6. Kết cấu của luận văn
3.3.1 Nâng cao ý thức trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng
Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử
- Đối với các Điều tra viên: Là người rất quan trọng trong quá trình thu thập chứng cứ ban đầu của vụ án hình sự, để xem xét đánh giá về vấn đề
nhân thân của bị cáo sau này có đủ điều kiện để cho hưởng chế định án treo hay không thì quá trình điều tra, Điều tra viên phải là người thực sự am hiểu về mặt pháp luật, phải tinh thông nghiệp vụ, quá trình điều tra phải chú ý thu thập một cách toàn diện đầy đủ nhất bốn vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự đó là: có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi; do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích động cơ phạm tội; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; tính chất và mức độ thiệt hại của hành vi phạm tội đã gây ra. Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý vấn đề về các tình tiết tăng nặng, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can hoặc về nhân thân cũng như các trách nhiệm pháp lý khác phải hết sức quan tâm và thu thập một cách đầy đủ nhất chống phiến diện, qua loa ví dụ như: Khi xác minh về tình tiết bồi thường thì phải làm rõ được ai là người bồi thường, bị can, bị cáo có tác động gì đến gia đình, người thân để có trách nhiệm bồi thường gì không để được áp dụng tình tiết giảm nhẹ điểm b hay khoản 2 của Điều 46, hoặc khi xác minh về vấn đề nhân thân thì phải xem bản thân bị can, bị cáo có tiền án tiền sự gì không, ở địa phương có chấp hành pháp luật tốt không, có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân không như nộp thuế, các khoản phí và đóng góp v.v.., gia đình thân nhân bố mẹ, anh, chị, em ruột có là đối tượng chính sách gì không, có phải là người già, phụ nữ có thai, người hạn chế về khả năng nhận thức, bị can có thời gian dài phục vụ trong quân đội không, bản thân bị can và gia đình có được Nhà nước tặng thưởng huân huy chương không, …để với những hồ sơ đầy đủ thì bản án của Hội đồng xét xử tuyên cho bị cáo được hưởng chế định án treo mới thực sự thuyết phục được người phạm tội và vẫn đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật.
- Đối với các Kiểm sát viên: Phải làm thật tốt công tác kiểm sát điều tra vụ án, phải đi sâu và bám sát tiến độ điều tra, hướng cho Điều tra viên thu
thập một cách đầy đủ nhất những thông tin về vụ án, về những vấn đề như đã nêu trên đối với các Điều tra viên, Kiểm sát viên chỉ chấp nhận lập cáo trạng truy tố ra Tòa trên cơ sở hồ sơ đã hoàn tất cả về mặt chứng cứ, về các trách nhiệm pháp lý đã được làm rõ, về vấn đề nhân thân đã được làm sáng tỏ thì sau này trên cơ sở hồ sơ như vậy Kiểm sát viên mới có một đề nghị chính xác để Hội đồng xét xử xem xét đưa ra một phán quyết hoàn toàn chính xác và đúng pháp luật như vậy bản án treo mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung.
- Đối với Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân là những người nhân dân nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa ra phán quyết, quyết định cho một người bị phạt tù được hưởng án treo và tuyên bố các vấn đề khác ảnh hưởng đến nghĩa vụ và quyền lợi của người bị kết án. Do vậy, hơn ai hết Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải là những người hiểu biết sâu sắc và đầy đủ các chế định án treo về bản chất và ý nghĩa của án treo cũng những vấn đề liên quan. Để đạt được điều này Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải không ngừng trao dồi kiến thức, tập trung nghiên cứu, học tập nhằm nâng cao phẩm chất chính trị và trình độ pháp luật nói chung cũng như nắm vững các quy định pháp luật cùng những văn bản hướng dẫn về án treo nói riêng trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, đồng thời nghiên cứu kỹ các tình tiết của vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, phải quan tâm tới tình hình chính trị ở địa phương để có một phán quyết chính xác là cho bị cáo được hưởng chế định án treo phải phù hợp với các quy định của pháp luật, có tác dụng giáo dục người phạm tội và phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, có như vậy bản án treo mới thực sự đem lại hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực của nó. Do vậy, để nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ năng lực cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân ở tỉnh Hải Dương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Thứ nhất, việc tuyển chọn Thẩm phán, bầu cử Hội thẩm các Tòa án nhân dân ở tỉnh Hải Dương phải đảm bảo người được tuyển chọn là Thẩm phán, người được bầu làm Hội thẩm nhân dân phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, cần tăng cường mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, kịp thời bổ sung những kiến thức mới, chuyên đề nghiên cứu về pháp luật hình sự, tố tụng hình sự nói chung và về án treo nói riêng cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.
