B. NỘI DUNG
2.2.1. Quan hệ thương mại
Trong quan hệ hợp tác Trung Quốc - Hàn Quốc hơn 20 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao thì quan hệ kinh tế là điểm sáng nhất.
Trong quan hệ với Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc chuyển từ giao lưu tiếp xúc gián tiếp sang tiến hành hợp tác trực tiếp và ngày càng chặt chẽ. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, hoạt động thương mại giữa hai bên hầu như bị gián đoạn. Cho đến đầu những năm 1980, hai nước mới bắt đầu có hoạt động thương mại thông qua Hồng Kông và Xingapo. Đến cuối những năm 1980, các hoạt động thương mại trực tiếp mới được tiến hành giữa hai nước. Sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc đã ký kết hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư và hiệp định về thành lập một ủy ban chung về kinh tế, thương mại và kỹ thuật với Trung Quốc. Chính nhờ chính sách đối ngoại kinh tế tích cực của cả hai bên mà quan hệ kinh tế phát triển nhanh chóng và đạt được những thành quả to lớn.
Từ năm 1992, quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc đã có những tiến triển nhảy vọt trong lĩnh vực mậu dịch. Hai nước vươn lên trở thành bạn hàng lớn thứ ba của nhau sau Mỹ và Nhật Bản. Đối với Hàn Quốc, trong bối cảnh bị khủng hoảng kinh tế, tài chính, việc tăng cường các quan hệ kinh tế với Trung Quốc có ý nghĩa then chốt để phục hồi nền kinh tế của mình. Các chỉ số thống kê của Hàn Quốc cho thấy, kể từ khi bình thường hóa đến năm 1997, mậu dịch song phương giữa Trung Quốc với Hàn Quốc tăng bình quân 20% mỗi năm, và đã đạt 23,7 tỷ USD trong năm 1997, tăng 4 lần so với mức 6,4 tỷ USD khi hai nước bắt đầu trực tiếp buôn bán với nhau năm 1992 [65]. Năm 1999, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 32,5 tỷ USD, Hàn Quốc xuất siêu sang Trung Quốc tới 9,5 tỷ USD trong năm 1999. Trong sáu tháng đầu năm 2000, kim ngạch buôn bán giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đạt 16,1 tỷ USD,
tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 1999. Các chuyên gia cho rằng kinh tế hai nước tăng trưởng nhanh đã góp phần phát triển buôn bán. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2000, Trung Quốc đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 10,8 tỷ USD từ Hàn Quốc, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 1999. Cũng trong thời gian này, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hàn Quốc tăng 60,7%, đạt 5,3 tỷ USD. Nhìn chung, Trung Quốc nhập khẩu từ Hàn Quốc nhiều hơn so với xuất khẩu kể từ 1992 [73]. Sự nống ấm trong quan hệ thương mại giữa hai nước dựa trên nhu cầu tự nhiên. Hàn Quốc xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu, dệt, thép, giấy, chất dẻo, hàng điện tử, máy móc thiết bị. Hàng xuất khẩu của Trung Quốc tập trung ở sản phẩm nông nghiệp, hàng dệt cấp thấp và các mặt hàng công nghiệp nhẹ.
Năm 2002, kim ngạch ngoại thương giữa hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đã đạt 44,07 tỷ USD, tăng gấp 8 lần so với năm 1992. Trong năm tháng đầu năm 2003, kim ngạch ngoại thương hai chiều đã đạt 22,7 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2002. Chỉ tính riêng tháng 5 năm 2003, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch SARS, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã đạt 12,39 tỷ USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2002. Mức tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc hàng năm đạt 47,8%. Thực tế cho thấy, xuất khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh đã chứng tỏ Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc trong năm 2003, vượt qua cả Mỹ, nước luôn dẫn đầu về buôn bán với Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Với mức tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc vào thời điểm đó mở ra khả năng trong vòng 10 tiếp theo trao đổi mậu dịch giữa Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ vượt Mỹ.
