6. Kết cấu của luận văn
2.2.2. Những hạn chế trong việc áp dụng án treo
Thực tiễn áp dụng án treo ở tỉnh Hải Dương cũng cho thấy người bị phạt tù không quá ba năm được hưởng án treo phần nhiều là những người phạm tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", "Trộm cắp tài sản", "Đánh bạc", "Cố ý gây thương tích". Mặc dù đã có hướng dẫn lưu ý các Tòa án tránh mắc phải sai lầm là vì có ý định trước sẽ cho người bị kết án được hưởng án treo nên đáng lẽ phải xử trên 03 năm tù thì lại xử phạt không quá 03 năm tù nhưng vẫn có trường hợp Tòa án đã xử quá nhẹ để cho người phạm tội hưởng án treo. Ví dụ vụ án: Bị cáo Phạm Văn V không có giấy phép lái xe. Vào khoảng 15h10' ngày 03.01.2010 bị cáo Phạm Văn V điều khiển xe ôtô 30N-1062 đi trên đường quốc lộ 5A theo hướng Hải Phòng. Khi đi đến Km36+550 thuộc địa phận xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương do không làm chủ tay lái, đi với tốc độ cao, xe ôtô đã lao vào đường dành cho xe thô sơ đâm vào anh Lương Văn M đang điều khiển xe máy đi ngược chiều trên đoạn đường này, làm anh M bị ngã văng về phía sau xe ôtô nằm tại đường số 2 giáp giải phân cách giữa, đầu xe ôtô tiếp tục đẩy xe máy đi 182,3m trên mặt đường rồi mới dừng lại.
Do xe máy mắc vào phần đầu xe ôtô nên V điều khiển xe lùi lại hai lần để giật xe ra khỏi đầu và đánh lái sang phải bỏ chạy về hướng Hải Phòng.
Hậu quả anh M bị chết vào hồi 15h20' cùng ngày, xe máy của anh M bị hư hỏng thiệt hại trị giá 3.200.000đ [24].
Bị cáo Phạm Văn V nhận thức được rằng điều khiển xe ôtô không có giấy phép lái xe, đi với tốc độ cao, không làm chủ được tay lái, đi không đúng phần đường, trước khi điều khiển xe ôtô lại uống rượu là vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nhưng bị cáo vẫn thực hiện.
Chứng tỏ bị cáo thể hiện ý thức coi thường pháp luật, không tôn trọng quy định về an toàn giao thông. Trong vụ án này, V bị truy tố khoản 2 mức khởi điểm của hình phạt là 3 năm. Với tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của V,
mức hình phạt mà V phải chịu là hơn 3 năm nhưng vì muốn cho V hưởng án treo nên Hội đồng xét xử tuyên mức án phạt tù đối với V là 3 năm. Mặc dù bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự nhưng hiện nay tình hình tai nạn giao thông đường bộ xảy ra nhiều và có diễn biến phức tạp, để đấu tranh và đẩy lùi loại vi phạm này, Hội đồng xét xử xét chiếu cố cho bị cáo hưởng án treo đã không tương xứng với hành vi phạm tội gây ra và không có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung có hiệu quả.
Về điều kiện nhân thân người phạm tội để xem xét cho hưởng án treo, thực tiễn áp dụng ở tỉnh Hải Dương cho thấy nhìn chung khi quyết định cho hưởng án treo Tòa án đã áp dụng đúng quy định về điều kiện nhân thân cũng như hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Đại đa số người phạm tội được xét cho hưởng án treo đều là những người chưa có tiền án, tiền sự, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, có nhân thân tương đối tốt.
Tuy nhiên có trường hợp bị cáo có nhân thân xấu, có tiền sự nhưng Tòa án vẫn cho hưởng án treo.
Ví dụ vụ án Phạm Đức M cùng đồng bọn xét xử về tội Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc, theo bản án số 30 ngày 26/6/2012 của Tòa án huyện CG, với tổng số tiền các bị cáo sử dụng vào việc Đánh bạc 110.800.000đ [26].
Trong vụ án này, các bị cáo Vũ Văn C, Trần Thanh T, Trần Hoàng D là các bị cáo đều có vai trò tích cực, số tiền đánh bạc nhiều. Riêng bị cáo Trần Thanh T có một tiền sự về hành vi gây thương bị xử lý hành chính tháng 6/2011, nhưng cấp sơ thẩm nhận xét đến thời điểm xét xử bị cáo được xóa tiền sự để cho T và C, D được hưởng án treo là chưa nghiêm, không đúng quy định của pháp luật.
