Khái quát đặc điểm kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc việt nam trong xây dựng nông thôn mới (Trang 33 - 38)

Tỉnh Nghệ An nằm trong tọa độ 18035’00 đến 20000’10’’ vĩ độ Bắc và từ 103050’25’’. Với diện tích 16.490,25 km2, đứng thứ ba cả nước sau Đắc Lắc và Lai Châu. Địa hình Nghệ An rất đa dạng, trong đó núi đồi trung du chiếm 70% diện tích. Sản xuất nông nghiệp có độ màu mỡ thấp, một số bị nhiễm mặn. Nghệ An nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa và khắc nghiệt hơn các vùng khác. Mùa hè nắng và gió Lào khô nóng, mùa đông rét và mưa dầm. lũ lụt, giông bão, hạn hán thường xảy ra.

Dân số Nghệ An hơn 3,1 triệu người (tính đến năm 2010), đứng thứ tư cả nước; Ở Nghệ An người Kinh chiếm đa số còn các dân tộc Thái, Thổ, H’Mông, Khơ Mú, Ơ Đu với khoảng 350.000 người sinh sống.

Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, giáp tỉnh Thanh Hóa ở phía Bắc, tỉnh Hà Tĩnh ở phía Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở phía Tây với 419 km đường biên giới trên bộ; bờ biển ở phía Đông dài 82 km. Vị trí này tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong mối giao lưu kinh tế - xã hội Bắc - Nam, xây dựng và phát triển kinh tế biển, kinh tế đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế. Nghệ An nằm trên các tuyến đường quốc lộ Bắc - Nam (tuyến quốc lộ 1A dài 91 km đi qua các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thành phố Vinh; đường Hồ Chí Minh chạy song song với quốc lộ 1A dài 132 km đi qua các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương và thị xã Thái Hòa; quốc lộ 15 ở phía Tây dài 149 km chạy xuyên suốt tỉnh); các tuyến quốc lộ chạy từ phía Đông lên phía Tây, nối với nước bạn Lào thông qua các cửa khẩu (Qquốc lộ 7 dài 225 km, Quốc lộ 46 dài 90 km, Quốc lộ 48 dài trên 160 km). Tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 94 km chạy qua.

Từ năm 1976 đến năm 1991 Nghệ An và Hà Tĩnh được sát nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ tháng 8 - 1991 Nghệ An lại được tách riêng thành một tỉnh.

Tỉnh Nghệ An có 1 thành phố loại I (TP. Vinh), 3 thị xã (Cửa Lò, Thái Hòa, Hoàng Mai) và 17 huyện: 10 huyện miền núi (Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ

Hợp, Nghĩa Đàn) và 7 huyện đồng bằng (Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành).

Với vị trí như vậy, Nghệ An đóng vai trò quan trọng trong giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hóa với cả nước và các nước khác trong khu vực, nhất là các nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc, là điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Về tôn giáo ở Nghệ An chủ yếu là đạo Công giáo. Đồng bào công giáo cư trú ở 13/19 huyện, thành thị và sinh sống ở 183 xã. Trong tiến trình lịch sử đồng bào theo và không theo tôn giáo và các dân tộc ở Nghệ An có truyền thống cùng nhau đoàn kết đấu tranh để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Trên lĩnh vực kinh tế trong những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Trước hết, về tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự chuyển dịch đúng hướng trong các ngành, các lĩnh vực.

Trong 5 năm 2005 - 2010, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt bình quân 9,75%/năm, trong khi đó, bình quân GDP cả nước đạt 6,9% ; bình quân GDP đầu người năm 2010 đạt 14,16 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa: tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 29,30% năm 2005 lên 33,47% năm 2010; tỷ trọng nông nghiệp từ 34,41% năm 2005 xuống còn 28,87% năm 2010. Tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 36,29% lên 37,66% năm 2010 [52;2].

Thứ hai, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được tăng cừng.