Năm 2005, Trung Quốc và Hàn Quốc chuẩn bị thành lập khu vực thương mại tự do. Sau 13 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế thương mại giữa hai nước tăng bình quân 25%/năm với kim ngạch thương mại song
phương năm 2004 vượt 70 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế lúc đó nhận định rằng, nếu xu thế này tiếp tục được duy trì, Hàn Quốc có khả năng sẽ vượt Nhật Bản trở thành đối tác mậu dịch lớn thứ 3 của Trung Quốc. Điều này chứng tỏ mối quan hệ kinh tế Trung Quốc - Hàn Quốc ngày càng trở nên mật thiết. Những năm gần đây kinh tế thương mại song phương đang dần chuyển sang sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Hoạt động thương mại các sản phẩm công nghệ thông tin dần thay thế hoạt động thương mại các sản phẩm dệt may.
Vào nửa đầu năm 2007, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đạt 74 tỷ USD. Với đà phát triển này, kim ngạch song phương hai nước sẽ cao hơn tổng kim ngạch Hàn Quốc với Mỹ và Nhật Bản. Theo các nhà phân tích kinh tế, năm 2001, kim ngạch giữa Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ đạt 35,9 tỷ USD, năm 2006 chỉ số này đã đạt 134,3 tỷ USD. Trong vòng 6 năm, tăng trưởng trung bình tổng chu chuyển hàng hóa giữa hai nước được giữ ở mức 26%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của tổng khối lượng ngoại thương chung trong thời gian trên ở Trung Quốc (24%). Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng của Cáp Nhĩ Tân và tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc [56; tr. 491].
Đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu, nguồn nhập khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 6 và nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Cả năm 2007, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 159,89 tỷ USD, tăng 19,1% so với một năm trước và gấp 30 lần so với kim ngạch mậu dịch năm 1992 [102].
Đến năm 2010, thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đạt 188 tỷ USD, năm 2011 đạt 250 tỷ USD. Từ năm 2003 đến nay Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Đối với
Trung Quốc, Hàn Quốc là đối tác thương mại thứ 4 sau Mỹ, Nhật Bản và Hồng Kông. Thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc tương đương với mức của Hàn Quốc - Mỹ và Hàn Quốc - Nhật Bản. Trên thực tế, thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc lớn gấp 4 lần thương mại của Trung Quốc với Nga. Hàn Quốc và Trung Quốc đã từng đặt ra mục tiêu kim ngạch thương mại 200 tỷ USD vào năm 2012 và dự kiến năm 2015 có thể đạt 300 tỷ USD. Thành tựu đạt được trong quan hệ thương mại giữa hai nước năm 2011 cho thấy đã vượt mục tiêu dự kiến cho năm 2012.
Đến cuối năm 2011, Hàn Quốc xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 116,8 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 71,6 tỷ USD. Trong thương mại với Hàn Quốc, Trung Quốc liên tục phải chịu thâm hụt. Từ năm 2003, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ nhất của Hàn Quốc, đứng đầu về nguồn nhập khẩu từ năm 2007 và đứng đầu về thặng dư thương mại từ năm 2003, sau Hồng Kông và Mỹ [54; tr. 16].
Như vậy, từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng trở nên sôi động, gắn bó mật thiết, thậm chí là phụ thuộc lẫn nhau. Kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh chóng qua từng năm, đặc biệt trong những năm gần đây, mức tăng trưởng lên tới hai con số. Quan hệ thương mại được coi là điểm “nóng” nhất trong quan hệ song phương Trung Quốc - Hàn Quốc.
