8. Đóng góp của đề tài
2.3. Một số biện pháp giúp học sinh vượt qua khó khăn tâm lý trong giao
tiếp với bạn bè
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu thực tiễn, tác giả đề xuất một số biện pháp giúp học sinh vượt qua khó khăn tâm lý trong giao tiếp với bạn bè.
2.3.1. Một số biện pháp khắc phục khó khăn nhận thức
Kết quả khảo sát cho thấy học sinh lớp 8, 9 trường THCS Hiệp Hòa gặp những biểu hiện khó khăn nhận thức là:
+ Giữ lời hứa với bạn trong mọi trường hợp + Thấy mình không có ưu điểm gì
Để khắc phục những khó khăn nhận thức của học sinh, phụ huynh và giáo viên cần giúp các em hiểu rằng không phải lúc nào giữ lời hứa với bạn cũng là một việc làm đúng đắn. Hãy chỉ ra cho các em thấy có những trường hợp giữ lời hứa đồng nghĩa với việc bao che cho việc làm xấu của bạn và có thể làm hại bạn.
Đối với những học sinh thiếu tự tin, phụ huynh, giáo viên và tập thể lớp, nhóm bạn cần giúp các em khám phá ra mặt mạnh của mình:
+ Động viên, khích lệ mỗi khi các em làm tốt + Tổ chức các buổi dạy về kỹ năng tự nhận thức
Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía gia đình, nhà trường, bạn bè, bản thân học sinh cần:
+ Tự nâng cao kỹ năng nhận thức bản thân nhằm tìm ra và phát huy những ưu điểm của bản thân.
+ Chấp nhận và yêu thương chính mình. Mỗi người đều có những ưu và khuyết điểm nhất định. Điều quan trọng là phải biết phát huy ưu điểm, đồng thời tìm ra những khuyết điểm để chấp nhận và khắc phục nó. Hãy thử liệt kê ra giấy những ưu điểm của bản thân để thấy mình cũng có rất nhiều phẩm chất đáng quý. Bằng cách này, các em sẽ thấy tự tin vào bản thân hơn.
+ Không nên so sánh mình với các bạn khác: Càng so sánh, các em sẽ càng tự ti hơn mà thôi. Hãy tự hào vì mình là chính mình chứ không phải một ai khác.
+ Trước bất kì việc gì, các em hãy dũng cảm nói: “Mình có thể” nếu thật sự cảm thấy mình làm được và cần phải cố gắng hết mình. Đừng bao giờ ngần ngại đối mặt với khó khăn, thử thách. Có thể các em sẽ thất bại nhưng cái nhận được sẽ là kinh nghiệm.
+ Tích cực học tập, trao dồi kiến thức là điều rất quan trọng để có thêm sự tự tin. Chịu khó đọc sách, nghiên cứu tài liệu, các em sẽ hiểu biết và thành công hơn trong giao tiếp với bạn. Bạn bè xung quanh cũng sẽ tin tưởng vào năng lực của các em.
+ Tin vào chính mình, không nên nghi ngờ bản thân.
+ Phát huy tối đa ý chí, bản lĩnh, khát vọng của bản thân và nỗ lực hết mình để làm điều đó.
2.3.2. Một số biện pháp khắc phục khó khăn cảm xúc
Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi nhận thấy học sinh lớp 8, 9 gặp nhiều khó khăn trong việc kềm chế cảm xúc và thường rơi vào những tâm trạng, cảm xúc tiêu cực như: giận dữ, hụt hẫng, buồn chán, mất tự tin, làm ảnh hưởng đến giao tiếp với bạn bè.
Để giải quyết được những khó khăn trên, trước hết học sinh cần nhận ra mình đangtrải qua cảm xúc nào. Điều này là vô cùng quan trọng bởi cảm xúc là "chất keo" kết nối học sinh và bạn bè với nhau, là nền tảng để học sinh hiểu chính mình đồng thời nó liên quan đến khả năng giao tiếp với bạn bè. Khi học sinh nhận thức và kiểm soát được cảm xúc của mình thì các em có thể suy nghĩ rõ ràng và sáng tạo; quản lý sự căng thẳng, giận dữ; vượt qua tâm trạng buồn chán, tạo nên sự tự tin và dễ dàng giao tiếp tốt với các bạn. Ngược lại, nếu học sinh không kiềm chế được cảm xúc, các em rất dễ rơi vào tâm trạng nặng nề, stress, thậm chí là trầm cảm hoặc rơi vào trạng thái mất bình tĩnh, giận dữ, có những ứng xử không hay, dẫn đến đánh mất những tình bạn tốt đẹp. Bằng cách học để nhận biết, quản lý và đối phó với cảm xúc của mình, các em sẽ tận hưởng nhiều niềm vui trong cuộc sống và có nhiều mối quan hệ bạn bè tốt đẹp.