Về giao thông: Tuyến Quốc lộ số 1, Quốc lộ 48, Quốc lộ 7, Quốc lộ 46, Quốc lộ 15, cảng Cửa Lò, sân bay Vinh, cầu Bến Thuỷ 2, đường nối Quốc lộ 7 - Quốc lộ 48, đường Quốc lộ 1 - Đông Hồi, đường ven Sông Lam, đường phía Tây Nghệ An, Châu Thôn - Tân Xuân và 18 tuyến vào các xã chưa có đường ôtô đều được đầu tư xây dựng và nâng cấp.

Về thuỷ lợi: Nhiều công trình thuỷ lợi lớn được đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp các cụm hồ đập lớn ở Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, hồ Sông Sào, hệ thống Thuỷ nông Bắc, Thuỷ lợi Nam… Kiên cố hoá 4.420 km kênh mương, đưa tổng diện tích tưới lên 225.000ha, trong đó diện tích tưới ổn định 175.000 ha.

Về nước sạch: Nhà máy nước Vinh đã được đầu tư nâng cấp lên 6 vạn m3/ngày đêm, xây dựng 10 nhà máy nước (ở thị xã Cửa Lò và các thị trấn huyện). Tỷ lệ số dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 85%.

Về điện: Tập trung đầu tư xây dựng một số công trình lớn, như trạm 110KV Thanh Cương, Diễn Châu, cải tạo lưới điện thành phố Vinh, khu công nghiệp Nam Cấm, xây dựng thêm 78 công trình, trong đó đưa điện về xã 16 công trình, 642 km đường dây hạ thế và trạm biến áp... Đến nay có 20/20 huyện, thành, thị và 460 xã có điện lưới quốc gia.

Thứ ba, văn hóa xã hội được chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.

Trong giáo dục đào tạo đã có sự chuyển biến rõ rệt: Thực hiện cuộc vận động “hai không” trong giáo dục và đào tạo bước đầu có hiệu quả; chất lượng giáo dục mũi nhọn và toàn diện được nâng lên; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp, đỗ cao đẳng, đại học, số học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi quốc gia năm sau cao hơn năm trước; đạt mục tiêu 20/20 huyện, thành, thị được công nhận phổ cập Trung học cơ sở, 100% xã có trường mầm non.

Hoạt động khoa học và công nghệ đã hướng vào mục tiêu đưa tiến bộ khoc học và công nghệ vào phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Một số đề tài khoa học xã hội và nhân văn được triển khai đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp. Thực hiện có hiệu quả 9 chương trình khoa học công nghệ và các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng tâm giai đoạn 2006 - 2010, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động văn hoá, thể thao được tăng cường. Đẩy mạng và nâng cao phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả các hủ tục, tệ nạn xã hội, các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hoá. Tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đáp ứng được các yêu cầu phục vụ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá xứ Nghệ.

Tuy vậy vào thời điểm này, so với cả nước, Nghệ An vẫn còn là tỉnh nghèo, mức tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và chưa bền vững, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn rất thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá chậm; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; một số vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội chưa được giải quyết như lao động thiếu việc làm lớn, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy và nhiễm HIV vẫn tiếp tục tăng; tai nạn giao thông còn nhiều; đời sống của một bộ phận nhân dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái đói nghèo ở vùng này còn cao; chất lượng giáo dục toàn diện chưa cao, chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi còn lớn; các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là tuyến huyện chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm; nhiều chỉ tiêu, sản phẩm trọng điểm không đạt mục tiêu đề ra như: Xi măng; đá trắng xuất khẩu; chăn nuôi và chế biến sữa...; công tác quản lý trên một số lĩnh vực còn hạn chế như: tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm, nợ xây dựng cơ bản còn lớn, chất lượng một số công trình chưa đảm bảo...

Đặc điểm kinh tế xã hội nói trên đã tạo nhiều thuận lợi song cũng gây không ít khó khăn cho sự nghiệp xây dựng kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Nhìn chung, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, các mặt kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều đó đã tạo

điều kiện cho Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hăng hái thực hiện mọi chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc việt nam trong xây dựng nông thôn mới (Trang 33 - 38)