Cái tô i chủ thể sáng tạo

Một phần của tài liệu Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 (qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố (Trang 117 - 118)

6. Cấu trúc của luận án

3.1.Cái tô i chủ thể sáng tạo

Theo chúng tôi, phóng sự với tư cách là một thể loại phải hội tụ một số yếu tố: sự kiện cụ thể, sự kiện hiện tại đang diễn ra không thuộc về quá khứ hay tương lai, sự kiện phải gắn với con người, xã hội hiện tại. Và như vậy tính thời sự, tính chân thực và ý nghĩa xã hội sẽ làm nên giá trị của phóng sự. Điều này cho phép chúng tôi tạm thời không đưa vào diện khảo sát ở đây những tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết phóng sự như Lều chõng của Ngô Tất Tố, Giọt lệ sông Hương của Tam Lang, Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng. Lều chõng là tiểu thuyết về sự giáo dục và khoa cử thời phong kiến triều Nguyễn, làm sống lại không khí xã hội Việt Nam thời xưa trong những kỳ thi cử. Bằng một ngòi bút tài hoa, sắc sảo, Ngô Tất Tố đã dựng lại những cảnh những người, đặc biệt là khắc họa đậm nét tâm lý nhân vật chính. Đào Vân Hạc tiêu biểu cho tầng lớp nho sĩ, ít nhiều giữ được chút “thiên lương trong sáng”. Còn cái chế độ giáo dục và cách tổ chức thi cử lỗi thời, thối nát thì cũng đã qua rồi. Giọt lệ sông Hương (Minh Châu lệ sử) là quyển tiểu thuyết được xuất bản khá sớm (1930). Đây thực sự là một tiểu thuyết. Một câu chuyện tình bi thảm, văn chương còn nhiều câu nhịp nhàng,

biền ngẫu. Nhân vật chính xưng “em”, tức Minh Châu, tự viết về mình. Cũng như một số nhà văn hiện thực khác viết tiểu thuyết, như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tam Lang…Vũ Trọng Phụng xây dựng tiểu thuyết bằng những kết cấu chặt chẽ, chia phần, chia chương, chia đoạn, nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm. Và cái chính là trong những tác phẩm ấy đậm đặc chất phóng sự. Đúng như nhận xét của các tác giả Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (Tập III): “Có thể nói các cuốn tiểu thuyết hiện thực của ta đều thoát thai từ lối văn phóng sự. Có những nhà văn như Vũ Trọng Phụng chuyển từ phóng sự sang tiểu thuyết; nhiều cuốn tiểu thuyết của ông chỉ là những thiên phóng sự được tiểu thuyết hóa. Ngô Tất Tố, tác giả Tắt đèn đồng thời cũng là tác giả “thiên phóng sự được tiểu thuyết hóa: Việc làng. Và Nguyên Hồng tuy chưa viết phóng sự bao giờ, nhưng cuốn Bỉ vỏ, tác phẩm đầu tay của ông, cũng bao hàm rất nhiều tính chất phóng sự” [135; 322]. Vậy nên tách phóng sự và tiểu thuyết phóng sự sẽ có điều kiện làm rõ hơn đặc điểm phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang. Và cái “tôi” được chú ý ở đây là cái “tôi” chủ thể sáng tạo, cái “tôi” nhà văn, nhà báo, không phải cái “tôi” nhập vai, cái “tôi” nghệ thuật hóa.

Một phần của tài liệu Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 (qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố (Trang 117 - 118)