Song song đó, học sinh phải tìm hiểu những đặc điểm tâm sinh lý của chính lứa tuổi mình. Việc này cũng không kém phần quan trọng vì đặc điểm
tâm sinh lý của học sinh là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những cảm xúc tiêu cực của các em. Khi học sinh biết được điều này, các em sẽ không phải hoang mang, lo lắng, nghi ngờ bản thân. Sau đây là một số bước, biện pháp cụ thể giúp học sinh giảm bớt những khó khăn về mặt cảm xúc.
Khi rơi vào trạng thái giận dữ, mất bình tĩnh vì bị bạn bè trêu chọc, khích bác hay nói xấu, học sinh có thể thực hiện những cách sau:
+ Thừa nhận rằng mình đang giận dữ, mất bình tĩnh. Chỉ khi học sinh thừa nhận rằng mình đang giận dữ và sự giận dữ này có thể dẫn đến những hệ quả về sau (đánh mất đi tình bạn) thì các em mới có thể thay đổi nó.
+ Nhìn sự việc một cách khách quan, nhắc nhở mình rằng có thể bạn không cố ý và bất kỳ ai cũng có thể mắc sai lầm.
+ Sử dụng các kỹ năng kiểm soát cơn giận nhằm làm gián đoạn sự giận dữ đang bùng phát.
- Tạm dừng - Hít thở sâu
- Tự nói rằng mình có thể vượt qua sự giận dữ - Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực
+ Né tránh đi chỗ khác hoặc phớt lờ xem như không nghe bạn đang trêu chọc hay khích bác mình. Hãy để cảm xúc của mình lắng xuống rồi mới nói chuyện với bạn.
+ Học cách tha thứ
Tha thứ là một cách giúp các em thấy thoải mái hơn và cũng để giữ được tình bạn.
Bên cạnh đó, để thoát khỏi những tâm trạng buồn chán, hụt hẫng, học sinh nên chủ động tìm cách giải tỏa, không nên để tâm trạng này kéo dài bởi
điều này sẽ dẫn đến rối nhiễu lớn hơn về mặt cảm xúc. Sau đây là một vài cách học sinh có thể áp dụng để thoát khỏi tâm trạng này:
+ Trò chuyện với bạn bè, nhất là những người bạn thân biết lắng nghe, thảo luận với bạn về vấn đề mà cả hai cùng quan tâm, hứng thú. Khi trò chuyện , chia sẻ với bạn những điều này, các em sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
+ Tham gia vào các hoạt động vui tươi, lành mạnh, làm những việc mình yêu thích hoặc bất cứ việc gì có ích. Trong quá trình làm, các em sẽ dần quên đi những cảm xúc tiêu cực này.
+ Nghĩ về những chuyện vui trong quá khứ hoặc tương lai
+ Nhìn thẳng vào vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân của cảm xúc này và nỗ lực vượt qua nó.
2.3.3. Một số biện pháp khắc phục khó khăn ứng xử
Ứng xử là sự biểu hiện của nhận thức và cảm xúc, do vậy muốn khắc phục được những khó khăn về mặt ứng xử trước tiên học sinh phải có nhận thức đúng đắn, cảm xúc phù hợp. Thêm vào đó, muốn thay đổi được cách ứng xử trong giao tiếp với bạn bè, học sinh cần sự kiên nhẫn, rèn luyện và quyết tâm, không phải chỉ trong thời gian ngắn là có thể sữa đổi được.
Để giảm bớt những khó khăn tâm lý trong ứng xử với bạn, học sinh nên: + Tham gia các khóa học kỹ năng giao tiếp ứng xử
+ Thực hành giảm dần tần suất những hành vi ứng xử chưa phù hợp, học sinh có thể nhờ bạn bè giám sát sự thay đổi tần suất những hành vi đó
+ Tập phát biểu ý kiến trước lớp, trước nhóm bạn, rèn luyện khả năng diễn đạt suy nghĩ, bảo vệ ý kiến của mình
+ Thường xuyên nhắc lại quan điểm của mình, bình tĩnh diễn đạt điều mình muốn và nhắc lại điều này nhiều lần theo mức độ cần thiết, bằng cách này, các em có thể tránh được những rắc rối và tranh luận không cần thiết
+ Tập hợp thêm nhiều lý lẽ để củng cố ý kiến, quan điểm của mình
+ Thể hiện sự giao tiếp bằng mắt, chú trọng tư thế, tác phong bên ngoài Bên cạnh đó, đối với những học sinh hay phá phách, trêu chọc bạn bè, phụ huynh và giáo viên cần thường xuyên nhắc nhở hoặc trách phạt, tùy vào mức độ nặng nhẹ.