Vụ án Nguyễn Văn T, sinh năm 1977, Nguyễn Văn N, sinh năm 1972 (năm 2000 bị xử phạt 11 năm tù về tội lưu hành tiền giả đặc xá ngày 30.8.2006), Nguyễn Văn Q, sinh năm 1984 (năm 2008 Chủ tịch Ủy ban nhân
dân huyện KT đưa vào trung tâm chữa bệnh). Sáng ngày 01.01.2012, các bị cáo T, N, Q cùng các bị cáo khác đã thực hiện hành vi đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa. Tổng số tiền các bị cáo sử dụng đánh bạc 6.357.000 đồng (trong đó thu tại chiếu bạc 2.915.000 đồng, thu của bị cáo Tuyển 708.000 đồng còn lại là của các bị cáo khác) [25].
Bản án sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 248; Điều 20, Điều 53, điểm h (đối với T), p khoản 1, 2 Điều 46 (đối với T), Q; khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật hình sự. Xử phạt Nguyễn Văn N 06 tháng tù, Nguyễn Văn T 04 tháng tù đều cho hưởng án treo.
Bị cáo T có nhân thân xấu Tòa án cho bị cáo hưởng án treo là không đúng.
Về các tình tiết giảm nhẹ là một trong những điều kiện để Tòa án xem xét cho người bị phạt tù hưởng án treo. Các tình tiết giảm nhẹ được xem là điều kiện để cho người bị kết án được hưởng án treo phải thuộc các nhóm: các tình tiết giảm nhẹ quy định trong Bộ luật hình sự, các tình tiết giảm nhẹ được ghi nhận trong các văn bản hướng dẫn xét xử và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được Tòa án xác định cụ thể đối với người phạm tội. NQ 01/2007 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn một số tình tiết giảm nhẹ khác ngoài tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Nhưng đến nay trong quá trình áp dụng các tình tiết giảm nhẹ này cũng chưa được chính xác và thống nhất tại các Tòa án.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy các tình tiết giảm nhẹ quy định trong Bộ luật hình sự hay được Tòa án sử dụng nhất khi xem xét cho người bị phạt tù cho hưởng án treo là "Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng", "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải", "phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn" và "người phạm tội tự nguyện sửa chữa bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả".
Tuy Điều 46 Bộ luật hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ một cách cụ thể nhưng trên thực tế áp dụng quy định về các tình tiết này để làm
căn cứ cho hưởng án treo cũng vẫn còn những vướng mắc, nhiều ý kiến và cách áp dụng khác nhau. Một trong những nguyên nhân là do một số tình tiết giảm nhẹ luật không quy định cụ thể và không có văn bản hướng dẫn. Nguyên nhân khác là do nhiều trường hợp người áp dụng án treo đã hiểu không đúng về các tình tiết giảm nhẹ nên xác định sai hoặc tùy tiện coi các tình tiết không có ý nghĩa giảm nhẹ là tình tiết giảm nhẹ cho hưởng án treo.
Về quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự "Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm". Nhiều vụ tai nạn giao thông sau khi gây tai nạn người phạm tội đã đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu, khi xét xử có Thẩm phán cho rằng như vậy là người phạm tội đã góp phần ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm nên đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Cũng có Thẩm phán cho rằng việc đưa một người tai nạn vào bệnh viện là trách nhiệm của bất cứ người nào, nhất là người gây tai nạn phải đưa nạn nhân đi cấp cứu là trách nhiệm đương nhiên nên không thể coi là tình tiết giảm nhẹ.
Cũng có ý kiến cho rằng chỉ được áp dụng tình tiết này nếu hành động của người phạm tội thực sự có tác dụng ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm. Ví dụ vụ án Trương Văn D phạm tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Trong vụ án này, D không có giấy phép lái xe, đi lấn đường gây tai nạn cho ông Bằng. Sau khi xảy ra tai nạn, D đã đưa ông Bằng cấp cứu nhưng ông Bằng đã chết trên đường đi đến bệnh viện. Tòa án đã áp dụng điểm a khoản 1 Điều 46 làm một trong những tình tiết giảm nhẹ để cho D hưởng án treo. Theo quan điểm của chúng tôi, tuy việc gây tai nạn lỗi hoàn toàn thuộc về D, hành động đưa nạn nhân đi cấp cứu là trách nhiệm đương nhiên của D nhưng nếu hành động đó có tác dụng nạn nhân được cấp cứu kịp thời thì D được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Trong trường hợp nạn nhân đã chết trên đường đến bệnh viện nên D không được hưởng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.
"Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" cũng là tình tiết được sử dụng nhiều trên thực tế nhưng vẫn còn
nhiều tranh luận về việc xác định tình tiết này cũng như mức độ của việc sửa chữa, bồi thường đến đâu thì mới được áp dụng. Trên thực tế có nhiều vụ trước khi xét xử gia đình bị cáo có bồi thường cho người bị hại không đáng kể so với thiệt hại xảy ra nhưng gia đình người bị hại không nhận nhưng bản án sơ thẩm vẫn áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 để cho bị cáo hưởng án treo. Ví dụ vụ án Nguyễn Minh T dùng dao phay và gạch ba banh vỡ đánh vào đầu, vùng mạn sườn, tay trái anh Du gây thương tích cho anh Du với tỷ lệ thương tật 30% tạm thời. Sau khi gây thương tích, T đã bồi thường cho anh Du 01 triệu đồng nhưng anh Du không nhận. T đã đem số tiền đó nộp tại cơ quan công an.
Tòa án đã phạt T 30 tháng tù và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ là điểm b, p khoản 1 Điều 46 làm căn cứ cho T hưởng án treo là chưa nghiêm, không tương xứng tính chất hành vi bị cáo thực hiện.
Qua thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đa số các ý kiến cho rằng việc sửa chữa, bồi thường đó phải khắc phục được hoàn toàn hoặc hầu hết hậu quả thiệt hại do tội phạm gây ra.
Về tình tiết "phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra" câu hỏi được đặt ra trên thực tế đòi hỏi người áp dụng phải trả lời là hoàn cảnh như thế nào được coi là đặc biệt khó khăn? Có bản án coi hoàn cảnh gia đình bị cáo nghèo, đông còn là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dẫn bị cáo vào con đường trộm cắp, trong khi những gia đình khác sống quanh gia đình bị cáo cũng có hoàn cảnh tương tự. Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này là không có tính thuyết phục, không đúng.
Về tình tiết "phạm tội mà chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn", luật không quy định giới hạn nào để Tòa án xác định là phạm tội gây thiệt hại không lớn. Do vậy, có trường hợp áp dụng tình tiết này chưa đúng và không thống nhất giữa các Tòa. Hiện nay có Tòa án áp dụng tình tiết này cho bị cáo khi giá trị tài sản chiếm đoạt hoặc tỷ lệ thương tật của người bị hại (trong vụ án gây thương tích) dưới định lượng quy định của khoản 1 điều luật
tương ứng (bị truy tố do nhân thân có tiền án, tiền sự, gây hậu quả nghiêm trọng khác hoặc do có tình tiết khác mà không phải là định lượng cấu thành cơ bản của tội phạm về giá trị chiếm đoạt, tỷ lệ thương tật) hoặc giá trị tài sản chiếm đoạt, thiệt hại khác có định lượng ở khoản 1 nhưng bị truy tố, xét xử ở khoản 2,3 của điều luật tương ứng (theo tình tiết định khung khác, không phải về giá trị tài sản hay tỷ lệ thương tật).
Về tình tiết "phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng"
đòi hỏi phải có hai điều kiện là phạm tội lần đầu và phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Trên thực tế phạm tội lần đầu thường được hiểu là chưa có tiền án còn phạm tội thuộc trường ít nghiêm trọng thường được hiểu là phạm tội ít nghiêm trọng. Tuy nhiên có vụ án áp dụng không chính xác tình tiết này như vụ Nguyễn Đức L bị xử về tội "môi giới mại dâm". Khoảng 21 giờ 00 phút ngày 14.8.2012, tại quán cà phê Quỳnh Anh, ở thôn Q, xã T, huyện G, tỉnh Hải Dương, Nguyễn Đức L đã có hành vi dẫn dắt cho chị Ma Thị L bán dâm cho Phạm Văn A với giá 250.000đ/lượt cả tiền phòng và L đã nhận của Phạm Văn A tiền mua dâm là 250.000đồng. Đến 21 giờ 55 phút cùng ngày 14.8.2012, khi Ma Thị L đang bán dâm cho khách thì bị cơ quan CSĐT Công an huyện G phát hiện, thu giữ vật chứng. Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Đức L đã đủ yếu tố cấu thành tội: "Môi giới mại dâm". Hội đồng xét xử áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 cho bị cáo hưởng án treo là không thỏa đáng [27].
Về tình tiết "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải"
được áp dụng phổ biến trong các bản án cho người phạm tội hưởng án treo.
Việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải của người phạm tội rất có ý nghĩa khi xem xét cho người phạm tội hưởng án treo vì nó thể hiện khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội ngay trong môi trường xã hội mà không cần thiết phải cách ly người phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế đôi khi Tòa án cũng lạm dụng việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, đó là nhiều trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố và xét hỏi tại phiên tòa người phạm tội luôn quanh co
chối tội, khi hội đồng xét xử đưa ra đầy đủ những chứng cứ chứng minh tội phạm, bị cáo biết không thể chối cãi nên mới nhận tội và cố tỏ ra thành khẩn và ăn năn. Hội đồng xét xử lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cho bị cáo.
Theo chúng tôi, trong trường hợp này việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" là không xác đáng vì hành động của bị cáo mang tính đối phó, không thể hiện khả năng tự cải tạo của bị cáo.
Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn trước đây không quy định nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ đồng thời có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể được Tòa án xem xét cho hưởng án treo hay không. Tại thời điểm xét xử thì theo Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định: Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên. Nhưng trên thực tế có Tòa không áp dụng đúng quy định này.
Đó là vụ Nguyễn Văn B, sinh năm 1968; Phạm Đăng T, sinh năm 1974, Vũ Văn C, sinh năm 1983 cùng đồng bọn, đều chưa có tiền án, tiền sự.
Trong thời gian từ tháng 4.2011 đến tháng 12.2011, Bạo cùng T, C và đồng bọn thực hiện hành vi thay bộ số có hằng số 1.750 vòng/kwh và 450 vòng/kwh vào các công tơ điện do điện lực các huyện TM, BG, GL quản lý, làm sai tỷ số truyền, dẫn đến chỉ số tiêu thụ điện năng hiển thị bộ số công tơ giảm đi nhằm chiếm đoạt điện năng. Tổng sản lượng B chiếm đoạt là 15.171 trị giá 22.433.420 đồng.
Phạm Đăng T chiếm đoạt 4.925kwh trị giá 6.170.533 đồng và giúp sức cho B, S chiếm đoạt 1.731 kwh trị giá 2.169.000 đồng; giúp sức cho B, Th chiếm đoạt 149kwh trị giá 208.883 đồng. Tổng trị giá tài sản bị cáo chiếm đoạt là 8.548.604 đồng.
Vũ Văn C chiếm đoạt 1.565kwh trị giá 1.960.311 đồng và giúp sức cho T, B chiếm đoạt 4.925 kwh trị giá 6.170.533 đồng. Tổng trị giá tài sản bị cáo chiếm đoạt là 8.130.844 đồng.
Bản án sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b,p khoản 1 Điều 46, điểm g, i khoản 1 Điều 48; Điều 20, Điều 53, khoản 1,2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Phạm Đăng T 15 tháng tù. Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, h, p khoản 1 Điều 46, điểm i khoản 1 Điều 48; Điều 20, Điều 53, khoản 1,2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Vũ Văn C 12 tháng tù cho hưởng án treo.
Đối với Phạm Đăng T có 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 46 và 02 tình tiết tăng nặng tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự cho hưởng án treo là không thỏa đáng và không đúng với tinh thần Nghị quyết số 01: Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên.
Ngoài những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự và Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP nêu trên thì Tòa án cũng vẫn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ. Qua nghiên cứu thực tiễn áp dụng án treo cho thấy Tòa án sử dụng các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ như bị cáo là lao động chính trong gia đình, có hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi con nhỏ, bị cáo tuổi còn trẻ, nhất thời phạm tội, phạm tội do hiểu biết pháp luật hạn chế...
Việc coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ để xem xét cho hưởng án treo yêu cầu người áp dụng phải hết sức cẩn thận khi xem xét, đánh giá, cân nhắc ý nghĩa của các tình tiết, tránh việc tùy tiện coi những tình tiết không có ý nghĩa là tình tiết giảm nhẹ. Đối với tình tiết giảm nhẹ khác như bị cáo có thời gian phục vụ trong quân đội cũng được Tòa án áp dụng. Nhưng theo chúng tôi chỉ áp dụng tình tiết này khi bị cáo có thời gian dài phục vụ trong quân đội. Còn các trường hợp đi nghĩa vụ quân sự thì không được áp dụng vì đây là trách nhiệm đương nhiên của mỗi công dân đối với đất nước.
Trên thực tế, có nhiều bản án đã áp dụng trường hợp bị cáo tham gia nghĩa vụ quân sự để làm căn cứ cho hưởng án treo là tùy tiện và không có cơ sở.
Khi xem xét các điều kiện cho người bị phạt tù hưởng án treo, ngoài việc Tòa án phải xem xét điều kiện về mức hình phạt, điều kiện về nhân thân