6. Cấu trúc của luận án
2.3.2. Truy tìm nguyên nhân, đề xuất giải pháp
Phóng sự của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố tập trung phê phán xã hội. Xã hội và cách quản lý xã hội đã tạo ra những con người,
những sự việc làm tha hóa con người, băng hoại đạo đức, hủy hoại giống nòi. Sự thực Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX có những chuyển biến quan trọng trong xã hội, chính trị, kinh tế văn hóa ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ tới đời sống, quan niệm sống, lối sống, tâm lý, tư tưởng tình cảm của con người. Hai cuộc khai thác thuộc địa dã man của thực dân Pháp lần đầu trước Đại chiến thứ nhất (1914-1918), lần hai từ sau Đại chiến thứ nhất năm 1919 và kéo dài cho đến trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) đã bần cùng hóa dân ta, đẩy nước ta đến nghèo nàn lạc hậu.
Nhưng cũng từ đấy hình thành một tầng lớp tư sản bản xứ, một tầng lớp tiểu tư sản và thị dân có nhu cầu hưởng thụ và sống theo lối mới. Bên cạnh đó, tầng lớp quan lại Nam triều cùng bọn tay chân vẫn sống và đục khoét nông dân, nhưng lúc này tinh vi và xảo quyệt hơn. Cho nên tìm nguyên nhân của những tệ nạn, sự khốn cùng của người dân là tìm trên một cơ sở nền tảng của xã hội Việt Nam thực dân nửa phong kiến đã bước đến cùng của sự thối nát mọt ruỗng. Một xã hội mà Vũ Trọng Phụng đã nhận xét trên báo Tương lai số 9 ra ngày 25.3.1937: “Riêng tôi, xã hội này, tôi chỉ thấy là khốn nạn: quan tham lại nhũng, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một tụi văn sĩ đầu cơ, xảo quyệt, mà cái xa hoa chơi bời của bọn giàu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê, thợ thuyền thì bị lầm than, bị bóc lột. Lạc quan được, cho đời là vui, là không cần cải cách, cho cái xã hội chó đểu này là hay ho tốt đẹp, rồi ngồi mà đánh phấn bôi môi hình quả tim để đi đua ngựa, chợ phiên, khiêu vũ, theo ý tôi thế là giả dối, là tự mình lừa dối mình và di họa cho đời, nếu không là vô liêm sỉ một cách thành thực”
(Để đáp lời báo Ngày nay: Dâm hay không dâm?)
Đúng là xã hội lúc này đan xen, chồng chéo những sự kiện đau thương, những bi hài, kệch cỡm. Các phóng sự của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố không chỉ là để trả lời cho 6 câu hỏi: Who (ai), What (cái gì), Where (ở đâu), When (khi nào), How (như thế nào), Why (tại sao) mà
bộc lộ rõ khuynh hướng tư tưởng thẩm mỹ của mình: đả phá những bất công, thông cảm với những người nghèo khổ, tố cáo tội ác của bọn người có quyền, phanh phui cái xấu và thể hiện tấm lòng nhân ái với những nạn nhân của xã hội. Thế thì các sự việc, sự kiện trong phóng sự của ba nhà văn trên xẩy ra với ai?
Những người lao động nghèo ở thành phố: người phu xe kéo - ngựa -
người - mô tả nỗi khốn cùng của họ, nhưng tác giả Tôi kéo xe cũng minh định một thái độ, một định kiến và cũng là tấm lòng của mình: “Hạ một người anh em hèn yếu từ chỗ thằng người xuống đến chỗ con ngựa, đưa hai cái tay gỗ cho anh em rồi bảo: “tao ngồi lên cho mày kéo”, tức là mình bảo anh em “mày không phải là người”.
Bị người một giống khinh thị một cách bất công rồi, người phu xe có cần gì phải tự trọng?
Chúng ta cướp nhân phẩm của anh em mà chúng ta không biết. Anh em làm những việc không có nhân cách, chúng ta còn khinh trách gì anh em? [16, 94]. Nhà văn cho rằng trong giới phu xe cũng có nhiều người tốt mà báo chí đã có lần khen: Những tấm lòng vàng trong manh áo rách. Và ông khẳng định: “Tôi dám nói bạo một câu rằng: từ xưa đến nay, bao nhiêu những chuyện tầm bậy mà những cu ly xe kéo đã làm, một phần lớn là lỗi ở bọn trung lưu, thượng lưu trí thức mình. Ngồi lên lưng người ta mà: Ếp,
nhong nhong!, bảo người ta không đi bằng bốn chân sao được?
Người để người kéo người là loài người ôm chung một cái nhục.
Con ngựa kéo xe vì Trời sinh ra nó bốn cẳng. Thằng người không làm cái việc của con ngựa vì Trời cho thằng người có hai chân.
