Đối với Trung Quốc

Một phần của tài liệu Quan hệ trung quốc và hàn quốc từ 1992 đến 2013 (Trang 100 - 102)

B. NỘI DUNG

3.2.1. Đối với Trung Quốc

Là một chủ thể trong mối quan hệ với Hàn Quốc, Trung Quốc chịu tác động rất lớn trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội và chính trị - ngoại giao. Từ những năm đầu thập niên 1990, với sự thay đổi tư duy đối ngoại của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trên cơ sở lợi ích kinh tế và tìm kiếm một sự ổn định trong khu vực, Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng Hàn Quốc. Từ đó tới nay, mối quan hệ này phát triển nhanh chóng và ổn định đã góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội Trung Quốc.

Thành công của quá trình cải cách mở cửa đã đưa nền kinh tế Trung Quốc “trỗi dậy” một cách mạnh mẽ, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước có chủ quyền và đều có mối quan hệ về kinh tế đối với các quốc gia này, Hàn Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Kể từ năm 1992, mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã thu được nhiều thành tựu lớn, nhất là quan hệ thương mại và đầu tư. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã

quay sang thị trường Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội làm ăn mới, từ đó đã góp phần vào bức tranh phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, Trung Quốc đã tận dụng nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc để phát triển nền kinh tế, cơ hội để người dân Trung Quốc có công ăn việc làm tại các nhà máy và khu công nghiệp của người Hàn Quốc ngày một tăng lên. Công nhân Trung Quốc có cơ hội tiếp thu học hỏi trình độ phát triển khoa học của Hàn Quốc. Từ sự phát triển của nền kinh tế, thu nhập của người dân Trung Quốc được tăng lên, cuộc sống được cải thiện hơn trước, từ đó góp phần vào sự ổn định xã hội. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để Trung Quốc nhanh chóng đưa nền kinh tế tăng tốc trong thời gian tiếp theo. Như vậy, lợi ích từ mối quan hệ với Hàn Quốc đã mang lại những tác động rất lớn cho nền kinh tế - xã hội Trung Quốc.

Đường lối đối ngoại của một quốc gia nhằm đạt ba mục tiêu là giữ vững độc lập, phát triển đất nước và tạo ảnh hưởng đối với các nước khác nhằm đưa lại vị trí thuận lợi cho quốc gia trên trường quốc tế. Do đó, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện mục tiêu đưa đất nước trở thành một thế lực lớn, ngang hàng với các quốc gia phát triển khác, nhất là tại khu vực châu Á. Trung Quốc đã bỏ qua sự đối lập về ý thức hệ, mô hình phát triển để tiến hành bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc - một quốc gia có nền kinh tế phát triển cao của thế giới. Với việc bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc, Trung Quốc đã xây dựng được quan hệ ngoại giao với tất cả các nước ở khu vực Đông Bắc Á. Điều này chứng tỏ xu thế từ thập niên 1990, ý thức hệ không còn là rào cản của ngoại giao các nước mà lợi ích phát triển mới là chủ đạo. Hơn nữa, Trung Quốc muốn phát triển một cách thuận lợi thì trước tiên cần phải có sự ổn định trong khu vực, ít ra là môi trường quốc tế xung quanh mình. Từ đó, Trung Quốc đã đồng thời thừa nhận hai nước Triều Tiên và sau đó tiến hành bình thường hóa

quan hệ với Hàn Quốc. Điều này cũng phù hợp với chính sách ngoại giao láng giềng và ngoại giao đa phương của Trung Quốc thời gian qua.

Thực tiễn cho thấy, từ việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Hàn Quốc, Trung Quốc đã từng bước xác lập được vai trò và ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Bắc Á. Trung Quốc vừa có quan hệ tốt đẹp với người bạn truyền thống Triều Tiên, lại vừa xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Hàn Quốc. Thông qua mối quan hệ tay ba này, Trung Quốc đã từng bước tận dụng được mối quan hệ với Triều Tiên, coi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là lá bài trong tay để cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, mặc cả với Mỹ và các nước lớn để nâng cao vị thế, vai trò của Trung Quốc trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Thành công của đường lối ngoại giao Trung Quốc hơn 20 năm sau Chiến tranh lạnh đã cho chúng ta thấy được sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước hơn 1 tỷ dân. Trung Quốc đã có thể mặc cả với Mỹ và các nước lớn về những vấn đề quan trọng, nhất là liên quan đến khu vực Đông Bắc Á. Vị thế quốc tế của Trung Quốc không ngừng được nâng cao.

Một phần của tài liệu Quan hệ trung quốc và hàn quốc từ 1992 đến 2013 (Trang 100 - 102)