1.Vị trí địa lý
Thủ đô Hà Nội nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội tiếp giáp với 5 tỉnh: Thái Nguyên ở phía Bắc; Bắc Ninh, Hưng Yên ở phía Đông; Vĩnh Phúc ở phía Tây; Hà Tây ở phía Nam. Vị trí địa lý và địa thế tự nhiên đã khiến cho Hà Nội sớm có một vai trò đặc biệt trong sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Từ năm 1010, Hà Nội đã được Vua Lý Công Uẩn chọn làm thủ đô của cả nước.
Tính đến năm 2004, Hà Nội có 9 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên ) với 125 phường, có diện tích 84,3 km² (chiếm 9% diện tích toàn thành phố) và 5 huyện ngoại thành (Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Từ Liêm) với diện tích là 836,67 km² (chiếm 91% diện tích) với 99 xã và 5 thị trấn.
Nghị quyết 15/NQ - TW ngày 15/12/2000 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010” và Pháp lệnh Thủ đô đã xác định: “Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não về chính trị - hành chính, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”. Là trung tâm của vùng Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng đi các tỉnh và là thủ đô của cả nước, Hà Nội có khả năng to lớn để thu hút các nguồn lực của cả nước, của bên ngoài cho sự phát triển của mình. Đồng thời, sự phát triển của Hà Nội có vai trò to lớn thúc đẩy sự phát triển của cả vùng, cũng như cả nước; sự phát triển của thủ đô Hà Nội là niềm tự hào của người dân Hà Nội, đồng thời cũng là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc.
2. Dân cư
Cuối thập niên 1990, sự phát triển về kinh tế làm cho các khu vực ngoại ô Hà Nội nhanh chóng được đô thị hóa. Những cao ốc mọc lên ở khu vực nội thành và các trung tâm công nghiệp cũng được xây dựng ở những huyện ngoại thành. Sự phát triển cũng kéo theo những hệ lụy. Do không được quy hoạch tốt, giao thông thành phố thường xuyên ùn tắc khi số lượng xe máy tăng cao. Nhiều khu phố phải chịu tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn. Mật độ dân số quá cao khiến những dân cự nội ô phải sống trong tình trạng chật trội và thiếu tiện nghi. Vào năm 2003, 30% dân số Hà Nội sống dưới mức 3 m² một người.
Ngày 29/5/2008, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực từ 1/8 cùng năm. Theo nghị quyết, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được nhập về Hà Nội. Từ diện tích gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích 3.324,92 km² và dân số 6.232.940 người, nằm trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới.
3. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội:
Sáu tháng đầu năm 2008, thị trường có nhiều biến động bất thường: giá nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng nhanh, giá lương thực, thực phẩm có những diễn biến phức tạp... đã có nhiều ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mặc dù không bằng các năm trước, nhưng vẫn đạt ở mức cao.
Sáu tháng đầu năm 2008, Hà Nội ước tính tăng 10,9% GDP so cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng chững lại so với một số năm gần đây (năm 2007 tăng 11,2%, năm 2006 tăng 11,2%, năm 2005 tăng 10,8%, năm 2004 tăng 11,0%), trong đó: ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 0,5% (đóng góp 0,01% vào mức tăng chung); ngành công nghiệp - xây dựng tăng 12,3%
(đóng góp 5,25% vào mức tăng chung); các ngành dịch vụ tăng 10,1% so cùng kỳ (đóng góp 5,59% vào mức tăng chung), cao hơn tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm 2007 và 2006.
Trên địa bàn thành phố dự kiến 6 tháng đầu năm 2008 tăng 15,7% so
cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 6% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,3%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 11,2%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 18,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,1%. Phân theo ngành kinh tế: công nghiệp chế biến tỷ trọng chiếm 94,8% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, có mức tăng trưởng cao nhất 16%, công nghiệp khai thác tỷ trọng 0,68%, tăng 12,5%, công nghiệp điện nước tỷ trọng 4,52%, tăng 11,7%.
