Đảm bảo tính hấp đẫn của chủ đầu tư nước ngoài và đặc biệt đảm bảo độc lập chủ quyền của nước chủ nhà, quyền lợi Bên Việt Nam... Đó là những nguyên tắc cần thiết khi xây dựng hành lang pháp lý về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đối với hình thức đầu tư doanh nghiệp liên doanh, những nguyên tắc nêu trên cũng được thể hiện trong những quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động doanh nghiệp liên doanh.
Về cơ cấu tổ chức: Tất cả các doanh nghiệp liên doanh đều có hai cơ quan là:
* Hội đồng quản trị.
* Tổng giám đốc hoặc phó tổng giám đốc.
Hội đồng quản trị là cơ quan cao nhất trong doanh nghiệp liên doanh, là đại diện cho các chủ sở hữu doanh nghiệp liên doanh có thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp. Hội đồng quản trị gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác.
Việc quyết định số lượng thành viên của Hội đồng quản trị, số lượng thành viên của mỗi bên liên doanh, việc cử Chủ tịch Hội đồng quản trị, bổ nhiệm Tổng Giám Đốc, Phó Tổng giám đốc thứ nhất thực hiện theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài ''Các bên chỉ định người của mình tham gia Hội đồng quản trị theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp vào vốn pháp định của doanh nghiệp liên doanh ''.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản trị có thể kiêm nhiệm Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và các chức vụ khác của doanh nghiệp liên doanh. Nhiệm kỳ Hội đồng quản trị do các bên thoả thuận, nhưng không quá 5 năm.
Trong trường hợp thành lập doanh nghiệp liên doanh mới, bên doanh nghiệp liên doanh đang hoạt động có ít nhất 2 thành viên trong Hội đồng quản trị và trong đó có ít nhất 1 thành viên là công dân Việt Nam đại diện cho bên Việt Nam(Điều17 Nghị định 24/2000 NĐ - CP)
Việc phía Việt Nam cử người tham gia Hội đồng quản trị (cơ quan lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp liên doanh) là nhằm thể hiện vai trò của nhà kinh doanh nước chủ nhà trong việc tham gia quản lý doanh nghiệp; bên cạnh đó đại diện của bên Việt Nam tham gia Hội đồng quản trị cũng là người hỗ trợ cho nhà nước Việt Nam trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Vì vậy người được cử đại diện cho bên Việt Nam tham gia Hội đồng quản trị phải là người nắm vững hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp, các quyết định của Hội đồng
quản trị, thông qua đó nắm vững được mục tiêu hoạt động đã thoả thuận, những trách nhiệm ràng buộc các bên liên doanh với nhau để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình và đòi hỏi bên kia phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ. Phải có suy nghĩ độc lập, có kiến nghị với đối tác bên kia về những vấn đề có liên quan... Từ đó họ mới bảo vệ được lợi ích của Bên Việt Nam trong doanh nghiệp liên doanh, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp liên doanh, bảo vệ lợi ích của người lao động làm việc trong doanh nghiệp liên doanh và bảo vệ lợi ích của nhà nước Việt Nam.
Điều 12 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định: ''Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp liên doanh do các bên liên doanh thoả thuận cử ra. Chủ tịch hội đồng quản trị có trách nhiệm triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản trị''
* Về qui chế hoạt động của Hội đồng quản trị:
1. Những vấn đề quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp liên doanh gồm: Bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc thứ nhất; Sửa đổi, bổ sung Điều lệ doanh nghiệp do Hội đồng quản trị theo nguyên tắc nhất trí giữa các thành viên Hội đồng quản trị có mặt tại cuộc họp. Các bên liên doanh có thể thoả thuận trong điều lệ doanh nghiệp các vấn đề khác cần được quyết định theo nguyên tắc nhất trí.
