quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An
Những đặc điểm kinh tế - xã hội, truyền thống yêu nước, cách mạng đã đúc kết cho con người Nghệ An ngoài tính cách chung của người Việt Nam còn mang đậm nét tính cách đặc thù của người xứ Nghệ: Kiên nhẫn trong lao động, quyết thắng trong tự vệ, cần khổ trong học tập, đoàn kết trong cuộc sống. Họ là một cộng đồng có đủ nhân, nghĩa, trí, tín, dũng, có mưu lược, biết chắt chiu dành dụm và cũng biết hào phóng khi cần thiết, biết thủ thế nhưng cũng dám xả thân, dám đấu tranh với những gì bất công trong xã hội. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng đến từng con người ở mảnh đất này qua các thế hệ. Điều kiện kinh tế - xã hội đó không những đã ảnh hưởng đến sự ra đời của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân mà còn quy định tính đặc thù trong hoạt động của nó.
Khi thực dân Pháp tiến hành khai thác tài nguyên khoáng sản, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp ở Nghệ An thì giai cấp công nhân ở đây cũng được hình thành. Công việc nặng nhọc, tiền công thấp nên cuộc sống của họ hết sức khốn khó. Vì thế họ gắn bó với nhau bằng cách lập các tổ tương tế ái hữu. Rồi Hội tương tế ái hữu ra đời. Tình yêu giai cấp, ý thức đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp ngày càng được nâng cao trong đội ngũ công nhân.
Trong nông thôn Nghệ An từ rất lâu đời đã hình thành các phường hội theo sinh hoạt và nghề nghiệp như nhóm nuôi tằm, phường vải, phường nón, phường đốn củi, phường săn thú, phường lợp nhà… Mỗi phường hội có những quy định về quyền lợi và nghĩa vụ đối với các thành viên của tổ chức mình. Các phường hội cổ truyền đã góp phần tạo nên những giềng mối để cho các cộng đồng trong từng hương thôn tồn tại và phát triển. Khi đội ngũ thợ thuyền trưởng thành, tình đoàn kết, sống chết có nhau của họ đã thúc đẩy ý thức hợp quần ở hương thôn.
Nhiều hình thức phường hội từ lâu tưởng như đã mai một, lãng quên thì đến lúc này bỗng bật trỗi dậy với khí thế mạnh mẽ hơn.
Tháng 6 - 1929 Đông Dương Cộng Sản Đảng ra đời ở Bắc kỳ và cử cán bộ vào xây dựng cơ sở ở Nghệ Tĩnh, hình thành mạng lưới tổ chức quần chúng khá rộng lớn. Đến cuối năm 1929 đã thành lập được các tổ chức quần chúng: Công hội, Nông hội, Hội phụ nữ, Hội cứu tế, Thanh niên cộng sản Đoàn… Những hội quần chúng ở Nghệ An ra đời từ trong quá trình đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi giảm thuế, đòi các quyền tự do và góp phần quan trọng trong cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Đảng: cao trào cách mạng 1930 - 1931.
Dưới tên gọi là Hội phản đế đồng minh, Mặt trân dân tộc thống nhất tỉnh Nghệ An ra đời và hoạt động ngay trong máu lửa của cao trào cách mạng 1930 - 1931. Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế tỉnh Nghệ An là tổ chức Mặt trận ra đời sớm nhất trong cả nước. Từ nền móng của cao trào 1930 - 1931, ở các thời kỳ sau, Mặt trận dân tộc thống nhất Nghệ An và các đoàn thể nhân dân luôn luôn phát huy được truyền thống vẻ vang của mình.
Tiếp đó ở Nghệ An, Mặt trận Dân tộc Thống nhất qua các thời kỳ đã tập trung đông đảo các tầng lớp nhân dân tiến hành nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954); Đoàn kết và tập hợp các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhà cùng nhau đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ để vừa xây dựng, củng cố hậu phương lớn, vừa tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1955 - 1975).
Từ năm 1976 đến nay, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã kế thừa và phát huy những thành quả to lớn của Mặt trận qua các thời kỳ cách mạng, tiếp tục giữ vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giũ vũng ổn định chính trị, mở rộng dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Cho đến nay, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở Nghệ An đã trưởng thành với đội ngũ lớn mạnh, có tổ chức chặt chẽ.
Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An có 18 thành viên, nhưng Mặt trận Tổ quốc ở xã thường có các thành viên: Đảng ủy, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ… Các tổ chức chính trị - xã hội trong Mặt trận Tổ quốc có chức năng tham gia giám sát hoạt động của Đảng ủy và chính quyền, đề ra chương trình hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của tổ chức, tuyên truyền giáo dục các hội viên thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tuyên truyền động viên nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương.
Đội ngũ cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã thường có 19 - 23 thành viên gồm đầy đủ các thành phần do đại hội đại biểu Mặt trận hiệp thương cử ra: đảng viên, người ngoài đảng, trưởng các đoàn thể và các cá nhân tiêu biểu ở địa phương. Ở xóm, bản có Ban công tác Mặt trận do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cử ra. Ban này có vai trò hết sức quan trọng vì là nơi trực tiếp tổ chức, vận động toàn dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt trận là trung tâm của khối đoàn kết để động viên nhân dân thực hiện lồng ghép cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với phong trào xây dựng nông thôn mới, “Ngày vì người nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa” và các phong trào, các cuộc vận động khác.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày càng lớn mạnh và phát triển. Để lãnh đạo phong trào Đoàn cơ sở, Ban chấp hành đoàn xã được đại hội bầu ra từ 11 - 13 ủy viên. Hưởng ứng các phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc” và phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị”, “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội”. Đoàn Thanh niên đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An đã và đang thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Xây dựng mái ấm tình thương”. Các Hội phụ nữ xã thành lập được hàng nghìn câu lạc bộ được chị em tích cực tham gia như câu lạc bộ bà nội, bà ngoại, câu lạc bộ vợ cựu chiến binh gương mẫu… Hội phụ nữ đang thực hiện nhiều chương trình “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” và nhiều chương trình khác để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ.
Hội nông dân Hội nông dân tỉnh Nghệ An đã chú trọng đẩy mạnh các phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau vượt qua đói nghèo, làm giàu chính đáng, phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, phong trào nông dân thi đua phát triển văn hóa xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng… Những phong trào đó bước đầu đã góp phần nâng cao đời sống của nông dân, từng bước đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn ngày càng phát triển.
Hội Cựu chiến binh là đoàn thể hoạt động có hiệu quả và là chỗ dựa tinh thần của Đảng, chính quyền.Với các chương trình: xây dựng hội trong sạch, vững mạnh, xây dựng đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm
giàu chính đáng và chương trình tham gia giáo dục thế hệ trẻ, các Hội cựu chiến binh ở cơ sở đang ngày càng thể hiện là đoàn thể hoạt động có hiệu quả nhất.
Với truyền thống hoạt động hơn 80 năm qua, kiên định với mục tiêu con đường mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn, tin tưởng ở sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy vị trí, vai trò, chức năng của mình, tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.