Imex .
Để hiểu rõ hơn về tình hình Xuất khẩu lao động của Coma-Imex chúng ta sẽ phân tích một số thị trường Xuất khẩu lao động chủ yếu của Coma-Imex trong những năm gần đây:
2.2.3.1. Thị trường Đài Loan.
Đài Loan là một trong những thị trường truyền thống của Coma-Imex nói riêng và của nước ta nói chung. Năm 2007, cả nước ta đã đưa được 23.640 lao động sang Đài Loan làm việc. Tuy nhiên trong những năm gần đây thị trường này đang gặp khó khăn, do Đài Loan tạm dừng nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong các gia đình, lao động đưa sang chủ yếu là lao động công nghiệp,xây dựng và thuyền viên đánh cá. Tình hình đó cũng làm ảnh hưởng đến công tác Xuất khẩu lao động của Coma-Imex, số lượng lao động sang Đài Loan làm việc trong vài năm về trước giảm. Đứng trước tình hình đó, Coma-Imex đã tích cực trong công tác tuyển chọn lao động và giáo dục định hướng cho lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác.
Giải pháp đối với thị trường này là các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực Xuất khẩu lao động nói chung và Coma-Imex nói riêng cần phải
- Đẩy mạnh việc khai thác các hợp đồng cung ứng lao động công nghiệp, xây dựng có mức phí môi giới hợp lý, hợp tác giữa các doanh nghiệp để giảm phí môi giới.
- Tiếp tục khai thác hợp đồng cung ứng lao động làm việc trong các trung tâm dưỡng lão; thuyền viên tàu cá. Các doanh nghiệp cung ứng thuyền viên phải đàm phán để mức lương ngay từ năm đầu đối với lao động đi mới không được thấp hơn ‘‘mức sàn’’ mà Hiệp Hội đã thoả thuận được.
2.2.3.2. Thị trường Malayxia.
Malayxia là một nước có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài lớn. Hiện nay có khoảng 2 triệu người nước ngoài đang làm việc tại Malayxia. Hiện nay có hơn 120.000 người lao động Việt nam đang làm việc tại Malayxia chiếm khoảng hơn 10% tổng số lao động nhập khẩu của nước này. Thu nhập của người lao động khoảng 350-400 USD/người/tháng cho lao động có tay nghề, đối với lao động phổ thông mức lương chỉ khoảng từ 200-300 USD/người/tháng tuỳ theo loại công việc. Thị trường này phù hợp với việc xóa đói giảm nghèo do không đòi hỏi quá cao về chất lượng lao động và chi phí trước khi đi thấp. Thị trường Malayxia đang cần một lực lượng lớn lao động, nắm bắt được tình hình này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các Bộ ngành đã có những kế hoạch, chiến lược cho hiện tại và lâu dài đối với các doanh nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đẩy mạnh việc đưa lao động sang Malayxia làm việc. Năm 2007 Malayxia tiếp nhận 26.704 lao động Việt Nam, tuy nhiên con số này chỉ bằng 70% so với năm 2006. Nguyên nhân là do thu nhập tại thị trường này thấp hơn so với các thị trường khác nên không hấp dẫn được nhiều lao động, nhất là lao động có tay nghề.
Tình hình đó có ảnh hưởng lớn đến hoạt động Xuất khẩu lao động của Coma-Imex sang thị trường Malayxia. Coma-Imex đã phải rút mục tiêu Xuất khẩu lao động sang Malayxia xuống 1/3 so với năm 2007, từ 357 người xuống còn 115 lao động, mặc dù thế họ không dám chắc có đạt được con số đó. Để níu giữ thị trường này, Coma-Imex cần giảm chi phí xuống mức tối thiểu cho người lao động. Đồng thời phải thoả thuận được với Ngân hàng để người lao động có thể vay tiền nhưng không phải chịu lãi hàng tháng và cố gắng tìm kiếm những hợp đồng có thu nhập tối thiểu khoảng 4,5 triệu VNĐ/tháng, đặc biệt là tìm được những công việc có thể giúp người lao động làm thêm giờ.
Đối với thị trường này, Coma-Imex cần lựa chọn hợp đồng bảo đảm công việc ổn định và thu nhập khá. Đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền để những người lao động chưa đủ điều kiện tham gia vào thị trường cao hơn nhận thức rõ thực tế và có sự lựa chọn đúng đắn.
