8. Đóng góp của đề tài
1.3.1.1. Khủng hoảng ở lứa tuổi thiếu niên
Tuổi thiếu niên được xác định vào khoảng từ 12, 13 đến 15, 16 tuổi. Đây là quãng đời diễn ra nhiều “biến cố” đặc biệt, có những thay đổi lớn, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Các em không còn là trẻ con, cũng chưa phải người lớn, do đó các nhà tâm lý còn gọi thời kì này là thời kỳ quá độ, chuyển tiếp từ trẻ con lên người lớn.
Lứa tuổi này được gọi với nhiều tên gọi khác nhau: “tuổi khó bảo”, “tuổi khủng hoảng”,…
Nội dung cơ bản của sự khác biệt ở lứa tuổi thiếu niên so với lứa tuổi khác là sự phát triển mạnh mẽ nhưng không đồng đều về mặt cơ thể, sự phát dục và hình thành những nét mới về trí tuệ, tình cảm, nhân cách… Sự xuất hiện những yếu tố mới của sự trưởng thành do kết quả của sự biến đổi cơ thể, sự tự ý thức các kiểu quan hệ với người lớn, với bạn bè, của hoạt động học tập, hoạt động xã hội…
Sự phát triển nhân cách ở lứa tuổi này là tính tích cực xã hội mạnh mẽ nhằm lĩnh hội những giá trị, chuẩn mực nhất định và xây dựng những mối quan hệ thỏa đáng với gia đình, với bạn bè, với tất cả mọi người để hình thành nhân cách của bản thân. Do đó để định hướng sự phát triển của các em, các nhà giáo dục và cha mẹ cần phải giúp đỡ các em, đi sâu vào thế giới nội tâm để tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, sở thích, hứng thú của các em, từ đó tìm biện pháp đúng đắn chỉ bảo hướng dẫn các em vào các hoạt động có ích.
K.Lewin (Mỹ) đã xem xét vị trí của trẻ em trong xã hội hiện đại và xem xét kiểu chuyển tiếp có mâu thuẫn sang tuổi trưởng thành theo quan điểm về vị trí của nhóm trẻ em và nhóm người lớn trong xã hội, về quyền hạn và đặc quyền của người lớn. Ông xác nhận tính phân ly của những nhóm này và cho rằng trẻ ở nhóm thiếu niên có nguyện vọng được chuyển sang nhóm người lớn và được chuyển một vài đặc quyền mà trẻ con không có được, nhưng người lớn chưa chấp nhận, vì vậy, thiếu niên ở vào vị trí giữa các nhóm. Lewin coi sự hiện diện của các mâu thuẫn phụ thuộc vào những yếu tố xã hội – đó là sự phân định ranh giới rõ rệt giữa nhóm trẻ em và nhóm người lớn trong xã hội và trường độ của thời kỳ thiếu niên nằm ở vị trí giữa các nhóm đó.
Tư tưởng của K.D.Lewin về sự “mất vị trí” của thiếu niên hiện nay được N.Koulmen và các nhà tâm lý học nước ngoài phát triển thêm. Họ cho rằng ở thiếu niên tồn tại một “nền văn hóa phụ” đặc biệt, nghĩa là có xã hội của thiếu niên trong xã hội người lớn.
L.X Vưgôtxki đưa ra giả thuyết về sự không trùng lặp của 3 điểm trưởng thành: trưởng thành về giới tính, trưởng thành về cơ thể nói chung và trưởng thành về mặt xã hội. Đây là những điểm cơ bản và là mâu thuẫn cơ bản của tuổi thiếu niên. Những người theo quan điểm duy vật coi sự phát triển như một quá trình có sự thống nhất giữa mặt tâm lý và nhân cách, sự thống nhất
giữa cái xã hội và cái tự nhiên trong từng bước phát triển của trẻ em. LX Vưgôxki đặt ra những vấn đề hoàn toàn mới khi nghiên cứu lứa tuổi thiếu niên, ông cho rằng cần thiết phải tách ra những cấu thành mới trong ý thức của thiếu niên và giải thích rõ hoàn cảnh xã hội của sự phát triển mà trong mỗi lứa tuổi hoàn cảnh này là một hệ thống có một không hai của những quan hệ giữa trẻ và môi trường. Ông giả định rằng, sự cải tổ hệ thống những quan hệ này là nội dung chủ yếu của sự khủng hoảng của lứa tuổi thiếu niên chuyển tiếp.