Những con số về tổng kim ngạch thương mại hai chiều là cở sở vô cùng quan trọng để Trung Quốc và Hàn Quốc tiến hành đẩy mạnh các hoạt động kinh tế giữa hai nước. Và để cam kết hơn cho quá trình trao đổi thương mại giữa hai nước là việc hình thành khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - Hàn Quốc. Có thể nói, một thỏa thuận FTA (hiệp định thương mại tự do song phương) giữa Trung Quốc và Hàn Quốc là mong muốn của hai phía.
Cuộc họp cuối cùng của Hội nghiên cứu chung về tính khả thi của hiệp định tự do thương mại FTA Trung Quốc - Hàn Quốc nhằm quy định phương hướng của hiệp định này đã diễn ra tại Bắc Kinh trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 11-06-2008. Cho đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán và ký kết FTA với một số đối tác như Mỹ, Liên minh châu Âu và Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Đối với Hàn Quốc, Trung Quốc là quốc gia có quan hệ mật thiết nhất về mặt kinh tế và trong lĩnh vực nông sản lại có những mặt hàng giống nhau. Chính vì vậy, ảnh hưởng của FTA với Trung Quốc đối với nền kinh tế Hàn Quốc sẽ lớn hơn so với FTA ký với các nước khác. Với ý nghĩa quan trọng như vậy nên những thỏa thuận liên quan đến việc xúc tiến FTA Trung Quốc - Hàn Quốc đã được thực hiện từ nhiều năm trước đây. Quá trình hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực tư nhân đã được tiến hành từ những năm 2004 - 2006 và hợp tác nghiên cứu giữa hai chính phủ cũng đã bắt đầu từ năm 2007. Cuộc họp tại Bắc Kinh lần này là cuộc họp thứ 5 và cũng là cuối cùng giữa hai chính phủ. Dựa trên kết quả của cuộc họp này, chính phủ Hàn Quốc sẽ quyết định có xúc tiến FTA với Trung Quốc hay không và nếu có thì sẽ thực hiện theo phương thức nào.
Là nước phụ thuộc nhiều vào kinh tế đối ngoại nên Hàn Quốc đang tiến hành đàm phán FTA với nhiều nước để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường rất lớn được Hàn Quốc chú ý, vì từ sau năm 2003 Trung Quốc đã trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Nếu ký kết FTA với Trung Quốc, quốc gia có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm lên tới hơn 10% và tổng thu nhập quốc nội đạt 3.200 tỷ USD vào năm 2007 thì Hàn Quốc có thể nâng quy mô giao dịch hiện nay lên mức 200 tỷ USD.
Mặt khác, FTA với Hàn Quốc cũng rất quan trọng đối với Trung Quốc. Nếu ký kết FTA với Hàn Quốc, Trung Quốc không chỉ mở rộng được giao
lưu thương mại mà còn giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh giành quyền lãnh đạo về kinh tế trong khu vực Đông Bắc Á.
Kết quả điều tra của Viện chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc sẽ tăng từ 2,4 - 3,2% nếu ký FTA với Trung Quốc, đối tác giao dịch lớn nhất chiếm 22% xuất khẩu và 17% nhập khẩu của Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vào Trung Quốc sẽ tăng 14 tỷ USD và Hàn Quốc cũng có thể phục hồi được xu hướng tăng xuất khẩu đang có chiều hướng giảm trong thời gian gần đây. Như vậy, qua việc ký kết FTA với Trung Quốc, Hàn Quốc có thể chiếm lĩnh trước được thị trường lớn nhất thế giới, và củng cố vững chắc chiến lược đầu tư của hơn 30.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại đây.
Điều đáng lo ngại nhất khi ký kết FTA Trung Quốc - Hàn Quốc chính là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Danh mục hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản của hai nước hoàn toàn trùng nhau trong khi hàng hóa của Trung Quốc lại có sức cạnh tranh rất lớn về giá. Nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Trung Quốc chỉ có giá bằng 1/5 so với Hàn Quốc. Mặt khác, 70% hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc vào Trung Quốc được gia công tại đây, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài. Trong số các loại hàng hóa trung gian này có nhiều loại đã được miễn thuế ngay từ đầu hoặc được hoàn thuế sau khi gia công để tái xuất khẩu.