2. Đối với những vấn đề không quy định tại Khoản 1 điều này, Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc biểu quyết quá bán số thành viên Hội đồng quản trị có mặt tại cuộc họp''.(Luật đầu tư nước ngoài Điều 14 luật sửa đổi, bổ sung năm 2000)
Hội đồng quản trị họp định kỳ mỗi năn ít nhất một lần Hội đồng quản trị có thể họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc của ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản trị hoặc của Tổng Giám đốc hoặc của Phó Tổng giám đốc thứ nhất. Các cuộc họp của Hội đồng quản trị do Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập và chủ trì. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể uỷ quyền
cho Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng quản trị.
Cuộc họp của Hội đồng quản trị phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng quản trị đại diện của các Bên liên doanh tham gia. Các thành viên của Hội đồng quản trị có thể uỷ quyền bằng văn bản cho người đại diện tham gia cuộc họp và được quyền thay mặt biểu quyết thay về vấn đề được uỷ quyền.
Hội đồng quản trị thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền theo hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.
Biên bản họp Hội đồng quản trị phải được Hội đồng quản trị thông qua ngay trước khi bế mạc mỗi phiên họp và phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Thời gian và địa điểm họp.
- Tổng số thành viên dự họp, các thành viên của hội đồng quản trị được uỷ quyền của thành viên khác dự phiên họp.
- Chương trình, nội dung làm việc. - Tóm tắt ý kiến phát biểu tại cuộc họp.
- Các vấn đề biểu quyết, kết quả biểu quyết đối với từng vấn đề và các quyết định đã được thông qua.
- Biên bản họp của Hội đồng quản trị phải bao gồm đầy đủ họ tên và chữ ký của chủ toạ và thư ký cuộc họp.
Căn cứ biên bản cuộc họp, Hội đồng quản trị có thể ban hành các Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng quản trị về từng vấn đề cụ thể. Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng quản trị phải bao gồm đầy đủ họ tên, chức danh và chữ ký của tất cả các thành viên dự họp.
Các thành viên của Hội đồng quản trị có thể uỷ quyền cho người khác đến dự các phiên họp của Hội đồng quản trị và biểu quyết thay trong phạm vi được uỷ quyền. Giấy uỷ quyền phải có chữ ký đã được đăng ký của người uỷ quyền, nội dung uỷ quyền không vượt quá những quyền mà người uỷ quyền có.
Trong trường hợp những vấn đề phải thông qua theo nguyên tắc nhất trí (ngoài các vấn đề phải được thông qua theo nguyên tắc nhất trí quy định tại Luật
đầu tư nước ngoài) mà không đạt được sự nhất trí trong các thành viên của Hội đồng quản trị và do đó ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động của doanh nghiệp, thì Hội đồng quản trị có thể đề nghị cơ quan cấp Giấy phép đầu tư đứng ra làm trung gian hoà giải. Trường hợp việc hoà giải không thành có thể thoản thuận một trong các phương thức giải quyết sau:
- Toà án Việt Nam;
-Trọng tài Việt Nam hoặc trọng tài nước ngoài, trọng tài quốc tế; - Trọng tài do các bên thoả thuận thành lập.
* Về quyền hạn, trách nhiệm của tổng giám đốc, phó tổng giám đốc.
Như đã đề cập ở phần trên, cơ quan quản lý của doanh nghiệp liên doanh, ngoài Hội đồng quản trị, còn có Ban Giám đốc. Hội đồng quản trị là cơ quan lãnh đạo doanh nghiệp liên doanh, còn ban giám đốc là những người được uỷ thác quản lý điều hành doanh nghiệp .Trong sản xuất kinh doanh theo phương hướng, mục tiêu kế hoạch do Hội đồng quản trị đã đề ra. Như vậy, sự thành công của doanh nghiệp liên doanh cũng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò hoạt động của Ban Giám đốc.
Tổng Giám đốc và các Phó Tổng giám đốc doanh nghiệp liên doanh quản lý và điều hành công việc hành ngày của doanh nghiệp liên doanh. Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp, trừ điều lệ doanh nghiệp có quy định khác. Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc thứ nhất do bên liên doanh Việt Nam đề cử và là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam. Trong trường hợp doanh nghiệp liên doanh chỉ có một Phó Tổng giám đốc thì người đó là Phó Tổng giám đốc thứ nhất.
