Trong báo cáo trước Quốc hội sáng 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ nhiệm vụ “chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng chuyển dịch vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến”. Hy vọng rằng, những chủ trương đúng đắn trên sẽ được triển khai rốt ráo, bài bản để cơ hội mới không vuột đi mà biến thành lợi thế mới cho sự bứt phá của nước ta đi tới tương lai. Để góp phần đạt mục tiêu ấy, theo Giáo sư Trần Văn Thọ, thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam cần có luật về an ninh kinh tế trong bối cảnh thế giới, trong đó có Nhật Bản, có biện pháp ngăn Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp quan trọng. Trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế ngày 7/6/2020, Giáo sư Thọ nói rằng Việt Nam phải khẩn trương xây dựng lại toàn bộ chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI).
Liên quan đến việc Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa công bố về thực trạng doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc thông qua người có quốc tịch Việt Nam đứng tên mua và sở hữu nhà đất tại các khu vực có quan ngại về an ninh quốc phòng, vấn đề này đã được dân chúng nhận biết từ lâu. Bây giờ chính thức có công bố của Bộ Quốc phòng càng thấy tình hình trầm trọng lắm rồi. Một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng đó là do từ khi phân quyền về cấp địa phương duyệt xét và cấp giấy phép đầu tư nước ngoài (FDI). Trong quá trình đó đã có kẽ hở hoặc quá dễ dãi nên doanh nghiệp Trung Quốc đã có thể sở hữu đất nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Đã đến lúc phải ban hành luật về an ninh kinh tế, trong đó vừa ngăn ngừa nước ngoài đầu tư vào các lãnh vực nhạy cảm về an ninh, và có các điều khoản xử lý người trong nước tiếp tay cho nước ngoài lách luật để chi phối kinh tế hoặc gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Khi một số lượng lớn các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc thì có phải họ rút hết về nước họ đâu. Chỉ một phần thôi và một phần khác là họ đi tìm những nước thứ ba và Việt Nam là một trong những nước họ muốn chọn lựa. Doanh nghiệp từ các nước tiên tiến Âu Mỹ và Nhật Bản ngoài vốn đầu tư thì họ có văn hóa kinh doanh lâu đời, có công nghệ cao, có trách nhiệm xã hội trong đó có ý thức bảo vệ môi trường, nhất là những doanh nghiệp đa quốc gia tầm cỡ đã xác lập thanh danh trên thị trường thế giới.
GS. Trần Văn Thọ cũng đề cập tới bốn tiêu chí là (1) FDI phải được đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh, (2) tạo điều kiện để nhiều dự án FDI lập ra theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước, (3) liên kết giữa FDI với các công ty trong nước và (4) đánh giá FDI xem đa số các dự án đến từ các nước tiên tiến hay là từ các nước mới phát triển xung quanh Việt Nam. Trong đó, tiêu chí 2 và 3 là liên quan tới nội lực của Việt Nam. Tức là nội lực trong nước phải mạnh thì mới liên kết và phát huy được nhằm có hiệu quả nhất với FDI. Còn tiêu chí thứ nhất rất quan trọng là FDI phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, nghĩa là tùy theo giai đoạn phát triển kinh tế mà nội dung, tính chất của FDI phải khác. Giáo sư Trần Văn Thọ cũng đưa ra một phép so sánh: Trong thời kỳ mới bắt đầu đổi mới cho đến khi gia nhập WTO thì Việt Nam sợ FDI chi phối nền kinh tế thành ra luật nói chung không thông thoáng và khi áp dụng lại gây khó dễ cho nhà đầu tư, việc xét duyệt cấp phép rất phức tạp và tốn thời gian. Việc này làm nản lòng nhiều doanh nghiệp lớn từ các nước tiên tiến. Tuy nhiên từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì lại dễ dãi quá trong đó có phân quyền xuống các địa phương. Các địa phương tranh nhau dự án, xem việc thu hút số lượng dự án FDI là thành quả phát triển của địa phương mình.