Hàm ý cho Việt Nam

Một phần của tài liệu tap-chi-nha-dau-tu-thang-6 (Trang 51)

Nhận định và đánh giá về kinh tế thế giới và thương mại quốc tế thời gian tới

Triển vọng phát triển kinh tế thế giới và thương mại quốc tế trong ngắn hạn phụ thuộc hoàn toàn vào việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên quy mô toàn cầu. Sau khi có dấu hiệu được kiểm soát ở Châu u và Châu Á, việc dịch bệnh bùng phát tương đối muộn ở

các nước Mỹ Latinh cho thấy sự phát triển khó lường của chủng virus mới này. Ngay cả các nước đang kiểm soát tốt dịch bệnh, bắt đầu nới lỏng phong tỏa hoạt động của nền kinh tế, cũng phải đối mặt với các làn sóng lây nhiễm tiếp theo. Đặc biệt là Mỹ đang có những sự kiện kỳ thị da màu dẫn tới biểu tình và bạo loạn trong thời gian gần đây càng làm tăng thêm việc lây lan dịch bệnh. Tình hình chắc chắn chỉ khả quan trở lại sau khi sản xuất được vắcxin hoặc có phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Theo đánh giá của Liên hợp quốc (UN), kinh tế thế giới sẽ thiệt hại khoảng 8.500 tỷ USD trong 2 năm 2020 và 2021 trước khi thế giới tìm ra những biện pháp y tế hiệu quả phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Một số dự báo

Dịch bệnh Covid-19 và sự phát triển không ngừng với tốc độ nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo sẽ đưa lại những biến đổi đáng kể đối với thế giới. Cách thức tương tác giữa con người với con người, cách thức vận hành các doanh nghiệp ở tầm vi mô cũng như vận hành của nền kinh tế ở tầm vĩ mô và toàn cầu đã và đang có nhiều thay đổi. Sức ép của chuyển đổi số ngày một lớn. Toàn cầu hóa sẽ vẫn tiếp tục nhưng mâu thuẫn giữa toàn cầu hóa với chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ thương mại sẽ trở nên gay gắt hơn. Các hệ thống thương mại đa phương và các thể chế toàn cầu sẽ có những cải cách để phù hợp với bối cảnh mới. Xu hướng phân chia lại sự ảnh hưởng để định hình lại “vùng ảnh hưởng” từ các nước lớn càng ngày càng mạnh. Xu hướng đối đầu kinh tế và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc dự báo sẽ còn diễn biến căng thẳng, khó có khả năng kết thúc trong ngắn hạn vì cuộc tranh đua ngôi vị bá chủ không thể kết thúc trong ngắn hạn. Mỹ sẽ tiếp tục có những động thái cô lập Trung Quốc bất kể tổng thống Donald Trump có đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo hay không. Xu hướng dịch chuyển đầu tư, sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn quốc tế có thể không diễn ra ồ ạt nhưng sẽ trở thành xu hướng trong dài hạn. Sự dịch chuyển và đứt gãy của các chuỗi cung ứng toàn cầu đang và sẽ tiếp tục xảy ra, khiến cho hoạt động thương mại quốc tế chịu ảnh hưởng tiêu cực. Vùng ảnh hưởng theo sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS) của Mỹ sẽ đối lập mạnh với vùng ảnh hưởng của sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc. Các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ tiếp tục diễn ra ở qui mô khu vực và toàn cầu, đặc biệt là vấn đề an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh mạng. Những mâu thuẫn và xu hướng trên có thể dẫn tới nhiều bất ổn khu vực. Tuy nhiên, khu vực ASEAN vẫn sẽ giữ được vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cho khu vực Đông Á năng động tiếp tục phát triển. Tiểu vùng sông Mê Công trong đó có Việt

nam sẽ có vai trò lớn hơn và thu hút được sự chú ý quan tâm nhiều hơn của các bên liên quan. Già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa… sẽ có những tác động ngày càng tăng đối với các quốc gia trong khu vực. Khả năng phục hồi và phát triển của kinh tế thế giới phụ thuộc vào mức độ nhanh chậm của các sự điều chỉnh và mạnh hay yếu của các xu hướng này cũng như khả năng bù đắp của các hình thức hoạt động kinh tế mới như các lĩnh vực thương mại điện tử, các hoạt động của kinh tế số.

Một số hàm ý cho Việt Nam và Kết luận

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thành công nhất thế giới trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vì vậy có điều kiện nhanh chóng phục hồi các hoạt động của nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được xem là được hưởng lợi từ quá trình điều chỉnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra. Tuy nhiên, vì các vấn đề rủi ro của thế giới hiện nay là rất lớn và còn diễn biến phức tạp, chúng ta cần tiếp tục có cách tiếp cận thận trọng trong mọi vấn đề, đặc biệt là sức ép phải mở cửa cho thị trường du lịch. Đối với lĩnh vực kinh tế, cần kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững dài hạn hơn là theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế ngắn hạn. Tập trung nguồn lực vào cải thiện các điểm nghẽn của nền kinh tế về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế và đầu tư nhiều hơn cho việc chuyển đổi số và khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trên mặt trận kinh tế đối ngoại, phải coi trọng nhiều hơn nội lực của nền kinh tế, tránh việc phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường. Điều quan trọng nhất là cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh để đảm bảo cho kinh tế Việt Nam có năng lực đương đầu tốt và chống chịu được với các cú sốc và rủi ro từ bên ngoài.

---

Tài liệu tham khảo

Một phần của tài liệu tap-chi-nha-dau-tu-thang-6 (Trang 51)