Hội đồng quản trị phân định quyền hạn và nhiệm vụ giữa Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc thứ nhất. Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về hoat động của doanh nghiệp liên doanh. Tổng giám đốc cần trao đổi với Phó tổng giám đốc thứ nhất về việc thực hiện nghị quyết của hội đồng quản trị. Về một số vấn đề quan trọng như: Bộ máy tổ chức, bổ nhiệm
miễn nhiệm nhân sự chủ chốt, quyết toán kế toán tài chính hàng năm, quyết toán công trình, ký kết các hợp đồng kinh tế.
Trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc thứ nhất trong điều hành hoạt động của doanh nghiệp thì ý kiến của Tổng Giám đốc là quyết định, nhưng Phó Tổng giám đốc thứ nhất có quyền bảo lưu ý kiến của mình để đưa ra Hội đồng quản trị xem xét, quyết định tại phiên họp gần nhất.
Trường hợp Tổng Giám đốc vắng mặt, Phó Tổng giám đốc thứ nhất được uỷ quyền thay mặt Tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc về công việc của mình ''.
(Điều 28 Thông Tư số 12/2000/TT-BKH ngày 15-9-2000)
Quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc là mối quan hệ giữa ngưới sở hữu tài sản với người được uỷ thác quản lý tài sản. Hội đồng quản trị chỉ quyết định các vấn đề có tính chất định hướng của doanh nghiệp còn Giám đốc được giao quyền điều hành công việc hành ngày dựa trên cơ sở các định hướng của hội đồng quản trị đã được thông qua.
Với tư cách là người đại diện của Bên Việt Nam tham gia vào liên doanh trong hoạt động quản lý, điều hành, Giám đốc hoặc Phó Giám đốc người Việt Nam phải là người am hiểu pháp luật, có trình độ quản lý, điều hành doanh nghiệp, có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh có suy nghĩ độc lập năng động sáng tạo.
Thông tư số 12/2000/TT-BKH (ngày 15/9/2000) có quy định về Ban Giám đốc trong doanh nghiệp liên doanh như sau:
Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chức Tổng Giám đốc doanh nghiệp thì phải phân biệt hai chức năng khác nhau khi điều hành doanh nghiệp, căn cứ vào tính chất, nội dung từng văn bản để quyết địng ký tên, đóng dấu với cương vị thích hợp.
Trường hợp Tổng Giám đốc, Phó tổng giám đốc thứ nhất của doanh nghiệp không phải là thành viên Hội đồng quản trị thì Tổng Giám đốc, Phó tổng
giám đốc thứ nhất được tham dự các phiên họp của Hội đồng quản trị, nhưng không được phép biểu quyết các vấn đề của Hội đồng quản trị.
Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc thứ nhất có trách nhiệm thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị. Trường hợp quyết định của Hội đồng quản trị không phù hợp với tình hình thực tế, tuỳ từng trường hợp cụ thể, nếu thấy cần thiết Tổng Giám đốc, Phó tổng giám đốc thứ nhất có thể đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập cuộc họp bất thường của Hội đồng quản trị để xem xét, giải quyết.
Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc thứ nhất có quyền từ chối chấp hành các quyết định của cá nhân các thành viên Hội đồng quản trị hoặc các quyết định trái pháp luật của Hội đồng quản trị.
Trên đây là cơ chế quản lý điều hành trong doanh nghiệp liên doanh. Cơ chế này ngày càng được hoàn thiện hơn trong thực tế sản xuất kinh doanh,nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Vai trò của người đại diện Việt Nam trong cơ quan điều hành doanh nghiệp liên doanh là rất quan trọng. Vì vậy, cần phải có sự lựa chọn đúng đắn khi đề cử vào các vị trí như Tổng giám đốc hay Phó tổng giám đốc thứ nhất của doanh nghiệp liên doanh.