Thực trạng các yếu tố đầu vào của làng nghề 1 Vốn sản xuất

Một phần của tài liệu Phát triển bền vững các làng nghề huyện Thạch Thất - Thành phố Hà Nội (Trang 39 - 43)

II. Thực trạng phát triển các làng nghề huyện Thạch Thất

2. Thực trạng các yếu tố đầu vào của làng nghề 1 Vốn sản xuất

2.1 Vốn sản xuất

Vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề được huy động chủ yếu từ 3 nguồn chính:

- Vốn tự có: đây là nguồn vốn chủ yếu, chiếm khoảng 70 – 80 % tổng số vốn đầu tư của các làng nghề.

- Nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước. Nguồn vốn này đến với các làng nghề dưới nhiều hình thức như: hàng năm tỉnh hỗ trợ kinh phí cho xây dựng cơ bản, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng; ngoài ra các làng nghề còn được hỗ trợ về vốn thông qua các chương trình như chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, hỗ trợ khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề,… Tuy nhiên nguồn vốn này thì nhỏ và khó tiếp cận, đối tượng trực tiếp hưởng nguồn vốn này chủ yếu là những người còn khó khăn cần giải quyết việc làm nhưng đối với các làng nghề đã phát triển thì nguồn vốn này không đáng là bao.

- Nguồn vốn vay. Nguồn vốn này đang trở thành một nguồn vốn quan trọng với sự phát triển các làng nghề; vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn lưu động cho các hộ, các cơ sở sản xuất kinh doanh phục vụ cho việc mua sắm nguyên vật liệu, trả lương cho công nhân và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp tín dụng thương mại cho các làng nghề.

Hiện nay vấn đề nan giải nhất đối với các làng nghề là vốn vì vốn của các doanh nghiệp đang bị đọng lại ở hàng hoá và thua lỗ sau một thời gian làm ăn kém hiệu quả. Do biến động của giá nguyên vật liệu thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp chẳng hạn như sự biến động về giá phôi thép thời gian đầu tăng nhưng sau đó lại giảm làm cho các doanh nghiệp sản xuất thép bị thua lỗ nặng nề và khi giá

giảm họ cố ghim hàng lại để chờ giá tăng nên hoạt động sản xuất hết sức trì trệ. Trong khi đó so với các doanh nghiệp ở thành thị hay khu công nghiệp thì các doanh nghiệp làng nghề khó tiếp cận với vốn ngân hàng hơn nhiều vì chỉ có thể thế chấp bằng nhà đất, tài sản và trang thiết bị máy móc có giá trị thấp; còn lúng túng khi làm hồ sơ vay vốn vì phương án sản xuất kinh doanh của họ thiếu những phân tích, lý luận chặt chẽ để thuyết phục. Do không chủ động được kế hoạch trả nợ ngân hàng nên rất nhiều doanh nghiệp buộc phải vay các quỹ tín dụng đen với lãi suất cắt cổ để đáo nợ ngân hàng. Vì vậy các doanh nghiệp làng nghề đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

2.2 Lực lượng lao động làng nghề

Đối với các doanh nghiệp, nhân lực được coi là tài sản quý giá nhất, là nguồn vốn đặc biệt, yếu tố đảm bảo cho năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đối với các làng nghề thì vấn đề nhân lực lại càng đóng vai trò quan trọng vì phương thức sản xuất chủ yếu ở các làng nghề là thủ công, nhu cầu về lao động thường lớn nhưng hiệu quả làm việc không cao, hiệu quả chủ yếu phụ thuộc vào trình độ tay nghề, sự khéo léo của người lao động. Vì vậy số lượng và chất lượng lao động trong các làng nghề được đánh giá là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từ đó quyết định sự phát triển của làng nghề. Tình hình lực lượng lao động các làng nghề trên địa bàn huyện Thạch Thất như sau:

- Quy mô sử dụng lao động của các làng nghề huyện Thạch Thất lớn hay nhỏ thể hiện thông qua bảng số liệu sau:

Bảng 2.3: Lao động sử dụng trong các làng nghề huyện Thạch Thất

Tên làng nghề Tổng số doanh

nghiệp Tổng số hộ Lao động

Cơ kim khí Phùng Xá 101 1350 1935

Mộc, may Hữu Bằng 50 4100 4950

Mây giang đan Bình Xá 2 210 270

Mây giang đan Phú Hoà 5 235 290

Chè lam Thạch Xá 12 1600 570

Mộc xây dựng Canh Nậu 18 3500 2700

Mộc xây dựng Dị Nậu 11 1450 1100

Mộc Chàng Sơn 43 2100 1700

Như vậy, sản xuất lao động làng nghề cung cấp việc làm cho 13.845 lao động. Sự phát triển của các làng nghề ngày càng thu hút đông lao động nông thôn chẳng hạn như nghề mây tre đan ở xã Bình Phú thu hút 60% số hộ dân của 3 thôn Bình Xá, Thái Hoà, Phú Hoà; nghề mộc ở xã Chàng Sơn thu hút 70% dân số của xã,... Ở một số làng nghề phát triển mạnh như Phùng Xá, Hữu Bằng không chỉ sử dụng lao động địa phương mà còn thu hút lượng lớn lao động vùng khác tham gia lao động. Những doanh nghiệp sản xuất theo quy mô lớn vào lúc bận việc thường thuê thêm lao động có tính thời vụ và trả lương theo ngày. Tuy nhiên từ giữa năm 2008 đến nay, do kinh tế suy thoái sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhiều lao động bị mất việc làm, dẫn chứng cụ thể đó là một cơ sở sản xuất đồ mộc ở Chàng Sơn trước đây mỗi ngày phải thuê từ 10-15 thợ thì nay chỉ cần thuê từ 2-3 người. Như vậy, nguồn lao động thì dồi dào nhưng vấn đề giải quyết việc làm lại ngày càng khó khăn do quy mô sử dụng lao động giảm.

