TÓM TẮT CHƯƠNG
2.1.2.2. Khái quát về tình hình giáo dục cao đẳng, đại học
Sau 25 năm đổi mới, vị thế và diện mạo đất nước có bước phát triển rõ rệt. Nền kinh tế chuyển từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; nước ta đang tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với quá trình này, giáo dục đại học, dạy nghề có sự phát triển vượt bậc về quy mô, đa dạng loại hình đào tạo, phương thức đào tạo, mở ra cơ hội học tập thường xuyên, suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập, xã hội nghề nghiệp. Đến năm 2009, khắp các tỉnh thành đều có ít nhất một trường Đại học (ĐH) hoặc Cao đẳng (CĐ), toàn quốc có 376 trường ĐH và hơn 130 trường CĐ (Bộ GD & ĐT, 2009).
- Đảng ta đã xác định mục tiêu chiến lược: “Đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Điều đó đòi hỏi ngày càng cao về nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ. Đây là điều kiện thuận lợi để các trường đại học phát triển qui mô và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.
- Lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu. Ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đang tiến hành mạnh mẽ đổi mới hình thức, nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp dạy - học là yếu tố quan trọng để các trường thay đổi diện mạo và chủ động hội nhập quốc tế. Trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020 (lần thứ 14), Bộ GD&ĐT đã đưa ra mục tiêu: “Trong vòng 20 năm tới, phấn đấu xây dựng một nền giáo dục Việt Nam
hiện đại, khoa học, dân tộc, làm nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
phát triển bền vững đất nước, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, hướng tới một xã hội học tập, có khả năng hội nhập quốc tế; nền giáo dục này phải đào tạo được những con người Việt Nam có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, có
khả năng thích ứng, hợp tác và năng lực giải quyết vấn đề, có kiến thức và kỹ năng nghề
nghiệp, có thể lực tốt, có bản lĩnh, trung thực, ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm
công dân, gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH” (Bộ GD&ĐT, 2011).
- Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tạo cơ hội cho kinh tế nước ta phát triển đồng thời mở ra thời cơ mới cho phát triển giáo dục đại học. Các hình thức hợp tác, liên kết đào tạo sẽ tạo điều kiện để các
trường đại học tiếp thu công nghệ đào tạo hiện đại, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, nâng cao trình độ và kỹ năng của đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, gia nhập WTO cũng đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi về ngành nghề đào tạo mới, về chất lượng trường đại học, về sản phẩm đào tạo, về tự do hoá cung ứng dịch vụ đào tạo đại học. Cụ thể, trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020 (lần thứ 14), Bộ GD&ĐT cụ thể hoá các tiêu chuẩn mục tiêu cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học như sau: (1) Đối với giáo dục nghề nghiệp: Sau khi hoàn thành các chương trình giáo dục nghề nghiệp, học sinh có năng lực và có đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động và tác phong lao động hiện đại, có khả năng sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong học tập và làm việc tương đương với học sinh ở các nước phát triển trong khu vực, có khả năng tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Đến 2020 có trên 95% số học sinh tốt nghiệp được các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được các yêu cầu của công việc; (2) Đối với giáo dục đại học: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức hiện đại, kỹ năng thực hành nghề nghiệp vững chắc, có khả năng lao động sáng tạo, có tư duy độc lập, phê phán và năng lực giải quyết vấn đề, có khả năng thích ứng cao với những biến động của thị trường lao động, có khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu và làm việc sau khi tốt nghiệp. Đến năm 2020 có ít nhất 5% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học hàng đầu trong khối ASEAN, 80% số sinh viên tốt nghiệp được các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được các yêu cầu của công việc.
- Sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở đào tạo đại học nước ngoài tại Việt Nam, sự cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở đào tạo trong nước và trên địa bàn đòi hỏi các trường đại học phải thực sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả đào tạo.