CÁC KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Quy hoạch Du lịch Hải Dương (Trang 147 - 149)

Để thực hiện có hiệu quả "Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hải Dương đến năm 2020" đề xuất một số kiến nghị đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, các Ban, ngành Trung ương và Chính quyền địa phương như sau:

1. Đối với Chính phủ và các cơ quan Trung ương

1.1. Kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa các dự án phát triển du lịch trọng điểm của Hải Dương vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước trong đó coi thu hút vốn và kinh nghiệm đầu tư trong nước là ưu tiên hàng đầu.

1.2. Kiến nghị Bộ VH, TT&DL, Tổng cục Du lịch xác định vị trí quan trọng của Hải Dương trong chiến lược phát triển du lịch đồng bằng sông Hồng và cả nước, từ đó có kế hoạch hỗ trợ về vốn và các chính sách ưu tiên thuận lợi phát triển hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, chiến lược phát triển sản phẩm, cũng như hỗ trợ du lịch tỉnh Hải Dương về công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch và đào tạo nguồn nhân lực.

2. Đối với chính quyền địa phương

2.1. Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hải Dương đến năm 2020 làm cơ sở cho việc phát triển du lịch địa phương trong thời gian tới.

2.2. Củng cố Ban chỉ đạo: đây là nhiệm vụ quan trọng, then chốt đối với phát triển du lịch Hải Dương. Có thể thí điểm mở rộng thành phần Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh tới đại diện một số doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp có đầu tư du lịch, đại diện các tổ chức hiệp hội nhằm tăng cường khả năng trao đổi thông tin giữa chính quyền và doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

2.3. Có chính sách cụ thể về ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt tại các khu vực khó khăn, miễn thuế cho các dự án đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.

2.4. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cấp, các ngành, các huyện, thị, thành triển khai rà soát lại những quy hoạch chi tiết, các dự án khả thi phát triển du lịch đã được thực hiện trong thời gian qua đồng thời tiếp tục triển khai quy hoạch chi tiết những khu vực đã được xác định. Đặc biệt chú trọng đối với thực hiện quy hoạch chi phát triển du lịch Khu di tích lịch sử- văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc theo tinh thần Quyết định 920/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

2.5. Quản lí nghiêm túc việc thực hiện đầu tư và xây dựng theo quy hoạch cũng như tiến độ triển khai dự án, có các biện pháp kiên quyết với các dự án chậm triển khai, thu hồi quỹ đất và giao cho các nhà đầu tư có năng lực và tâm huyết.

2.6. Căn cứ vào quy hoạch chỉ đạo các cấp chính quyền phối hợp với các ngành chức năng bảo vệ tốt tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên là những nguồn lực vô giá để phát triển bền vững du lịch của địa phương.

2.7. Chú trọng vấn đề phát triển bền vững, đảm bảo các dự án mang lại hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế mà còn có ích lợi đối với bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, cải thiện đời sống người dân và bảo vệ môi trường.

2.8. Để tạo thế đột phá cho phát triển du lịch Hải Dương, kiến nghị tập trung hai dự án lớn về du lịch của tỉnh là khu du lịch lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc và phát triển khu du lịch làng quê gắn với làng nghề gốm Chu Đậu. Rà soát, điều chỉnh mục tiêu sử dụng đất ở rừng văn hóa - lịch sử - môi trường Côn Sơn để có quỹ đất hợp lý phát triển du lịch tương xứng vai trò khu du lịch trọng điểm của tỉnh và của quốc gia.

Du lịch Hải Dương xác định giai đoạn từ nay đến năm 2020 là tiền đề hết sức quan trọng, là giai đoạn bản lề cho phát triển đột phá du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản lịch sử văn hóa của tỉnh trong các năm tiếp theo, đồng thời đây là bước khởi đầu cho sự nghiệp phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng và tài nguyên với sự quản lý khai thác bảo vệ môi trường theo kế hoạch.

Một phần của tài liệu Quy hoạch Du lịch Hải Dương (Trang 147 - 149)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(148 trang)
w