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương 6 tháng đầu năm là 2310,4 tỷ đồng, đạt 35,5% kế hoạch năm. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, Hà Nội thu hút được 160 dự án cấp mới và tăng vốn với tổng số vốn đăng ký là 1200 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước vốn đầu tư tăng 20%, có 145 dự án cấp mới với số vốn đầu tư đăng ký là 842 triệu USD.Tổng vốn đầu tư xã hội ước 6 tháng đầu năm trên địa bàn Hà Nội đạt 28.364 tỷ đồng tăng 11,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó vốn trong nước tăng 10,3%, vốn ngoài nước tăng 28,4%.
Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội 6 tháng tăng 28,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 32,3%. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn 6 tháng đạt 3039 triệu USD, tăng 24,2%.
Sáu tháng đầu năm 2008, Hà Nội đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 7,6% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 0,7 triệu lượt tăng 7,9%. Hà Nội hiện có khoảng 450 khách sạn với 14 ngàn phòng.
Giao thông vận tải 6 tháng đầu năm 2008, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 5,8% so với cùng kỳ, hàng hoá luân chuyển tăng 10,4%, khối
lượng hành khách vận chuyển tăng 15,5%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 11,5%. Vận tải bằng xe buýt khoảng 200 triệu lượt khách, tăng 10% so cùng kỳ và chiếm 80% hoạt động vận tải hành khách.
Mạng điện thoại số thuê bao điện thoại phát triển mới trong 6 tháng lên tới hơn 34,4 nghìn thuê bao (trong đó 68% là thuê bao di động). Dịch vụ Internet tăng mạnh với 56,3 nghìn thuê bao phát triển mới. Doanh thu ước tính tăng 13,6% so cùng kỳ năm trước.
Giá tiêu dùng tốc độ trượt giá trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố (giá tiêu dùng tháng 6/2008 so tháng 12/2007) tăng 16,89% (chỉ số này của năm 2007 là 4,91%). Chỉ số giá vàng tăng 16,51%. Chỉ số giá đôla Mỹ tăng 7,3%. Tốc độ tăng bình quân 1 tháng là 2,64% (năm 2007 là 0,8%). Giá bình quân 6 tháng đầu năm so cùng kỳ ước tính tăng 18,4% (năm 2007 là 7,6%).
Nông nghiệp tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của thành phố giảm 0,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích lúa giảm 5,53%. Năng suất lúa toàn thành phố tăng 3,31 tạ/ha (+ 7,74%), sản lượng lúa ước tính tăng 1572 tấn (+1,79%) so với vụ đông xuân năm trước. Toàn thành phố hiện có đàn lợn là 342,6 nghìn con, đàn bò là 55,9 nghìn con, đàn trâu là 7,2 nghìn con, tổng đàn gia cầm là 3163 nghìnn con. Tính đến nay, toàn thành phố có 3500 ha nuôi thả cá, tôm, trong đó, diện tích nuôi cá là 3403 ha, tăng 84 ha so năm trước.
Lao động sáu tháng đầu năm 2008, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 45200 người, đạt 50,22% kế hoạch năm; xét duyệt 260 dự án với số vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 30,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4.890 lao động. Thẩm định hồ sơ và gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề cho 15 cơ sở dạy nghề, 40 nghìn người được đào tạo
nghề, đạt 49,3%. Cấp 3.718 bằng nghề cho các trường dạy nghề trên địa bàn thành phố.
Dự kiến đến cuối tháng sáu năm 2008, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 367 790 tỷ đồng, tăng 2,12% so tháng trước và giảm 0,34% so cuối năm 2007, trong đó tiền gửi dân cư tăng 2% và tăng 4,5%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,2% và giảm 3,64%. Tổng dư nợ cho vay tháng sáu đạt 235162 tỷ đồng, tăng 1,32% so tháng trước và tăng 22,96% so cuối năm 2007, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,8% và 22,63%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,9% và 23,48%.