Bài toán đón đầu của Vingroup

Một phần của tài liệu tap-chi-nha-dau-tu-thang-6 (Trang 29)

Bất động sản công nghiệp đang là “đích mới” của Vingroup khi mà Tập đoàn đã thể hiện những “tham vọng” rõ nét trong hơn một năm qua. Trước đó, vào tháng 12/2018, Vingroup Ventures được thành lập với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp với số vốn điều lệ 70 tỷ đồng. Thế nhưng, sau hơn một năm, vào

tháng 3/2020, công ty con này được tăng vốn từ 70 tỷ lên 6.000 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, đầu tháng 4/2020, CTCP Đầu tư Khu công nghiệp VinHomes (Vinhomes IZ) đề xuất đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Thủy Nguyên (Hải Phòng) trên diện tích 319ha, với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng, chính thức bước chân vào thị trường bất động

sản công nghiệp. Song việc Vingroup muốn tham gia vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp đã được đưa ra trong bản thuyết trình với các nhà đầu tư kết quả kinh doanh năm 2019. Theo đó, lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho nhà phát triển bất động sản số một Việt Nam từ năm 2020.

Chia sẻ về sự dịch chuyển đầu tư này, bà Nguyễn Diệu Linh, Chủ tịch HĐQT Vinhomes (Công ty thành viên của Vingroup) cho biết, những khách hàng mục tiêu ban đầu của mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ là các đơn vị trong chuỗi cung ứng linh kiện ôtô, mục đích nhằm tạo ra một hệ sinh thái xung quanh VinFast cả về yếu tố sản xuất và địa lý. “Thêm vào đó, việc đầu tư vào bất động sản công nghiệp được xác định là sẽ đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu. Căn cứ theo kế hoạch doanh thu năm 2020, mảng này có thể mang về 14.000-15.000 tỷ đồng trong tương lai. Con số này chỉ đứng sau quy mô doanh thu mảng kinh doanh bất động sản và mảng bán lẻ đã thoái vốn”, bà Nguyễn Diệu Linh nói.

Tuy nhiên, giới phân tích thị trường cho rằng câu chuyện mà Vingroup muốn phát triển bất động sản công nghiệp không phải chỉ ở mục tiêu là chuỗi cung ứng linh kiện ôtô mà xa hơn nữa đó là câu chuyện đón đầu làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, cộng với những tác động của đại dịch Covid-19.

Thực tế, trên con đường phát triển của Vingroup thì doanh nghiệp này luôn đón đầu xu hướng. Đơn cử như du lịch, Vingroup đón đầu dự án nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp doanh nghiệp này cũng đón đầu trong việc phát triển các đại đô thị, tiếp đó là ngành sản xuất ô tô, điện thoại khi đi sau các thương hiệu như Trường Hải Thaco nhưng lại tạo ra một làn sóng xuất khẩu mạnh mẽ mang thương hiệu Việt.

Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, việc bước chân vào phát triển bất động sản công nghiệp với dự án đầu tiên là ở Hải Phòng, nơi mà cách đây 2 năm doanh nghiệp này đã thành công với dự án nhà máy sản xuất ôtô VinFast sẽ cho Vingroup

nhiều lợi thế, trong đó việc thành lập riêng một đơn vị quản lý tạo sự rõ ràng hơn trong mô hình kinh doanh. Khu tổ hợp VinFast sẽ được chuyển sang bất động sản khu công nghiệp và VinFast trở thành một trong các khách hàng thuê đầu tiên, như vậy sẽ giúp Vingroup có ngay khách hàng là chính công ty con của mình ở khu công nghiệp mà mình phát triển. Bên cạnh đó, việc tách bạch giữa bất động sản và sản xuất cũng tránh sự chồng chéo trong quản lý tại VinFast, đồng thời, tạo ra một hệ thống thu hút đầu tư thích hợp.

Bà Hương cũng cho rằng hiện những nhà máy sản xuất linh kiện ôtô cho các thương hiệu xe lớn tại Trung Quốc đang gặp khó trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cộng thêm việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và việc Việt Nam kiểm soát rất tốt dịch bệnh này là một cơ hội cho Vingroup thực hiện kế hoạch hút vốn FDI về đầu tư vào các khu công nghiệp mà mình thực hiện. “Nếu thành công tại khu công nghiệp ở Hải Phòng, tôi tin rằng Vingroup sẽ Nam tiến cho dự án bất động sản khu công nghiệp khi doanh nghiệp này đang nắm trong tay quỹ đất 900ha tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, thủ phủ của công nghiệp phía Nam hiện nay”, bà Hương cho biết.

Một phần của tài liệu tap-chi-nha-dau-tu-thang-6 (Trang 29)