8. Đóng góp của đề tài
1.4. Lý luận về khó khăn tâm lý trong giao tiếp với bạn bè của thiếu niên
Khi nghiên cứu lý luận về khó khăn tâm lý của thiếu niên trong giao tiếp với bạn bè, tác giả chỉ đề cập đến một số khó khăn xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của các em, điều kiện gia đình, nhà trường và nhóm bạn. Những khó khăn này có thể xem là những “rối nhiễu” nhẹ, tạm thời, các em hoàn toàn có thể vượt qua nếu có nhận thức đúng đắn, sự cố gắng điều chỉnh cùng sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường và bạn bè. Tuy nhiên, nếu những khó khăn này kéo dài, không được giải quyết sẽ gây ra cho các em những khó khăn lớn hơn.
1.4.1. Khó khăn nhận thức
Khác với học sinh nhỏ, thiếu niên có nhu cầu tìm hiểu, nhận xét, đánh giá về những đặc điểm của bản thân. Từ đó, tìm ra những ưu khuyết điểm của mình. Trên cơ sở đó mà thể hiện sự hài lòng hay không hài lòng với bản thân. Sự đánh giá này có thể theo hai hướng: Một là đánh giá đúng những đặc điểm của các em, chấp nhận những thiếu sót và cố gắng điều chỉnh nó. Hai là đánh giá không đúng: đánh giá quá thấp hoặc quá cao bản thân, từ đó dẫn đến những khó khăn nhất định trong giao tiếp với bạn bè. Những em đánh giá thấp bản thân thường thấy mình không có ưu điểm gì, còn những em luôn đánh giá cao bản thân thì lại thường thấy mình giỏi hơn các bạn. Nhìn chung, thiếu niên thường có xu hướng tự đánh giá mình cao hơn so với hiện thực, các em thích thổi phồng những khả năng của mình, thích chứng tỏ trước bạn bè.
Để chứng tỏ với bạn bè, thiếu niên thường tỏ ra bướng bỉnh ngang tàng, thậm chí là có những hành động nguy hiểm mà các em hay nhầm lẫn là gan dạ, dũng cảm. Cũng xuất phát từ đặc điểm này, các em hay ngưỡng mộ và thích kết giao với những bạn có tính cách mạnh mẽ, “anh hùng”. Chính những suy nghĩ nông nổi và những đánh giá không đúng đó mà các quyết định của thiếu niên ít dẫn đến thành công, những thất bại nho nhỏ, những xích mích vụn vặt cũng có thể làm các em thất vọng, chán nản, dễ dẫn đến những hành vi nông nổi.
Song song với những đặc điểm trên, một điểm hạn chế nữa ở tuổi thiếu niên là các em không nhận diện được những cảm xúc bản thân và nguyên nhân của nó. Một phần là do các em chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết về vấn đề này.
Bên cạnh khả năng tự đánh giá, thiếu niên thường đánh giá người khác và bạn bè. Khả năng này thường đầy đủ và chính xác hơn khả năng tự đánh giá. Thiếu niên đánh giá bạn cả về hình thức lẫn những phẩm chất bên trong.
Đánh giá đúng những đặc điểm đó sẽ tạo điều kiện cho quá trình giao tiếp ứng xử của các em đạt hiệu quả. Tuy nhiên không phải tất cả các em đều có khả năng này, nhất là đối với những em có khả năng thích nghi kém, không có những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp, các em thiếu những thông tin cần thiết về bạn, vì vậy mà không lý giải được những cảm xúc, hành vi của bạn, làm cho bạn có thể hòa điệu với những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Các em càng không thể làm bạn thay đổi nhận thức, tình cảm, hành vi theo mong muốn của mình – mục đích của giao tiếp với bạn.