Quan điểm duy vật đưa ra đặc trưng và tiêu chuẩn để xác định thời kỳ phát triển hay độ tuổi cụ thể của đứa trẻ là những cấu trúc tâm lý mới, đặc trưng cho bản chất của mỗi lứa tuổi. Những cấu trúc mới ở mỗi lứa tuổi được xem như một dạng cấu tạo mới của nhân cách và hoạt động của nó. Đó là những biến đổi tâm lý xã hội, xuất hiện lần đầu tiên ở mỗi một độ tuổi nhất định, quy định ý thức của trẻ, quan hệ của nó với môi trường. Sự phát triển của trẻ trải qua từng giai đoạn, có những giai đoạn sự phát triển diễn ra chậm hoặc ít có sự biến đổi rõ rệt. Ở những giai đoạn đó, nhìn chung sự thay đổi bên trong diễn ra nhẹ nhàng, uyển chuyển, khó nhận thấy, sự thay đổi rất nhỏ trong nhân cách của trẻ. Những thay đổi đó được tích lũy đến một giai đoạn nhất định, sau đó thể hiện rõ cấu trúc mới của lứa tuổi.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận thực tế rằng: có sự tồn tại của những giai đoạn khủng hoảng trong sự phát triển của trẻ - đặc trưng bởi một dạng phát triển khác – khủng hoảng. Khủng hoảng được nhiều nhà giáo dục nhìn nhận như “căn bệnh” phổ biến, là sự lệch khỏi con đường phát triển bình thường. Trong giai đoạn khủng hoảng (vài tháng, 1 năm, 2 năm), có sự biến đổi rất mạnh mẽ trong nhân cách của trẻ. Có thể xem đây là một bước ngoặc lớn trong quá trình phát triển của trẻ. Trong thời gian rất ngắn, trẻ thay đổi gần như hoàn toàn những nét cơ bản của nhân cách.
Theo Vưgôtxki, đặc điểm đầu tiên của giai đoạn khủng hoảng thể hiện ở chỗ: ranh giới để phân chia mở đầu và kết thúc khủng hoảng với các lứa tuổi cận kề hầu như không xác định, mặt khác tính chất căng thẳng của khủng hoảng thường diễn ra vào giữa giai đoạn lứa tuổi này. Các giai đoạn khủng hoảng đều có sự thay đổi rất lớn về thể chất và tâm sinh lý, nhờ đó mà phân biệt rõ thời kỳ phát triển ổn định và thời kỳ khủng hoảng trong quá trình phát triển của trẻ. Đặc điểm thứ hai của lứa tuổi khủng hoảng là phần lớn trẻ em trong giai đoạn này đều rất khó giáo dục. Các tác động giáo dục dường như tỏ ra không hiệu quả với trẻ. Trong giai đoạn khủng hoảng lứa tuổi thiếu niên, các em thường bướng bỉnh, khó bảo; khả năng học tập và làm việc giảm sút.
Tuy nhiên, trong thực tế, những điều đó không nhất thiết phải xảy ra. Ở những đứa trẻ khác nhau, giai đoạn khủng hoảng diễn ra khác nhau. Trong thời kỳ khủng hoảng, kể cả những trẻ có hoàn cảnh xã hội giống nhau thì sự phát triển cũng khác nhau. Ở nhiều trẻ, ít thấy những biểu hiện khó giáo dục hay kết quả học tập giảm sút. Những điều kiện bên ngoài sẽ quy định tổ chức cụ thể của sự phát sinh và diễn biến của giai đoạn khủng hoảng. Sự khủng hoảng được thể hiện rất đa dạng. Nó không phải do sự thiếu vắng một điều kiện đặc biệt nào đó bên ngoài mà do logic của chính quá trình phát triển bên trong tạo sự cần thiết của các giai đoạn khủng hoảng, biến đổi trong đời sống của trẻ.
Trong những thời điểm khủng hoảng, trẻ trở nên khó giáo dục bởi vì sự thay đổi của hệ thống giáo dục thường không bắt kịp sự phát triển của trẻ. Do đó đòi hỏi sự thay đổi cách giáo dục của người lớn đối với trẻ trong các giai đoạn khủng hoảng (bước ngoặc phát triển). Sự phát triển không bao giờ dừng lại và cũng chính trong các giai đoạn khủng hoảng chúng ta thấy được quá trình phát triển mang tính xây dựng theo hướng tích cực.
Khủng hoảng bao gồm 3 giai đoạn: tiền khủng hoảng, khủng hoảng và sau khủng hoảng. Nếu người lớn biết được, đón nhận và thay đổi thái độ, phương pháp giáo dục thì trong khủng hoảng và sau khủng hoảng sẽ là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhân cách của thiếu niên.
Sự phát triển trong lứa tuổi khủng hoảng thể hiện ở sự xuất hiện những nét tâm lý mới mang tính đặc thù và chuyên biệt rất cao. Những cấu trúc tâm lý mới này sẽ có mặt trong sự phát triển nhân cách của trẻ ở các giai đoạn tiếp theo. Ở tuổi thiếu niên, dậy thì là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, là thời kỳ có sự biến đổi lớn trong nhân cách.
Như vậy, sự khủng hoảng trong lứa tuổi thiếu niên là sự tích lũy dần dần những điều kiện khách quan, những điều kiện của sự biểu hiện và diễn biến của thời kỳ thiếu niên được quy định bởi những điều kiện xã hội cụ thể và chính sự phát triển của các em.