III. Hoàn thiện công tác dự đoán cung nhân lực
2. Dự đoán cung nhân lực từ bên ngoài
2.2. Phân tích chất lượng nguồn nhân lực
Đến năm 2006, khoảng 26,85% lao động từ 15 tuổi trở lên tốt nghiệp trung học cơ sở và 23,46% tốt nghiệp trung học phổ thông. Lao động qua đào tạo nghề tăng, giai đoạn 2001 - 2006 dạy nghề cho 6,6 triệu người (tăng bình quân 6,5%/năm), trong đó dạy nghề dài hạn cho 1,14 triệu người (tăng bình quân 15%/năm); lực lượng lao động xã hội qua đào tạo năm 2006 đạt 31,5%, trong đó, có 20% qua đào tạo nghề (năm 2001 là 13,4%), đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế; góp phần tạo cơ hội việc làm cho người lao động, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chất lượng lao động của nước ta đã từng bước được cải thiện, thể hiện qua số lượng lao động đã qua đào tạo và đào tạo nghề. Trình độ học vấn phổ thông của lao động trong độ tuổi ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên xét một cách tổng thể, tỉ lệ lực lượng lao động lao động của Việt Nam chưa qua đào tạo còn rất lớn (chiếm gần 70%), tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp hơn, chỉ chiếm khoảng 20%. Một bộ phận đáng kể là lao động trẻ chưa được đào tạo về nghề hoặc nếu được đào tạo thì còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Có đến trên 78% thanh niên ở nhóm tuổi 20 - 24 chưa được chuẩn bị về nghề khi tham gia thị trường lao động. Năm 2005, tỷ lệ học sinh tham gia đào tạo nghề nghiệp các loại so với tổng số thanh niên thuộc nhóm tuổi này chỉ khoảng 20% - 25%, kể cả dạy nghề ngắn hạn, trong khi tỷ lệ này của các nước phát triển tới 80% - 90%.
Tính đến năm 2005, số người có trình độ đại học và cao đẳng trở lên là 2,4 triệu người, chiếm 5,5% tổng số lực lượng lao động, nhưng chất lượng còn thấp kém. Nguyên nhân là do quy mô đào tạo cấp bậc trình độ cao đẳng, đại học tăng quá nhanh (tăng bình quân 9,35%/năm thời kỳ 2001 - 2005) và không tương ứng với điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình, phương pháp giảng dạy,... nên không đạt yêu cầu về chất lượng.Lao động trình độ cao thiếu nhiều, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, quản lý doanh nghiệp, chuyên gia kỹ thuật.
Tóm lại tuy cơ cấu đào tạo có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm, tỷ lệ giữa những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học/trung học chuyên nghiệp/công nhân kỹ thuật là 1/1,16/0,95. Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến, sản xuất sẽ phát triển khi có một cơ cấu đội ngũ nhân lực hợp lý và có cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ
thuật tương ứng là 1/4/10. Với cơ cấu trình độ đào tạo như hiện nay, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và kinh doanh còn rất nhiều khó khăn.