2.2.3.3. Thị trường Trung Đông.
Hiện nay cả nước có khoảng 40 doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung ứng lao động và chuyên gia sang thị trường Trung Đông, trong đó có Coma-Imex . Nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý xác định rằng đây là thị trường tiềm năng từ năm 2006, điều đó càng được khẳng định khi hiện nay chúng ta đã có quan hệ chính thức với tất cả các nước trong khu vực về hợp tác lao động và đã ký kết hiệp định về hợp tác lao động với Quatar đầu năm 2008. Trong khu vực này, Ả rập Xê-út là nước có nhu cầu lao động lớn nhất , mỗi năm cần khoảng 800- 900 nghìn lao động từ các quốc gia có nhu cầu về xuất khẩu lao động, thuộc nhiều ngành nghề. Hiện, Việt Nam đang có khoảng 1500 người làm việc tại đây. Tuy nhiên Trung Đông cũng chỉ là một thị trường bình dân, nhu cầu lớn, dễ đi nhưng lao động lại không “mặn mà”. Chính vì thế Coma- Imex đã thực hiện giảm chi phí đến mức thấp nhất cho người lao động trước
khi đi và kiến nghị với Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần cho Trung tâm để đầu tư, mở rộng thị trường này.
Năm 2008, Coma-Imex đặt mục tiêu tăng số lượng lao động đưa vào thị trường này lên 20% so với năm 2007 và đồng thời tăng chất lượng lao động, đào tạo nghề, ngoại ngữ và ý thức kỷ luật tốt để cung ứng cho thị trường này.
2.2.3.4. Thị trường Nhật Bản
Hiện nay, Nhật Bản đang được đánh giá là thị trường cao cấp đối với các doanh nghiệp Xuất khẩu lao động. Chúng ta sẽ tìm hiểu vài nét về Nhật bản:
Nhật Bản là cường quốc kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, với dân số là 128 triệu người. GDP năm 2003 của Nhật lên đến 4.300 tỷ USD, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 35.610 USD/ năm, (Hoa Kỳ là 10.000 tỷ USD, và 35.060USD). Hiện nay, Nhật Bản đang phải đối mặt với một vấn đề xã hội có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động trong nước đó là sự già hóa dân số do tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng trong khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Điều này dẫn đến số lượng người tham gia lao động của Nhật Bản cũng trong chiều hướng giảm xuống. Để đảm bảo cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của mình, hàng năm Nhật Bản cần một lượng lớn người tham gia lao động, nhưng điều này chính bản thân trong nước Nhật không thể đáp ứng được, do đó Chính phủ Nhật Bản đang tích cực tái cơ cấu lại nền kinh tế theo xu hướng tăng nhanh hàm lượng chất xám của những người tham gia lao động, giảm dần lao động giản đơn và cơ bắp. Thể hiện ở việc họ di chuyển những nhà máy, những xí nghiệp có sử dụng nhiều lao động sang các nước đang phát triển như Trung Quốc, Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan, Việt Nam... Và họ tiếp nhận những lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao.
Thực tế, chủ trương của Chính phủ Nhật Bản là không tiếp nhận người nước ngoài vào làm việc tại Nhật Bản, nhưng trong bối cảnh mới này, hàng năm Nhật Bản phải tiếp nhận khoảng 60.000 lao động nước ngoài vào làm việc tại Nhật Bản dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhật Bản và các nước khác tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động dưới hình thức tu nghiệp sinh giữa hai nước với nhau là để chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng chuyên môn nhằm đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực ở các nước đang phát triển, giúp các nước này đẩy nhanh sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Nhưng thực chất của vấn đề này là thu nhận lao động nước ngoài nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong nước, nhất là nhân lực giản đơn, chi phí thấp…
Tu nghiệp sinh Việt Nam bắt đầu qua tu nghiệp tại Nhật Bản từ năm 1992 theo “chương trình phái cử và tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài vào tu nghiệp tại Nhật Bản”. Tính đến nay sau 14 năm thực hiện chúng ta có 58 doanh nghiệp được phép phái cử và đã đưa được 22.593 tu nghiệp sinh sang tu nghiệp tại các xí nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản theo 7 ngành (nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, chế biến thực phẩm, dệt may, cơ khí và kim loại, các ngành nghề khác), được phân làm 62 nghề bao gồm 114 loại hình công việc.
Năm 2007 là năm đầu tiên Coma-Imex đưa được tu nghiệp sinh sang tu nghiệp tại Nhật Bản, tuy số lượng tu nghiệp sinh mà Coma-Imex đưa đi còn ít nhưng đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong hoạt động Xuất khẩu lao động của Coma-Imex. Bởi thị trường này là thị trường cao cấp đem lại thu nhập cao cho người lao động và doanh nghiệp thực hiện hoạt động Xuất khẩu lao động.
2.2.4. Phương hướng cho hoạt động Xuất khẩu lao động trong năm tới của Coma-Imex .
Tiếp tục mở rộng và hợp tác với các đối tác trong nước và Quốc tế, phục vụ cho hoạt động Xuất khẩu lao động.
Xây dựng chiến lược trong hoạt động Xuất khẩu lao động, nhằm thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của thị trường lao động Quốc tế.
Phấn đấu củng cố và duy trì những thị trường truyền thống, đồng thời phát triển thị trường mới, đặc biệt là phát triển và chiếm lĩnh các thị trường cao cấp như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...