Chính sách tuyển dụng lao động nữ

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách lao động - việc làm đối với lao động nữ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam (Trang 25 - 26)

III. Các chính sách lao động việc làm đối với lao động nữ hiện nay

1.Chính sách tuyển dụng lao động nữ

Về việc tuyển dụng nói chung, Khoản 2 Điều 16 và Khoản 1 Điều 132 của Bộ Luật lao động đã quy định: Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức giới thiệu việc làm để tuyển lao động theo nhu cầu của mình. Người lao động có quyền trực tiếp liên hệ để tìm việc hoặc đăng ký tại các tổ chức giới thiệu việc làm để tìm việc làm.

Về thủ tục tuyển lao động được quy định tại Nghị định 39 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về việc làm: ít nhất bảy ngày trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động, người sử dụng lao động phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ trở về nhu cầu tuyển dụng lao động. Nội dung bao gồm : nghề, công việc, trình độ chuyên môn, số lượng cần tuyển, thời hạn hợp đồng lao động, mức lương, điều kiện làm việc và một số yêu cầu cần thiết khác nếu doanh nghiệp cần.

Riêng đối với lao động nữ, Chương X “Những quy định riêng đối với lao động nữ” của Bộ Luật lao động đã quy định:

Đối với chủ doanh nhiệp, phải ưu tiên tuyển dụng lao động nữ: “Người sử dụng lao động phải ưu tiên nhận phụ nữ vào làm việc khi người đó có đủ tiêu chuẩn tuyển chọn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ mà doanh nghiệp đang cần.” quy định tại Điều 111 Chương X Bộ luật lao động.

Đối với Nhà nước: “Nhà nước đảm bảo quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng về mọi mặt với nam giới, có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn ngày, không trọn tuần, giao việc tại nhà.

Nhà nước có chính sách và biện pháp từng bước mở mang việc làm, cái thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.”

Nhà nước và các tỉnh, thành phố trọng điểm xây dựng các Tổ chức giới thiệu việc làm gồm các Trung tâm giới thiệu việc làm và các Doanh nghiệp chuyên giới thiệu việc làm cung cấp cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng các kiến thức pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình, đặc biệt là những ưu đãi đối với lao động nữ, giới thiệu đến họ các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động và yêu cầu của họ để người lao động có được thông tin đầy đủ, lựa chọn những doanh nghiệp phù hợp với khả năng và trình độ tay nghề của mình.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách lao động - việc làm đối với lao động nữ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam (Trang 25 - 26)