Bởi thế tôi nói: người để người kéo người là người tự ôm lấy một cái nhục chung” [16, 95].
Những người nông dân ở “những nơi thôn quê họ không làm gì cho có
chắc họ cũng không ngờ đến nông nỗi này. Họ chắc trong bụng họ là sẽ có việc làm vẻ vang…Có lẽ họ đã phơi nắng, phơi mưa xin từng đồng trinh, từng bát cơm, cùng đường rồi mới đến được Hà Nội” [16, 117]. Thế rồi giữa bát trận đồ đường phố ngày một, ngày hai họ phải ăn chực nằm chờ hoặc sân hàng cơm hoặc hè nhà hát làm món hàng ế ẩm “có khi không bằng giá súc vật”. Từ những vùng nông thôn, dồn về thành thị, thế giới cơm thầy cơm cô nhớp nháp, đói khát trở thành nô lệ cả về thân xác và tinh thần. Ở lại làng quê, người nông dân chết dần chết mòn, chết thảm hại, vô nghĩa bởi những hủ tục Việc làng ở chốn đình trung (Tập án cái đình). Chỉ vì vợ chửa khi đang giữ chức ông đám mà ông Phức bị làng ăn vạ, phải bán nhà, bán đất để trang trải những món tiền lợn, tiền rượu, tiền gạo mà làng đã ăn (Được một
trai, mất ba lợn). Có người mất cả cơ nghiệp vì một đám vào ngôi hay Hạt
gạo xôi mới. Ông Lũy vì một chức lý Cựu, phải bán ruộng, bán trâu và năm
hôm sau thì bà Cựu phải ra Hà Nội ở vú. Ông Phúc phải phá nhà ra bán vì
một Cỗ oản tuần sóc. Một người nông dân vay tiền làm ma vợ, phải trả lãi
hàng tháng thành Món nợ chung thân, “không lúc nào trả xong được món nợ ấy. Bây giờ đã vậy không biết rồi khi về già, không kéo nổi cái xe kia thì làm thế nào?” [25, 304]. Trên tờ Thời vụ ngày 5.4.1938 Ngô Tất Tố đã viết: “Trong chốn hương thôn gây năm bè bảy mối chỉ vì miếng ăn, chỗ ngồi, sinh ra đánh nhau, kiện nhau, kẻ bị giết, kẻ tự giết còn đầy rẫy ra đó. Thế mà bề ngoài ta vẫn trông thấy đình rộng, trống kêu, cờ điều, tàn tía, mũ áo xênh xang. Đó chỉ là cái lớp phủ ngoài lên trên sự thối tha, dơ dáy, thật cũng là thảm thương thay! (Cứ để cho nó chết). Nhưng đâu chỉ vì miếng ăn? Dĩ nhiên là có, đâu cũng xôi thịt, rượu chè, tác giả muốn lưu ý người đọc đi sâu hơn, qua việc ăn uống ở chốn đình trung mà thấy được bộ mặt gian ác của bọn cường hào cố tình duy trì những hủ tục quái gở, mọi rợ để trục lợi riêng. Bọn chúng là chánh tổng, lý trưởng, tiên chỉ, chánh hội, chưởng bạ, các ông quan về hưu…Bọn chúng là những người có thế lực nhất, có lý lẽ nhiều nhất
ở sau lũy tre, đồng thời lại nắm bộ máy chính quyền phong kiến thực dân ở cơ sở. Cụ Thượng làng Lão Việt đến giờ hấp hối vẫn xót xa “Nhiều lúc tôi vẫn tự phụ: tuy không thông minh, nhưng không đến nỗi ngu đần. Nhất là tôi không lười biếng…
- Thật vậy, từ thuở mười bảy tuổi đầu đến giờ, tôi không chơi không ngày nào, trừ ra những ngày đau ốm. Thôi thì cày sâu cuốc bẫm, buôn ngược bán xuôi, không quản ngại một việc gì cả. Có lúc đã lên mỏ Hích lăn lộn với đám phu mỏ…Những việc tôi làm, bất kỳ việc nào, tuy không phát đạt, nhưng không thất bại bao giờ, chẳng lãi nhiều thì lãi ít. Vậy mà suốt đời nghèo xác, nghèo xơ, ăn không đủ, mặc không đủ, cả nhà có một thằng con, đành phải để nó dốt nát. Ông bảo vì cớ gì? Ấy là lỗi gánh việc làng” [25, 215] “Tôi ước ao rằng: sau khi tôi đã nhắm mắt, ông sẽ đem những tội ác của nó mà phơi ra bóng mặt trời” [25, 216].
