Vấn đề môi trường làng nghề

Một phần của tài liệu Phát triển bền vững các làng nghề huyện Thạch Thất - Thành phố Hà Nội (Trang 43 - 45)

II. Thực trạng phát triển các làng nghề huyện Thạch Thất

3.Vấn đề môi trường làng nghề

Những năm qua sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn huyện Thạch Thất đã mang lại hiệu quả khá cao trên nhiều phương diện. Song cùng với sự phát triển này là nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đó là sự ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn,… Tuỳ từng đặc điểm của từng làng nghề mà mức độ gây ô nhiễm môi trường là khác nhau.

- Làng nghề mộc: Yếu tố gây ô nhiễm môi trường chính tại các làng nghề này là tiếng ồn, bụi, hơi dung môi. Tiếng ồn phát sinh từ các máy xẻ gỗ, máy cưa, máy tiện, máy bào, máy phun sơn,…Tại các vị trí này, tiếng ồn đo được đều vượt quá 85 dBA, cá biệt tại khu vực làm việc bên cạnh các máy xẻ tiếng ồn vượt 95 dBA. Do đặc thù của làng nghề là nơi sản xuất và nhà ở liền kề nhau nên người công – nông dân và gia đình họ phải chịu đựng tiếng ồn lớn cả những lúc nghỉ ngơi, có nhiều gia đình mức tiếng ồn đo được trong phòng khách, phòng ngủ lên tới 78 dBA, vượt quá TCCP tiếng ồn trong

khu dân cư (tiêu chuẩn TCXD 175: 1990, mức tiếng ồn tương đương cho phép là: từ 22h – 6h: 40 dBA; 6h – 22h: 55 dBA). Do không gian chật hẹp, không có vùng đệm nên tiếng ồn mà các cơ sở sản xuất gây ra cho các khu vực xung quanh là khá cao, tại nhiều vị trí trước cửa nhà lên tới 80 -82 dBA.

Bụi tại các làng nghề mộc phát sinh trong quá trình vận chuyển và gia công sản phẩm. Tại làng mộc Chàng Sơn nồng độ bụi đo được là 4.7 – 8.3 mg/m3. Nồng độ dung môi hữu cơ cũng tương đối cao tại các bộ phận sơn hoàn thiện sản phẩm, do không gian sản xuất chật hẹp nên bộ phận sơn thường được bố trí ngoài trời là chính, khả năng phát tán dung môi hữu cơ ra môi trường xung quanh rất lớn. Nhìn chung, so với tiêu chuẩn vệ sinh lao động (3733/2002/ QĐ – BYT) các yếu tố ô nhiễm đều có giá trị thấp hơn, bằng hoặc cao hơn, nhưng đa số các cơ sở sản xuất đều ở ngay trong các khu vực nhà ở nên nếu so với TCVN 5937 – 1995 và TCVN 5938 – 1995 áp dụng với khu dân cư thì lại cao hơn rất nhiều lần.

- Làng nghề chế biến thực phẩm: Đây là làng nghề truyền thống với nguyên liệu chính là sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp như gạo, lạc,… Nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng tại làng nghề này là nước thải từ các công đoạn sản xuất, nguồn nước mặt tại các làng nghề này thường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

- Làng nghề mây giang đan: nguồn gây ô nhiễm chính là từ nước thải và dung môi hữu cơ trong quá trình xử lý nguyên vật liệu.

- Làng nghề kim cơ khí: Các yếu tố gây ô nhiễm môi trường là khí thải từ các lò nung, lò rèn, từ các bể mạ, bể tẩy rửa; chất thải rắn như xỉ than; tiếng ồn từ các công đoạn gia công cơ khí và nhiệt. Tiếng ồn phát sinh tại nơi làm việc cạnh các máy đột dập, máy cán thép tương đương trên 95 dBA. Nồng độ bụi và các loại hơi khí độc nhìn chung đều thấp hơn TCCP đối với khu vực làm việc (trừ hơi Cr+ tại các cơ sở có mật độ bể mạ cao và nhà xưởng tương đối kín), nhưng lại cao hơn rất nhiều lần nếu so sánh với TCCP đối với khu dân cư.

Nước thải của các cơ sở mạ ở các làng nghề hầu hết không được xử lý mà thải thẳng ra các mương thoát nước của làng gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường đất, nước. Tại làng nghề Phùng Xá, nồng độ Crom, Fe, Mn, xyanua trong nước thải cao hơn TCVN 5945 – 1995 từ 1.1 – 700 lần, nồng độ CN ở trong mẫu nước giếng khơi của làng và nhà dân vượt TCVN 5944 – 1995 từ 3 – 6 lần. Hàm lượng chất hữu cơ trong nước của Phùng Xá lớn hơn TCCP là 9.8 lần.

Hầu hết các chất thải tại làng nghề không qua xử lý mà thải trực tiếp vào môi trường xung quanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí. Không gian sản xuất chật hẹp, liền kề với nơi sinh hoạt hàng ngày, cộng với một lượng chất thải lớn không qua xử lý đã và đang là nguy cơ đe doạ sức khoẻ và môi trường sống.

Một phần của tài liệu Phát triển bền vững các làng nghề huyện Thạch Thất - Thành phố Hà Nội (Trang 43 - 45)