Các khó khăn tâm lý luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế muốn khắc phục những khó khăn tâm lý trong giao tiếp với bạn của học sinh cần có sự phối hợp của nhiều biện pháp, tác động vào nhiều mặt đồng thời cần có sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, nhà trường, bạn bè cũng như nỗ lực của bản thân các em.
KẾT LUẬN – KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Từ kết quả nghiên cứu thực trạng có thể rút ra những kết kết luận sau:
1.1. Học sinh lớp 8, 9 trường trung học cơ sở Hiệp Hòa gặp một số khó khăn tâm lý trong giao tiếp với bạn. Các biểu hiện khó khăn diễn ra ở các mặt nhận thức, cảm xúc. Riêng đối với khó khăn ứng xử, căn cứ vào mức trung bình khó khăn, một số biểu hiện khó khăn có xảy ra ở mức độ “Thỉnh thoảng”. Nhưng khi chúng tôi thực hiện tính mức độ khó khăn ứng xử theo nhóm thì nó chỉ xảy ra ở mức độ “Không bao giờ” với điểm trung bình cao (TB: 1,46).
Các biểu hiện khó khăn xảy ra ở mức “thỉnh thoảng”, trong đó, mức độ khó khăn cảm xúc cao nhất (TB: 1,89), mức độ khó khăn nhận thức xếp thứ hai (TB: 1,64) và mức độ khó khăn thích nghi xếp thứ ba (TB: 1,53). Các biểu hiện khó khăn tiêu biểu ở các mặt là:
+ Về khó khăn nhận thức
- Giữ lời hứa với bạn trong mọi trường hợp - Thấy mình không có ưu điểm gì
+ Về mặt cảm xúc
- Giận dữ và mất bình tĩnh khi bạn bè trêu chọc (TB: 2,05) - Hụt hẫng khi bạn bè xa lánh (TB: 2,05)
- Dễ mất tự tin (TB: 1,94)
- Bối rối khi trò chuyện với bạn khác giới (TB: 1,87) + Về mặt ứng xử
- Hay lúng túng trong cử chỉ, lời nói (TB: 1,89) - Không giữ vững lập trường khi ở số ít (TB: 1,77) - Hay phá phách (TB: 1,51)
1.2. Các yếu tố giới tính, khối lớp, học lực, hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế gia đình nhìn chung có ảnh hưởng đến KKTL trong GT của học sinh lớp 8, 9 trường THCS Hiệp Hòa. Trong đó, hoàn cảnh sống là yếu tố ảnh hưởng đến KKTL biểu hiện ở tất cả các mặt nhận thức, cảm xúc, ứng xử của học sinh.
1.3. Khi gặp những khó khăn tâm lý trong giao tiếp với bạn, học sinh sẽ tự mình giải quyết trước rồi mới tìm đến bạn bè, cha mẹ, thầy cô nhờ giúp đỡ.
Có sự khác biệt có ý nghĩa về mức độ giải quyết khó khăn giữa học sinh nam và học sinh nữ, giữa học sinh lớp 8 và học sinh lớp 9.
1.4. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến KKTL trong GT với bạn của HS lớp 8, 9 trường THCS Hiệp Hòa, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, trong đó tỷ lệ lựa chọn cao tập trung vào một số nguyên nhân sau:
+ Do thiếu kỹ năng về giao tiếp + Do khả năng kểm chế cảm xúc kém + Do thiếu sự quan tâm của cha mẹ + Do kết quả học tập thấp
1.5. Nhìn chung, học sinh trường THCS Hiệp Hòa hài lòng trong các mối quan hệ với bạn bè, nhất là mối quan hệ với bạn cùng giới (TB: 3,93)
2. Kiến nghị
Từ kết quả nghiên cứu thực trạng, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị về phía gia đình, nhà trường và học sinh như sau:
2.1. Về phía gia đình
Cần quan tâm đến vấn đề giao tiếp với bạn của các em, nhất là về mặt nhận thức, cảm xúc.
- Thường xuyên trò chuyện, trao đổi để tìm hiểu những suy nghĩ, tình cảm của các em.
- Quan sát những biểu hiện cảm xúc, ứng xử hàng ngày để kịp thời phát hiện những khó khăn tâm lý của học sinh.
