Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tháng 5/2020, xuất nhập khẩu của Việt Nam mặc dù có sự cải thiện so với tháng 4/2020 nhưng vẫn sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 33,3 tỷ USD. Đây được xem là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (bao gồm cả dầu thô) giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 do tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch của cả ba nhóm ngành quan trọng đều giảm, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức giảm thấp nhất là 1,2% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp theo là đến nhóm hàng nông, thủy sản với mức giảm 4,7% và nhiên liệu khoáng sản có mức giảm cao nhất là 31,3%. Như vậy, không còn chỉ là giảm tốc nữa, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bị nhiều đối tác cắt
đơn hàng, xuất khẩu của Việt Nam càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quý II/2020.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,5%).
Như vậy tiếp nối tháng 4, hoạt động thương mại trong tháng 5 của Việt Nam mặc dù đã có những khởi sắc nhưng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng trong 5 tháng vẫn là những thị trường lớn như: Mỹ và Trung Quốc, trong khi đó những thị trường lớn khác như EU, ASEAN, Hàn Quốc lại giảm.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm tới gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Ngay sau khi dịch bùng phát, các sản phẩm trái cây chủ lực như thanh long, dưa hấu ngay lập tức ùn ứ, tồn đọng với số lượng lớn. Nếu dịch không được sớm kiểm soát, chỉ trong vòng một vài tháng tới, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các lời kêu gọi giải cứu
với các loại nông sản khác như vải thiều, măng cụt, dừa khi các nông sản này bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Báo cáo đánh giá tác động của dịch COVID-19 đưa ra trước đó của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho rằng, xuất khẩu quý I đầu năm sẽ giảm hơn 20% nếu dịch nCoV kết thúc cuối quý I, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 25%. Trường hợp dịch viêm phổi cuối quý II mới kết thúc, kim ngạch xuất khẩu dự báo giảm 20% so với cùng kỳ, riêng Trung Quốc giảm 56%.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước 4 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 2,33 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ trong bối cảnh doanh nghiệp phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với chuỗi và với người lao động khiến doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn và các sức ép lớn trong đợt dịch COVID-19.