I. KẾT LUẬN
1. Tất cả các đối tượng nghiên cứu đều mẫn cảm với nước sông được sử dụng trong nghiên cứu này, biểu hiện giảm số rễ cũng như chiều dài rễ trung bình là không như nhau ở mùa khô và mùa mưa, ở các đối tượng nghiên cứu khác nhau là không giống nhau. Độ pha loãng nước sông càng giảm số rễ và chiều dài rễ trung bình của hành ta, hành tây, thài lài tím đều bị giảm và giảm dần từ điểm đầu đến điểm cuối dọc các sông nghiên cứu. Hành ta, hành tây, thài lài tím trồng trên nước sông lấy tại các đoạn sông khác nhau vào mùa mưa có số rễ trung bình và chiều dài rễ trung bình giảm ít hơn so với nước sông lấy vào mùa khô.
2. Biểu hiện giảm chỉ số phân bào và tăng tần số bất thường NST ở các đối tượng nghiên cứu với giảm độ pha loãng nước sông phản ánh khả năng gây độc tế bào của tất cả các nguồn nước sông sử dụng trong nghiên cứu. Trong tất cả các nước sông sử dụng nghiên cứu, hành ta, hành tây, thài lài tím trồng trên nước sông Tô Lịch lấy tại đập Thanh Liệt không pha loãng (100%) vào mùa khô có tần số bất thường NST trong phân bào nguyên phân ở tế bào đỉnh rễ cao nhất 12.72% (hành ta), 12.72% (hành tây), 12.45% (thài lài tím).
3. Hiệu quả gây đột biến NST ở phân bào nguyên phân của tế bào đỉnh rễ hành ta, hành tây, thài lài tím được phát hiện ở tất cả các độ pha loãng của các nguồn nước sông sử dụng trong nghiên cứu này. Tần số bất thường NST ở cuối nguồn các sông là cao hơn đáng kể so với nước lấy từ đầu nguồn. Các dạng bất thường NST thường gặp là cầu cromatit, đoạn cromatit, lệch cầu, di
chuyển chậm. Trong đó dạng thường gặp nhất là đột biến cầu cromatit, dạng ít gặp nhất là di chuyển chậm.
4. Bất thường về cấu trúc NST cũng như sự sai khác về tần số bất thường NST trong phân bào giảm nhiễm ở tế bào bao phấn thài lài tím sau 8 tuần xử lý bằng nước sông cho thấy tổng tần số bất thường NST trong phân bào giảm nhiễm tăng so với phân bào nguyên phân ở tế bào đỉnh rễ. Ở cuối nguồn, tần số bất thường NST cao gấp nhiều lần so với đầu nguồn các sông. Dạng bất thường hạt nhân cũng được phát hiện trong nghiên cứu này với tần số 0.67% ở nước sông Tô Lịch lấy tại đập Thanh Liệt.
II. ĐỀ NGHỊ
1. Tiếp tục phát triển nghiên cứu với một số loài thực vật chỉ thị độc tính di truyền tế bào khác để làm cơ sở ứng dụng trong đánh giá rủi ro sinh thái và quản lý nguồn nước sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực Hà Nội.
2. Theo dõi sự phát sinh các bất thường NST ở phân bào giảm nhiễm của hành qua đó đánh giá nguy cơ rủi ro đối với con người khi sử dụng cũng như tiếp xúc lâu dài các nguồn nước sông này.
3. Kết hợp nghiên cứu hiệu quả độc tính di truyền tế bào học với các nghiên cứu về hiện trạng chất lượng đất, không khí… để có một hệ thống cơ sở để đánh giá rủi ro di truyền của các chất gây ô nhiễm đến con người.