Các loại tiết kiệm khác

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng cường hoạt động huy động vốn của Sở giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam (Trang 27 - 31)

Ngoài hai loại tiền gửi tiết kiệm chính là tiết kiệm không kỳ hạn và tiết kiệm định kỳ hầu hết các Ngân hàng thương mại đều có thiết kế những loại

tiền gửi tiết kiệm khác như tiết kiệm tiện ích, tiết kiệm có thưởng, tiết kiệm an khang với nét đặc trưng riêng nhằm làm cho sản phẩm của mình luôn được đổi mới theo nhu cầu của khách hàng và tạo ra rào cản dị biệt để chống lại sự bắt chước của các đối thủ cạnh tranh.

2.4.2. Huy động vốn qua phát hành giấy tờ có giá

Ngoài việc huy động vốn qua tài khoản tiền gửi thanh toán và tài khoản tiết kiệm, các tổ chức tín dụng nói chung và Ngân hàng thương mại nói riêng còn có thể huy động vốn bằng cách phát hành giấy tờ có giá.

Giấy tờ có giá là chứng nhận của tổ chức tín dụng phát hành để huy động vốn trong đó xác nhận nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều khoản cam kết khác giữa tổ chức tín dụng và người mua. Một giấy tờ có giá thường kèm theo các thuộc tính sau đây:

• Mệnh giá – Là số tiền gốc được in sẵn hoặc ghi trên giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi trên giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với giấy tờ có giá phát hàng theo hình thức ghi sổ.

• Thời hạn giấy tờ có giá – là khoảng thời gian từ ngày tổ chức tín dụng nhận nợ đến hết ngày cam kết thanh toán toàn bộ khoản nợ.

• Lãi suất được hưởng – là lãi suất được áp dụng để tính lãi cho người mua giấy tờ có giá được hưởng.

Giấy tờ có giá có thể phân thành nhiều loại khác nhau. Căn cứ vào quyền sở hữu có thể chia giấy tờ có giá thành giấy tờ có giá ghi danh và giấy tờ có giá vô danh. Giấy tờ có giá ghi danh là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu. Giấy tờ có giá vô danh là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ không ghi tên người sở hữu. Giấy tờ có giá vô danh thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ nó.

Căn cứ vào thời hạn, giấy tờ có giá có thể chia thành hai loại, tương ứng với thời hạn huy động vốn: giấy tờ có giá ngắn hạn và giấy tờ có giá dài hạn.

2.4.2.1. Huy động vốn ngắn hạn

Để huy động vốn ngắn hạn, các tổ chức tín dụng có thể phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn. Giấy tờ có giá ngắn hạn là giấy tờ có giá có thời hạn dưới 12 tháng, bao gồm kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn, tín phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác. Muốn phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn, tổ chức tín dụng phải lập hồ sơ đề nghị phát hành, bao gồm:

• Đề nghị phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn trong năm tài chính.

• Kế hoạch phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn trong đó nêu rõ mục đích phát hành, phương án sư dụng, tổng số giấy tờ có giá ngắn hạn đầu năm tài chính, tổng số mệnh giá phát hành giấy tờ có gía ngắn hạn trong năm tài chính, số đợt và thời điểm dự kiến phát hành, tên gọi giấy tờ có giá và đồng tiền phát hành.

• Các báo cáo tài chính của 2 năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm đề nghị phát hành.

• Kế hoạch kinh doanh trong năm tài chính.

• Điều lệ và giấy phép hoạt động (đối với tổ chức tín dụng phát hành lần đầu).

• Các thay đổi về bộ máy tổ chức và các thay đổi khác nếu có.

Sau khi được xem xét và phê duyệt đề nghị phát hành, tổ chức tín dụng sẽ ra thông báo phát hành. Nội dung thông báo phát hành gồm có:

• Tên tổ chức phát hành.

• Tên gọi giấy tờ có giá (tín phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi…).

• Tổng mệnh giá của đợt phát hành.

• Thời hạn của giấy tờ có giá.

• Hình thức phát hành.

• Ngày phát hành.

• Ngày đến hạn thanh toán.

• Phương thức hoàn trả và địa điểm trả tiền gốc của giấy tờ có giá.

2.4.2.2. Huy động vốn trung và dài hạn

Muốn huy động vốn trung và dài hạn (3 năm, 5 năm hay 10 năm) các Ngân hàng thương mại có thể phát hành kỳ phiếu, trái phiếu và cổ phiếu. Trái phiếu do Ngân hàng phát hành có thể được xem như là một loại trái phiếu công ty. So với trái phiếu chính phủ trái phiếu Ngân hàng rủi ro hơn nên chi phí huy động vốn cao hơn so với trái phiếu Kho bạc. Ở Việt Nam thời gian qua các Ngân hàng thương mại quốc doanh như Ngân hàng Đầu tư Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam đều có phát hành trái phiếu huy động vốn dài hạn trong khi các Ngân hàng thương mại cổ phần hầu như chưa có phát hành trái phiếu mà chủ yếu là phát hành cổ phiếu để tăng vốn.

2.4.3. Huy động vốn từ các tổ chức tín dụng khác

Nhìn vào bên nguồn vốn của bảng cân đối tài sản chúng ta có thể nhận thấy Ngân hàng thương mại có một bộ phận vốn huy động từ các tổ chức tín dụng khác. Các tổ chức tín dụng khác trong khi tham gia hệ thống thanh toán có thể mở tài khoản tại Ngân hàng thương mại. Qua tài khoản này Ngân hàng thương mại có thể huy động vốn giống như đối với các tổ chức kinh tế bình thường.

2.4.4. Huy động vốn từ Ngân hàng Nhà nước

Khi các Ngân hàng thương mại có nhu cầu cấp bách về vốn, Ngân hàng thương mại thường vay Ngân hàng Nhà nước. Hình thức cho vay chủ yếu của Ngân hàng Nhà nước là tái chiết khấu (hoặc tái cấp vốn). Thông thường, Ngân hàng Nhà nước chỉ chiết khấu cho những thương phiếu có chất lượng (thời gian đáo hạn ngắn, khả năng trả nợ cao) và phù hợp với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Trong điều kiện chưa có thương phiếu, Ngân hàng Nhà nước cho Ngân hàng thương mại vay dưới hình thức tái cấp vốn theo hạn mức tín dụng nhất định.

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng cường hoạt động huy động vốn của Sở giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam (Trang 27 - 31)