6. Kết cấu của luận văn
2.1.1 Căn cứ để người bị phạt tù được hưởng án treo
Điều kiện cho người bị kết án được hưởng chế định án treo mà trước đây được quy định tại Điều 44 Bộ luật hình sự năm 1985 thì nay được quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật hình sự hiện hành: "1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm" [21].
Như vậy các điều kiện mà Tòa án bắt buộc phải xem xét khi cho người bị kết án được hưởng án treo, đó là mức phạt tù (bị xử phạt không quá ba năm), điều kiện về nhân thân của người phạm tội, điều kiện về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và điều kiện không cần bắt người bị kết án chấp hành hình phạt tù.
Tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06.11.2013 quy định:
Chỉ xem xét cho người bị phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
Bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 của Bộ luật hình sự;
Theo quy định này phạm vi được áp dụng đối với chế định án treo đã thu hẹp lại, người bị kết án không quá 3 năm tù chỉ được hưởng án treo khi phạm "tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng". Khi bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội thì không cho hưởng án treo.
Như vậy căn cứ vào mức hình phạt tù là một trong những căn cứ đầu tiên để xem xét cho người bị kết án được hưởng chế định án treo, đòi hỏi Thẩm phán cũng các Hội thẩm nhân dân phải tuyệt đối tuân theo những quy định của pháp luật đó chính là các nguyên tắc, những căn cứ pháp luật khi quyết định hình phạt. Trong quá trình xét xử phải thực sự công tâm, phải xuất phát từ yêu cầu đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, phải có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp có bản lĩnh vững vàng kiên quyết đấu tranh với những hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao, song cũng phải biết đánh giá đúng đối với những người nhất thời phạm tội, biết ăn năn hối cải mà tạo cơ hội cho họ được sửa chữa cải tạo ngoài xã hội, đó chính là yêu cầu của những người làm công tác xét xử trong giai đoạn hiện nay.
Căn cứ về nhân thân người phạm tội
Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 của Bộ luật hình sự thì việc áp dụng chế định án treo phải xem xét khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội.
Cũng theo quy định tại Điều 63 của Bộ luật tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải có trách nhiệm chứng minh một trong 4 vấn đề của vụ án hình sự đó là: ... 3. Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo [22].
Như vậy cả trên lĩnh vực luật nội dung và luật hình thức thì vấn đề nhân thân người phạm tội đều được pháp luật đề cập một cách rõ ràng, đầy đủ. Trong khoa học luật hình sự xuất hiện nhiều cách định nghĩa khác nhau về nhân thân người phạm tội như "Nhân thân người phạm tội trong luật hình sự được hiểu là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của họ" [39, tr. 97] hay:
Nhân thân người phạm tội tức là người có lỗi trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự quy định là tội
phạm được hiểu là tổng thể tất cả các dấu hiệu, đặc điểm có ý nghĩa về mặt xã hội, trong sự kết hợp với các điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của người đó [50, tr. 126].
Hoặc:
Nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc điểm về mặt pháp lý hình sự, xã hội - nhân khẩu học, xã hội - sinh học và đạo đức - tâm lý học của người đã có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm, mà các đặc điểm này có ý nghĩa quan trọng để giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của người đó một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật đồng thời đấu tranh chống tình trạng phạm tội [2, tr. 6].
Như vậy có thể thấy nhân thân người phạm tội là tổng hợp những đặc điểm khác nhau của một con người cụ thể với tư cách là chủ thể của tội phạm mà những đặc điểm này có ảnh hưởng nhất định đến hành vi phạm tội và khả năng giáo dục, cải tạo người phạm tội. Việc xem xét vấn đề nhân thân đó chính là thể hiện sự nhân đạo, sự khoan hồng và sự công bằng của Nhà nước đối với những người phạm tội, thông qua đó việc áp dụng hình phạt cũng như các chế định đối với người phạm tội mới có tác dụng và hiệu quả trong việc giáo dục người phạm tội.
Theo văn bản hướng dẫn mới nhất của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06.11.2013 hướng dẫn cụ thể hơn:
Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.