- Chất lượng lao động: chủ yếu là lao động thủ công nên trình độ của lao động không cao, quan trọng là sự khéo léo, sáng tạo của họ. Lao động chủ yếu không qua trường lớp đào tạo nghề mà được hướng dẫn, kèm cặp, vừa học vừa làm. Tuy nhiên hiện nay việc đào tạo nghề cho lao động trong huyện đã được đẩy mạnh: năm 2007 tổng số lao động qua đào tạo nghề là 3.870 người, trong đó đào tạo ngắn hạn là 3.444 người. Việc dạy nghề này cho phép người lao động có thể phát triển một số kỹ năng và sự sáng tạo. Điều này đặc biệt cần thiết để giúp các doanh nghiệp làng nghề có thể trụ vững và phát triển trong thời kỳ khó khăn này.

Một vấn đề nữa đó là trình độ quản lý của các chủ cơ sở sản xuất làng nghề rất thấp do hoạt động sản xuất ở làng nghề thường mang tính tự phát, nhỏ lẻ với hình thức hộ gia đình là chủ yếu nên thông thường người chủ gia đình đứng gia quản lý công việc: có tới 80% số chủ doanh nghiệp làng nghề xuất thân từ nông dân, trình độ văn hoá chỉ từ cấp 3 trở xuống, những người này thường không qua trường lớp đào tạo bài bản về quản lý vì vậy không thể quản lý một cách hiệu quả nhất. Điều này hạn chế sự phát triển của các làng nghề, vì vậy cần phải quan tâm hơn đến việc giải quyết vấn đề này.

2.3 Nguồn nguyên liệu

Nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất chè lam ở Thạch Xá có thể đáp ứng tại chỗ vì chủ yếu là sản phẩm của sản xuất nông nghiệp như gạo, lạc,… Đối với các làng nghề khác thì khả năng đáp ứng nguyên vật liệu tại chỗ là rất thấp, hầu hết phải nhập từ các vùng khác trong nước và ngoài nước, chẳng hạn với các làng sản xuất mây giang đan chủ yếu sử dụng mây giang được khai thác ở các tỉnh như Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ,…; còn gỗ phục vụ cho sản xuất đồ mộc chủ yếu được mua từ các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình,…Do vậy phải chịu thêm chi phí vận chuyển làm giá thành sản phẩm tăng lên và phụ thuộc nhiều vào thị trường cung ứng nguyên vật liệu.

Thời gian qua thị trường cung ứng nguyên liệu của hầu hết các hoạt động sản xuất thường xuyên biến động, trong đó biến động mạnh nhất là đối với nguyên liệu sản xuất thép. Sự không ổn định này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các làng nghề, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mua tích trữ khối lượng lớn nguyên vật liệu.

2.4 Trang thiết bị kỹ thuật của làng nghề

Đối với các nghề thủ công truyền thống như mây giang đan, sản xuất chè lam thì hầu như phải dựa chủ yếu vào sự khéo léo của bàn tay người thợ thủ công.

Đối với ngành cơ kim khí thì máy móc đảm nhận hầu hết các công việc. Hiện nay, để tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường các cở sở sản xuất phải không ngừng đầu tư vào các công nghệ hiện đại. Tuy nhiên để thực hiện điều này cần nguồn vốn lớn

nên chỉ các cơ sở lớn mới có đủ điều kiện, trong khi đó tại làng nghề Phùng Xá thì sản xuất theo hình thức hộ gia đình với quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, do vậy việc đầu tư cho công nghệ mới hiện đại vẫn ít, máy móc chủ yếu là cũ kỹ, lạc hậu nên đem lại hiệu quả không cao.

Đối với các làng nghề sản xuất đồ mộc dân dụng, trước đây chỉ sử dụng các công cụ đơn giản có thể tự chế, nhưng ngày nay do yêu cầu về năng suất lao động và mẫu mã sản phẩm cao nên bắt đầu có sự đầu tư mua sắm các loại máy móc hiện đại hơn, chủ yếu thay thế các công việc nặng nhọc như xẻ, bào, tiện, đánh bóng,…nhu cầu về vốn cũng không lớn lắm nên rất nhiều cơ sở sản xuất đã thực hiện được. Tuy nhiên nhiều công đoạn vẫn phải thực hiện một cách thủ công, do vậy chưa thể thay thế hoàn toàn bằng máy móc.

Hiện nay huyện đã quy hoạch các cơ sở sản xuất làng nghề vào các cụm, các điểm công nghiệp tập trung nên mặt bằng sản xuất nhìn chung là rộng rãi, nhà xưởng xây dựng khang trang hơn, từ đó quy mô hoạt động cũng lớn hơn.

Một phần của tài liệu Phát triển bền vững các làng nghề huyện Thạch Thất - Thành phố Hà Nội (Trang 39 - 43)