đến nay một số quy hoạch phát triển du lịch đã được thực hiện và phê duyệt bao gồm : Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hải Dương đến năm 2020; 02 quy hoạch chi tiết được phê duyệt là Quy hoạch chi tiết khu du lịch An phụ - Kính Chủ (huyện Kinh Môn), Quy hoạch chi tiết khu du lịch Đảo Cò (huyện Thanh Miện) và Quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hoá Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương .

Nhìn chung, những nội dung và kết quả nghiên cứu quy hoạch đã góp phần vào việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, quản lý xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch.

Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện, quản lý quy hoạch du lịch còn chậm và yếu, những biện pháp đảm bảo triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể chưa đồng bộ. Sau 5 năm thực hiện, Quy hoạch 2004 cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế như đã đề cập ở trên; quy hoạch chi tiết chưa đi vào được cuộc sống. Do đó du lịch Hải Dương chưa tạo được điểm nhấn, chưa có những sản phẩm độc đáo. Mặt khác, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo quy hoạch thấp hơn thực trạng phát triển kéo theo các dự báo, định hướng đầu tư xây dựng sản phẩm thấp hơn yêu cầu.

Quy hoạch chi tiết một số khu du lịch trọng điểm như Côn Sơn - Kiếp Bạc, thành phố Hải Dương,v.v. còn chậm được nghiên cứu, xây dựng nên việc xây dựng các công trình, kể cả các công trình du lịch ở nhiều nơi còn tuỳ tiện, chắp vá hoặc trùng lặp do nhiều chủ sở hữu, chủ quản lý khác nhau. Nguyên nhân chính là do kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho xây dựng quy hoạch chi tiết các khu du lịch còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành liên quan và chính quyền địa phương trong xây dựng quy hoạch còn nhiều bất cập dẫn đến chậm tiến độ quy hoạch.

6.4. Quản lý hoạt động kinh doanh du lịch

Quản lý hoạt động kinh doanh du lịch là một trong những nội dung của QLNN về du lịch. Hiện nay, tỉnh Hải Dương có 157 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trong các lĩnh vực: lưu trú, lữ hành, vận chuyển khách du lịch, điểm dừng và dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao. Chủ thể QLNN trực tiếp đối với các đơn vị này là sở

Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó, kinh doanh du lịch còn là đối tượng quản lý của nhiều ngành chức năng như Sở Giao thông vận tải quản lý phương tiện vận chuyển khách du lịch, Công an tỉnh quản lý về an ninh trật tự, đăng ký tạm trú; Sở Tài chính quản lý thuế, phí và lệ phí, Sở Tài nguyên Môi trường quản lý về đất đai, tài nguyên, v.v.

Những năm qua, Cơ quan QLNN về du lịch đã luôn chú trọng công tác quản lý kinh doanh du lịch. Từ việc tổ chức các hội nghị tập huấn pháp luật, chế độ chính sách mới của nhà nước liên quan tới hoạt động du lịch, đến hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ và thanh tra, kiểm tra, phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch và điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch, trung tâm mua sắm... tính đến nay, toàn tỉnh đã phân loại, xếp hạng được 102/132 cơ sở lưu trú đủ điều kiện kinh doanh du lịch, 16 doanh nghiệp lữ hành, 21 doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch và 18 trung tâm mua sắm. Việc thường xuyên tuyên truyền chính sách pháp luật, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kết hợp với thanh tra, kiểm tra đã có tác động tích cực, thúc đẩy các cơ sở kinh doanh chú ý tới công tác nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách được lựa chọn dịch vụ theo yêu cầu về chất lượng.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh du lịch cũng còn nhiều bất cập. Các đơn vị kinh doanh du lịch thường chịu sự quản lý của nhiều ngành khác nhau, nếu thiếu sự phối hợp ở một khâu nào đó cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện tượng phổ biến ở Hải Dương là thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong khâu thẩm định dự án đầu tư, do đó, có những dự án đầu tư được cấp phép không theo quy hoạch của ngành du lịch đầu tư dở dang phải tạm dừng (dự án khu du lịch sinh thái Phú Khang), có dự án xây dựng khách sạn khi tiến hành thiết kế, đầu tư xây dựng không có ý kiến thẩm định của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên xây dựng không đúng tiêu chuẩn, gây lãng phí, ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ và hiệu quả kinh doanh... Việc thanh tra, kiểm tra theo chức năng riêng của từng ngành cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là đối với hoạt động kinh doanh khách sạn, có những khách sạn trong cùng một ngày phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra của các cấp, ngành khác nhau. Những sự việc này diễn ra nhiều lần sẽ gây tâm lý không an toàn cho du khách, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới phát triển bền vững.

Tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch là một hoạt động QLNN về du lịch quan trọng nhằm tăng cường thu hút đầu tư và thu hút khách du lịch. Trong thời gian qua, ngành du lịch Hải Dương đã chú trọng và có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch như tổ chức các buổi hội thảo, làm việc với các bộ, ngành trung ương, các tỉnh bạn, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tuyên truyền các chính sách của tỉnh khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Ngành du lịch cũng đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, liên hoan du lịch trong nước và quốc tế, qua đó tuyên truyền những tiềm năng, thế mạnh và cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh. Phát hành, xuất bản các ấn phẩm du lịch (đĩa VCD, tập gấp, bản tin, catalog) tuyên truyền quảng bá trong và ngoài nước, xây dựng chuyên mục du lịch phát sóng trên Đài phát thanh truyền hình Hải Dương về các chuyên đề du lịch văn hoá, lễ hội cổ truyền, du lịch sinh thái;thông tin quảng cáo: dựng biển quảng cáo tấm lớn để đưa hình ảnh du lịch Hải Dương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế do kinh phí đầu tư cho hoạt động này quá ít (mỗi năm khoảng 200 triệu đồng) nên ngành du lịch chưa xây dựng được chiến lược và kế hoạch thực thi cho công tác tiếp thị của toàn ngành. Do đó, việc nghiên cứu thị trường còn mang tính tự phát từ các doanh nghiệp. Các ấn phẩm quảng bá cho du lịch chung của tỉnh còn ít về số lượng, đơn điệu về nội dung và hình thức. Thêm vào đó, từ tháng 4 năm 2008, Du lịch hợp nhất với Văn hoá, Thể thao thành sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm thông tin xúc tiến Du lịch chưa được thành lập lại nên công tác xúc tiến quảng bá du lịch đang bị gián đoạn.

Nhận xét chung về công tác xúc tiến quảng bá du lịch là chưa có hiệu quả, quy mô còn nhỏ hẹp, nội dung và hình thức còn chưa phù hợp với các thị trường khách khác nhau; ngoài ra, việc quảng cáo thiếu trách nhiệm của một số doanh nghiệp tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh du lịch và phát triển du lịch bền vững.

Một phần của tài liệu Quy hoạch Du lịch Hải Dương (Trang 25 - 28)