Có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng;
Theo như hướng dẫn nêu trên thì khi đánh giá, xem xét nhân thân một người phạm tội để quyết định về mặt hình phạt và xem xét có cho họ được hưởng chế định án treo hay không trên cơ sở họ có nhân thân tốt, có đầy đủ những điều kiện sau đây:
Thứ nhất: Ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, luôn chấp hành đúng chính sách pháp luật; nghĩa là trước khi phạm tội họ là công dân tốt, chấp hành nghiêm đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, không vi phạm pháp luật, không bị xử lý kỷ luật, không phải là đối tượng nghiện chất ma túy, không thuộc đối tượng hình sự, ổ nhóm tội phạm cần phải quan tâm theo dõi…
Thứ hai: Họ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân, điều kiện này đối với người phạm tội được hiểu luật pháp nhà nước ta đã quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân trong hiến pháp và pháp luật, ví dụ: Người từ đủ 18 tuổi trở lên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng họ không thực hiện mà trốn tránh; hoặc người kinh doanh buôn bán phải có nghĩa vụ đóng thuế đối với Nhà nước nhưng họ không thực hiện trong khi đó họ cũng chưa bị xử lý bằng hình thức gì; không chấp hành nộp các loại phí theo quy định của địa phương… Tất cả những hành vi đó đều có thể được hiểu là vi phạm điều kiện về nghĩa vụ công dân, nếu như họ vi phạm thì họ không được hưởng án treo.
Thứ ba: Họ phải là người chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nghĩa là bản thân họ từ trước tới ngày họ phạm tội họ chưa hề bị kết án hoặc bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật.
Trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật thì được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật, nhưng không
phải là có nhân thân tốt. Việc cho hưởng án treo đối với những trường hợp này phải hết sức chặt chẽ. Chỉ có thể xem xét cho hưởng án treo khi thuộc một trong các trường hợp sau:
b1) Người bị kết án từ trên 3 năm tù đến 15 năm tù về tội do cố ý (kể cả trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều tội hoặc nhiều bản án) mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;
b2) Người bị kết án đến 3 năm tù về tội do cố ý mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;
b3) Người bị kết án về các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;
b4) Người bị kết án về các tội do vô ý mà đã được xóa án tích;
b5) Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ hai lần trở lên mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;
b6) Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc một lần và có nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;
b7) Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 18 tháng;
b8) Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật từ hai lần trở lên mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 18 tháng;
b9) Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật về hành vi có cùng tính chất với hành vi phạm tội lần này mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;
b10) Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 6 tháng;
b11) Người đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính [37].
Như vậy đối với người phạm tội đã bị Tòa án kết án về một tội nào đó nhưng đã được xóa án tích theo quy định của pháp luật, hoặc họ đã bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành chính, bị xử lý kỷ luật nhưng sau khi được xóa án tích hoặc đã hết thời hiệu xử lý đến ngày phạm tội lần này là một thời gian cụ thể đối với từng loại đã liệt kê trên đây thì mới xem xét cho hưởng án treo.
Thứ tư: về vấn đề nhân thân là họ phải có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng để nhằm quản lý, giáo dục họ khi Tòa án giao họ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc giao họ cho chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để quản lý giáo dục theo đúng quy định của pháp luật.
Tóm lại khi xem xét đánh giá về vấn đề nhân thân người phạm tội Hội đồng xét xử phải xem xét một cách khách quan, toàn diện và hết sức cẩn trọng, công tâm phải đặt trong một bối cảnh cụ thể và dựa trên đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, có như vậy mới đưa ra một phán quyết hợp tình, hợp lý và chính xác cao.
Căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật
Tại Điều 60 Bộ luật hình sự quy định về chế định án treo thì điều kiện cho người bị kết án được hưởng chế định án treo như sau:
Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
Tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện Điều 60 Bộ luật hình sự về án treo trong đó có quy định về các tình tiết giảm nhẹ như sau:
Chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
a. ...
d. Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự; nếu có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự [37].
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những yếu tố làm thay đổi mức độ của hành vi phạm tội theo hướng ít nghiêm trọng hơn. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong một vụ án cụ thể và đối với người phạm tội cụ thể chỉ làm cho tội phạm thay đổi mức độ nguy hiểm trong vụ án đó và cũng chỉ làm cho tội phạm thay đổi mức độ nguy hiểm trong phạm vi một cấu thành chứ không làm thay đổi tính chất của tội phạm ấy [18, tr. 236].
Các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
Tại Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn chi tiết về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 46 quy định các tình tiết sau đây được coi là tình tiết giảm nhẹ khác:
Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước;
- Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sĩ;
- Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Người bị hại cũng có lỗi;
- Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
- Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
- Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về mặt sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về mặt tài sản;
- Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu;
- Ngoài ra khi xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án [32, tr. 21].
Như vậy theo các quy định của Bộ luật hình sự cũng như các hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì những tình tiết giảm nhẹ được quy định mở hơn, có tính chất tùy nghi hơn phụ thuộc vào trường hợp cụ thể của người phạm tội để có thể xem xét cho rằng đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, song theo tác giả thì việc cho phép tùy nghi trong