“Vì cớ gì? “Câu hỏi của cụ Thượng Lão Việt ở đầu phóng sự Việc làng đã được nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố nhìn thấy và miêu tả suốt trong 16 chương sách tiếp theo. Với một tấm lòng thương cảm sâu sắc: Bác Cả Mão vì muốn vào ngôi phải bán đi một mẫu hai ruộng. Bọn hương lý đặt ra luật lệ: dân ngụ cư phải ba đời mới được “thành tổ” nghĩa là được ngang hàng với người khác, mà muốn là dân chính cư thì phải khao làng, phải mất tiền cho chưởng lễ, chánh hội, lý trưởng, phó lý, phó hội cho đến cả tiền cho trương tuần…Ông Lũy, bà Lũy mất cả cơ nghiệp vì được cái chức lý Cựu, bà Cựu, nhưng một phần vì bọn hương lý viện đến quỷ thần, không cho ông bà hoãn việc khao làng đến khi gặt lúa tháng mười, đỡ phải vay mượn mất lãi. Bọn cường hào cấu kết với nhau, vừa dụ dỗ, vừa hăm dọa bà Tư Tỵ - một người đàn bà góa, không con cái, có ít vốn liếng dành dụm được phải xin đặt hậu để khi chết làng thắp cho nén hương, làm cho bà mất hết năm sào ruộng. Bác Hai Đắc chỉ vì quên biếu cụ chưởng lễ xâu lòng thờ, đã bị cụ
dọa nhất định đưa lên quan, để buộc bác phải theo những điều kiện: một là giết lợn mời làng tế thánh để lấy một xâu lòng thờ biếu hắn; hai là phải “đền” hắn 100 bạc. Bác Sửu, người nông dân hiền lành thật thà nhất làng bị bọn “trùm nhất” vu cho tội chửi “làng” và bị làng ăn vạ, đến nỗi uất quá bác phải tự tử…
Những phụ nữ, những cô gái “hàng phố hư thân mất nết”, có học hành nhưng đua đòi theo lối sống mới. Những cô gái vì nhiều hoàn cảnh khác nhau cùng dẫn đến con đường mại dâm: Các cô gái nghèo khổ kiếm sống, cô gái con quan vì gia đình sa sút, có cả bậc mệnh phụ phu nhân “mặt sắc miệng xinh, quần áo sang trọng như một bà hoàng” vì thua bạc cần tiền trả
nợ (Đêm sông Hương). Những cô gái Hà Nội “áo nhung quần tía, ô đầm, hoa
tai”. “Những đứa con nhà tử tế cũng đâm khốn kiếp vài giờ dăm ba đồng bạc để cũng được như các tiểu thư khoe khoang bộ cánh, mua phấn son, hương sáp, áo hàng mầu, giầy mang cá, bề ngoài như tiên giáng thế bề trong dơ dáy chẳng biết đâu là cùng. Những đứa ấy người ta đã lấy hai tiếng cảnh sộp mà gọi chung Cảnh sộp ở Hà Nội thì bây giờ có đến hàng rừng: hàng thịt, hàng rau, hàng trứng hàng tôm, cô ký, mợ tham, con thầy thông, em ông phán…Họ không khác gì đôi giầy mang cá họ lê ở ngoài đường, dưới cái mũ nhung giát kính lóng lánh như kim cương, nó còn có cái mặt lót bên trong nhớp những đất cát bồ hôi nhơ bẩn” [16, 69]. Những người phụ nữ đủ lứa tuổi từ nhiều môi trường sống khác nhau kéo nhau lên Thị Cầu, Bắc Ninh lấy Tây, xem như một nghề kiếm sống, kiếm tiền. Họ coi lính lê dương là cái “tủ bạc”, còn lính lê dương “lấy vợ” cũng chỉ vì mục đích thực dụng: “Nuôi đầy tớ họ sợ nó ăn cắp, thà lấy một người vợ để vừa được sai bảo, vừa được…việc khác nữa” trong thời hạn đăng lính ở Việt Nam. Cho nên vợ, đối với họ chỉ là “đồ chơi trong một hạn kha khá dài mà thôi” (Kỹ nghệ lấy Tây). Trong số phụ nữ đó có cả các cô “đã đi học, có chữ nghĩa hẳn hoi” “vô số