- Xây dựng môi trường gia đình hòa thuận để học sinh nhận được sự quan tâm của cả cha lẫn mẹ.
- Cải thiện điều kiện kinh tế gia đình để học sinh có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt.
- Theo dõi việc học tập của học sinh, phối hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nhằm giúp các em có kết quả học tập thấp.
- Động viên, khích lệ trẻ vượt qua khó khăn.
2.2. Về phía nhà trường
Nhà trường là nơi mà học sinh gặp gỡ, giao lưu với các bạn nhiều nhất. Để giúp học sinh có được môi trường học tập tốt cũng như có các mối quan hệ thuận lợi với bạn bè, tập thể lớp, nhóm bạn, nhà trường cần:
- Giúp đỡ những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn có điều kiện học tập tốt
- Giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm, giúp đỡ những em có kết quả học tập kém
- Tổ chức các buổi học về kỹ năng giao tiếp
- Thành lập phòng tham vấn học đường để giúp các em bày tỏ và giải quyết những khó khăn tâm lý trong cuộc sống.
+ Tổ chức các cuộc thi hùng biện nhằm giúp học sinh phát huy khả năng, rèn luyện sự tự tin, thích ứng với những điều kiện, hoàn cảnh mới.
+ Giáo dục, hướng dẫn học sinh cách chọn bạn (thông qua các tiết học Giáo dục công dân, các buổi sinh hoạt ngoài giờ)
+ Tổ chức các nhóm học tập, các phong trào tập thể tạo sự gắn kết giữa học sinh với nhau.
2.3. Về phía bản thân học sinh
- Học sinh cần tự tìm hiểu và trang bị cho mình những tri thức và kỹ năng về giao tiếp, nhất là các kỹ năng về kềm chế cảm xúc.
- Khi gặp những khó khăn trong GT với bạn mà không thể tự mình tháo gỡ, học sinh có thể tìm đến sự giúp đỡ của những người tin cậy và nhà tham vấn học đường.
- Tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp, nhóm bạn để rèn luyện sự tự tin, năng động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Anh (chủ biên, 2007), Hoạt động – Giao tiếp – Nhân cách, NXB Đại học Sư phạm.
2. Hoàng Anh (chủ biên, 2004), Giáo trình Tâm lí học giao tiếp, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
3. Lê Thị Bừng – Hải Vang (1997), Tâm lý học ứng xử, NXB Giáo dục. 4. Nguyễn Ngọc Bích (1998), Tâm lí học nhân cách, Một số vấn đề lý luận,
NXB Giáo dục Hà Nội.
5. Phạm Khắc Chương, Phạm Văn Hùng, Phạm Văn Chín (1999), Giáo dục gia đình, NXB Giáo dục.
6. Việt Dũng (2006), Tâm lý bất thường của thiếu niên – Những điều bạn cần biết, NXB Lao động.
7. Nguyễn Văn Đồng (2004), Tâm lí học phát triển, NXB Chính trị Quốc gia.
8. Chiến lược chăm sóc sức khỏe trẻ em 2001 – 2010
9. Daniel Goleman, Trí tuệ xúc cảm ứng dụng trong công việc, NXB Tri thức.
10. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng (2004), Tâm lý học lứa tuổi và Tâmlý học sư phạm, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
11. Phạm Minh Hạc (1997), Tâm lý học Vưgôtxki - Tập 1, NXB Giáo dục. 12. Phạm Minh Hạc (1995), Tâm lý học, NXB Giáo Dục – Hà Nội.
13. Bùi Văn Huệ, (1996), Tâm lý học, Đại học Quốc Gia Hà Nội
14. Vũ Ngọc Hà (2003), Một số trở ngại tâm lý của trẻ khi vào học lớp 1, Tạp chí Tâm lý học số 4.
15. Ngô Công Hoàn (chủ biên, 2004), Những trắc nghiệm tâm lý tập I (Trắc nghiệm về trí tuệ), NXB Đại học Sư phạm.
16. Ngô Công Hoàn (chủ biên, 2004), Những trắc nghiệm tâm lý tập II (Trắc nghiệm nhân cách), NXB Đại học Sư phạm.
17. Trần Hiệp (chủ biên, 1991), Tâm lý học xã hội - Mấy vấn đề lý luận, NXB Khoa học Xã hội.
18. Nguyễn Thị Thiên Kim (2007), Khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sỹ Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM.
19. Đặng Phương Kiệt (1996), Tiếp cận và đo lường tâm lý, NXB Khoa học