Thứ ba, tổ chức tốt việc đánh giá, sử dụng đội ngũ Thẩm phán dựa vào mức độ, chất lượng và khối lượng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời tổ chức tốt việc quản lý cán bộ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ các cơ quan tư pháp, hàng năm nhận xét đánh giá về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ của cán bộ có chức danh tư pháp để xem xét việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phân công nhiệm vụ hoặc miễn nhiệm, xử lý kịp thời những cán bộ yếu kém, vi phạm pháp luật.
Trong giai đoạn thi hành án
Đối với Tòa án: Phải kịp thời ra các quyết định nhanh, gọn, đúng thời gian quy định như: Quyết định thi hành bản án phạt tù cho hưởng án treo, Quyết định giao người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo cho đơn vị quân đội hoặc chính quyền địa phương nơi người bị kết án cư trú, bản án, sổ theo dõi người bị kết án treo đồng thời phải cử cán bộ trực tiếp gửi đến đơn vị quân đội hoặc chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý, giám sát người bị kết án đầy đủ các văn bản về việc thi hành án để các cơ quan này nắm được, cần chấm dứt việc gửi các văn bản này qua đường bưu điện.
Đối với Viện kiểm sát: Là cơ quan có chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp thì cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành án treo trước hết là đối với cơ quan có trách nhiệm ra quyết định thi hành án đó là Tòa án nhân dân các cấp. Phải đảm bảo sao cho tất cả các bản án, những người bị kết án đều phải được đưa ra thi hành, việc ra các quyết định phải đúng luật định và phải được giao trực tiếp cho các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương (hiện nay hầu hết là giao cho chính quyền địa phương) nơi người bị kết án cư trú có trách nhiệm quản
lý giáo dục nhận được để họ tổ chức thực hiện. Việc giao các quyết định này phải đầy đủ theo các quy định của pháp luật như: Quyết định thi hành bản án phạt tù cho hưởng án treo, Quyết định giao người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo cho đơn vị quân đội hoặc chính quyền địa phương nơi người bị kết án cư trú, bản án, sổ theo dõi người bị kết án treo hoặc cải tạo không giam giữ.
Hiện nay vẫn còn tình trạng Tòa án giao cho chính quyền địa phương thông qua đường bưu điện, không có bảo đảm hoặc giao thiếu các thủ tục như có trường hợp chỉ giao Quyết định thi hành án mà không giao bản án, hoặc giao bản án nhưng lại không giao Quyết định giao người bị kết án cho các cấp chính quyền… Đối với các cấp chính quyền địa phương hiện nay chưa thực sự quan tâm đến công tác này vì vậy đòi hỏi các Kiểm sát viên phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cấp chính quyền địa phương hơn nữa, Viện kiểm sát nên tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm chung trên toàn địa bàn về công tác quản lý, giáo dục người bị kết án tù cho hưởng án treo nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.
Đối với đơn vị quân đội, chính quyền địa phương trực tiếp quản lý giám sát người bị kết án tù cho hưởng án treo trong thời gian thử thách trước hết cần phải nắm chắc những quy định của pháp luật quy định cho họ được làm gì những gì trong việc trực tiếp quản lý, giáo dục người phạm tội, phải thực sự quan tâm, đi sâu đi sát với công việc, thường xuyên nắm và quản lý chắc những đối tượng phải thi hành án treo tại địa phương, cơ quan, tổ chức của mình mà kịp thời ra các quyết định phân công người theo dõi, giám sát họ.
Đối với người được phân công trực tiếp theo dõi giám sát người phạm tội cần hiểu những quy định mà pháp luật quy định họ phải làm gì và người bị kết án có nghĩa vụ ra sao qua đó họ mới thực hiện đầy đủ chức trách và nhiệm vụ của mình, họ cần phải thường xuyên gần gũi, quan tâm tới người bị kết án, thường xuyên nắm được những di biến động của họ mà kịp thời động viên, khích lệ họ để họ bớt đi những mặc cảm về tội lỗi của mình mà cải tạo rèn luyện để trở thành những công dân tốt cho xã hội, báo cáo kịp thời về những
ưu điểm, khuyết điểm của người bị kết án trong thời gian thử thách đối với người đã ra quyết định phân công mình trực tiếp theo dõi, giám sát.