con gái nhà tử tế, có khi con gái khuê các nữa” mà không phải chỉ có phụ nữ Việt Nam, có cả gái Tàu, con gái nước “con trời” cũng làm đĩ khá đông ở những khách sạn lớn phố Hàng Buồm, Hàng Lọng, có cả những cô kỹ nữ Nhật Bản bé nhỏ mắt một mí [9; 100-101], có cả phụ nữ Tây phương, hoặc có chồng hoặc chưa chồng, hợp thành một phái truyền nhiễm bệnh hoa liễu…Thế là đủ cả thế giới phụ nữ. Thế là cái nghề mại dâm đã sớm được “quốc tế hóa”. Không chỉ dừng ở việc phản ánh, các cây bút phóng sự đã đi sâu lý giải nguyên nhân của căn bệnh này, nguyên nhân dẫn đến “quốc tế hóa” của cái nghề quái gở. Trước hết do nghèo khó khôn cùng. “Nghề làm đĩ ở đâu cũng chung một đường lối cả. Sự nghèo khó là khởi điểm của đường lối đó cũng như khởi điểm của trăm ngàn đường lối khác tối tăm ngập lụt những bùn nhơ” (Đêm sông Hương). Sự khốn cùng là nguyên nhân đẩy người phụ nữ vào con đường mại dâm. Họ cần sống, cần tiền để sống. Họ phần nhiều là gái quê, thất nghiệp “Những đàn bà đủ các thứ tuổi, quần áo lam lũ, rách rưới, rận chấy nhiều gớm chết. Trên mặt mũi và mình mẩy có những dấu hiệu của bệnh giang mai chứ chẳng không. Dễ thường họ tự đánh giá họ cho nên họ bán mình một cách rẻ đến nỗi không còn phải sợ gì sự cạnh tranh phá giá nào nữa. Tại phố Mã Mây người ta thuê một căn phòng nhỏ và một người đàn bà có hai hào. Tại phố Đường Thành, Cửa Đông trong những cái hố sâu xung quanh trại lính hay là ở những bãi cỏ hoang giáp với con đường xe lửa…thì cái giá tiền chỉ là năm xu hoặc nếu có sự cò kè bớt một thêm hai thì lại chỉ còn là ba xu” [9; 106-107]. Có cả hạng làm đĩ vì bần cùng trong chốc lát, đó là hạng phụ nữ hư hỏng đã có nghề hoặc một địa vị gì đó trong xã hội nhưng vì sa ngã. Những nữ sinh nghèo muốn có món đồ trang sức. Một số khác lo tiền nướng vào cờ bạc hay khao khát “sắm sửa một thứ hàng phù phiếm chi đó” [9; 104]. Một số phụ nữ có chồng “kết duyên với những ông viên chức ít lương nhưng mà lại cứ thích sống cảnh đời vương giả” [9; 123]. Và các cô đầm, các cô gái phương Tây, “những đầm đĩ thực thụ
thường được che chở bằng một công việc gì, một cửa hàng gì hoặc là bằng những tay làng chơi, hoặc những người đỡ đần thế lực, đến nỗi chỉ trông thấy mặt họ thôi, bọn cảnh sát con gái hay là cả cảnh binh giới, đều phải sợ hãi, rồi thì chịu nhắm mắt làm ngơ hơn là gây ra những việc lôi thôi to” [9; 123].
Các phóng sự cũng chỉ ra một nguyên nhân nữa: sản phẩm của cuộc Âu hóa “Một làn sóng Âu hóa vừa đây đã nhóm lên trong phái thiếu niên tràn vào đám dân chúng hủ lậu và như một làn sóng bạc đầu đã đánh đổ (dẫu là chỉ có bề mặt) mất cả bàn thờ ông vải và lôi cuốn đi mất luân lý và phong tục nghìn năm” [9; 114] “Tất cả các nhà chuyên trách đều kết án cái làn sóng văn minh vật chất nghĩa là cuộc Âu hóa của thanh niên nam nữ” [9; 124].
Bọn lừa đảo, bạc bịp với tổ sư Ấm B, “trùm đảng bạc bịp”, vốn “dòng
dõi gia thế” cùng với Cả Ủn và lũ tay chân, Ấm B tạo ra một “lưới nhện” của một “kỹ nghệ bạc bịp”. Những Tham Ngọc (Xuân), Ký Vũ, Ba Mỹ Ký, Mỹ Bối, Vân…quay cuồng dưới bàn tay quỉ thuật của lão trùm. Qua đấy chúng ta thấy được tình trạng và tốc độ lưu manh hóa của loại tiểu tư sản lớp dưới và dân nghèo thành thị Việt Nam vào những năm 30 của thế kỷ trước. Có người chơi bời lêu lổng (Vân). Có người nghèo đói phải lo chạy gạo từng bữa, lại còn lo tiền thuốc cho mẹ già đau yếu (Ký Vũ). Có người vốn là thợ mạ đồ vàng giả, làm ăn khá, rồi làm môn đồ Ấm B thành một “tay bạc bịp đã lũa” bị sa hố bị một “bài học” ác nghiệt nên đổ bệnh hiểm nghèo (Ba Mỹ Ký). Có người, vốn là đầy tớ, tinh ranh (Xuân) đến mức ông chủ cũng phục: cho nó quần áo, cấp cả một vốn lớn hai chục bạc rồi mở rộng hai cánh cửa giải phóng cho nó đi “chu du thiên hạ”. Độ ấy Xuân mới 15 tuổi. “Khi đội lốt học trò, khi đội lốt cậu Ngẩu nhà quê, đã lăn lộn trong đám vã, đám trếch