Một số nhân tố tác động đến xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nghệ An

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc việt nam trong xây dựng nông thôn mới (Trang 47 - 50)

Nghệ An

Nhân tố kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong 5 năm 2006- 2010 đạt 9,7%. GDP bình quân đạt 14,16 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 34,41% năm 2005 xuống còn 28,46%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 29,30% lên 33,46%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 36,29% lên 38,08% năm 2010 [52; 6].

Thu hút đầu tư có bước chuyển biến mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến 15/10/2010, thu hút 278 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 95 ngàn tỷ đồng, trong đó có một số dự án có quy mô lớn (10). Tổng vốn đầu tư xã hội được huy động đạt khoảng 75 - 76 ngàn tỷ đồng/mục tiêu 70 - 75 ngàn tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với 5 năm trước, trong đó nguồn huy động trong dân chiếm 20%, đầu tư nước ngoài 5,5% [52;6].

Tuy nhiên các vấn đề về kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại như nông thôn phát triển thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch thiếu vững chắc; kết

cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, đô thị hóa nông thôn còn mang tính tự phát, cảnh quan bị phá vỡ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm. Trong khi đó, nông thôn Nghệ An rộng lớn, địa hình phức tạp, chịu nhiều tác động của thiên tai; xuất phát điểm của nông thôn Nghệ An thấp hơn so với bình quân cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhiều nơi còn lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Đời sống của người dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng còn ở mức thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng ngày càng lớn.

Nhân tố chính trị: Ý thức chính trị và năng lực điều hành trong thực hiện chính sách của bộ máy chính quyền, đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến huyện đến xã, thôn xóm là nhân tố thành công của chính sách. Ngoài ra trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ các phòng, ban, ngành, tính hiệu quả trong công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, chính quyền; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp đóng góp rất lớn vào hiệu quả chương trình.

Quy chế dân chủ cơ sở, các phong trào xây dựng làng xã văn hóa, xóa đói giảm nghèo, phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, lựa chọn ra những đại biểu Hội đồng nhân dân vừa tài, vừa đức... được triển khai, tạo ra hiệu ứng tốt trong thực thi chính sách, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vận dụng quy chế dân chủ, các địa phương cơ sở đã có nhiều biện pháp sáng tạo tổ chức cho nhân dân bàn bạc tháo gỡ những khó khăn, đóng góp ý kiến vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển và mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thực hiện dân chủ cơ sở, dân chủ trong Đảng thực sự sẽ tạo ra sự thông thoáng, thuận lợi cho quá trình hoạch định, thực thi, đánh giá chính sách, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tình trạng dân chủ hình thức chưa được khắc phục triệt để đã làm xói mòn niềm

tin cuả nhân dân vào tính phù hợp của chính sách, ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả thực thi chính sách.

Ý thức chấp hành pháp luật, tính tích cực chính trị - xã hội, thái độ ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần đưa việc hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn đi vào thực chất. Vai trò giám sát, phản biện chính sách của các tổ chức hội, đoàn thể ở huyện Vũ Quang dù chưa thực sự mạnh song có ảnh hưởng lớn đến chất lượng các quá trình chính sách, đảm bảo cao nhất cho hiệu quả xây dựng nông thôn mới, văn minh, hiện đại, giàu có.

Về đội ngũ lãnh đạo quản lý: Đa số lãnh đạo biết lắng nghe nguyện vọng của đối tượng hoạch định và thực thi chính sách để xác định đúng mục tiêu, lựa chọn giải pháp cho chính sách, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm hiện thực hóa được mục tiêu chính sách đặt ra. Đây cũng là yêu cầu cơ bản để thực hiện chính sách đạt hiệu quả. Lãnh đạo các cấp cần quan tâm chú ý hơn đến kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện chính sách, cơ hội, điều kiện tiếp cận thông tin, khả năng tiếp cận thực tế; đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách, có khả năng nhận thức các vấn đề chính trị - xã hội, nâng cao tính khoa học, tính thời đại, tính địa phương trong khi thực thi chính sách.

Nhân tố văn hóa - xã hội: Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Các phong trào xây dựng làng xã và dòng họ văn hóa được đẩy mạnh có tác dụng lớn trong việc xây dựng quỹ khuyến học, nâng cao dân trí, góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng kinh tế - xã hội, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, làng văn hóa...

Trước những biến đổi của đời sống xã hội hiện nay những nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng làng xã rất cần được xây đắp nhằm tạo dựng mô hình nông thôn mới tiến bộ, văn minh, hiện đại. Nhận thức đầy đủ tất cả các mặt vừa thuận lợi, vừa khó khăn nói trên để thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới đảm bảo tính bền vững, toàn diện và hiệu quả.

Việc thay đổi tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm trong một bộ phận cán bộ và người dân gặp không ít khó khăn. Trong khi mức hưởng thụ văn hoá của người dân còn thấp, xã hội nông thôn phát sinh nhiều vấn đề bức xúc. Môi trường nhiều nơi ngày càng bị ô nhiễm. Hệ thống chính trị cơ sở ở nhiều nơi còn yếu; an ninh trật tự xã hội vẫn còn tiềm ẩn một số vấn đề bất ổn... là rào cản trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An

Để triển khai thực hiện được đầy đủ 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đối với các địa phương là điều không hề đơn giản, đặt ra nhiều vấn đề khó khăn cần được tỉnh cùng các địa phương quan tâm lưu ý.

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc việt nam trong xây dựng nông thôn mới (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w