Nếu FTA Trung Quốc - Hàn Quốc được ký kết, lĩnh vực nông nghiệp của Hàn Quốc sẽ phải chịu thiệt hại lớn gấp đôi so với FTA Hàn Quốc - Mỹ do sự tràn vào của các mặt hàng nông sản giá rẻ của Trung Quốc. Các ngành công nghiệp tập trung nhiều lao động vốn đang chịu nhiều sức ép từ các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc cũng không tránh khỏi quá trình tinh giản biên chế trên quy mô lớn nếu thuế quan - hàng rào bảo hộ hàng hóa cuối cùng cũng bị dỡ bỏ. Nếu xét tới việc 70% hàng xuất khẩu sang Trung Quốc là hàng hóa
trung gian thì rất có thể việc giảm thuế - hiệu quả lớn nhất của FTA sẽ không đem lại nhiều tác dụng như mong muốn [100; tr. 10].
Sau 7 năm tiến hành các cuộc đàm phán sơ bộ, ngày 2 - 5 - 2012, Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh và Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc Bark Tae Ho đã tuyên bố bắt đầu các cuộc thương lượng chính thức về hiệp định thương mại tự do FTA Trung Quốc - Hàn Quốc. Đến tháng 10 - 2012, hai nước đã tiến hành 4 vòng đàm phán. Năm 2012, Hiệp định thương mại FTA đã thỏa thuận được phương thức xử lý những lĩnh vực nhạy cảm và kết thúc giai đoạn đầu của vòng đàm phán. Từ năm 2013, các vòng đàm phán nhân nhượng hơn sẽ được chính thức bắt đầu về cơ bản. Việc đàm phán hiệp định tự do thương mại được tiến hành nhanh và thành công sẽ giúp mở rộng thị trường của các ngành nông sản, dịch vụ.
Trong bối cảnh Tổ chức thương mại thế giới (WTO) chưa đạt được thỏa hiệp, các hoạt động thương mại song phương và đa phương đã bắt đầu thay thế khuôn khổ WTO như một nền tảng chính cho hợp tác trong khu vực.
Theo các nhà phân tích, FTA Trung Quốc - Hàn Quốc sẽ thúc đẩy sự hội nhập của ba cường quốc kinh tế chủ chốt của Đông Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhà nghiên cứu tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) Dong Yan nói rằng: “sau khi FTA Trung Quốc - ASEAN và FTA Hàn Quốc - ASEAN được ký kết, nếu Trung Quốc và Hàn Quốc đạt được FTA Trung Quốc - Hàn Quốc như kế hoạch đã định, hoạt động thương mại song phương này chắc chắn sẽ phát triển thành Hiệp định ba bên giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đến sự ra đời của hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA). Nếu FTA Trung Quốc - Hàn Quốc được thực thi theo như kế hoạch và sau đó hiệp định này phát triển thành EAFTA, thì sự hợp tác khu vực ngày càng chặt chẽ này có thể làm tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á so với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhà kinh tế Kwon Young San tại tổ chức Nghiên cứu kinh tế Nomura có trụ sở tại Hồng Kông cho rằng Hàn Quốc có thể được lợi từ FTA với Trung Quốc. Nhà kinh tế này nói: “Chúng tôi ước tính rằng FTA Hàn - Trung sẽ làm GDP của Hàn Quốc tăng 3,7% trong dài hạn, cao hơn mức tăng 1,6% mà FTA Hàn - Mỹ hoặc 1,5% mà FTA Hàn - EU mang lại”. Theo ước tính của Nomura, nếu FTA được thực thi, Trung Quốc là đối tác thương mại có ảnh hưởng lớn nhất tới tăng trưởng GDP thực tế của Hàn Quốc trong số các nước khác, sau đó đến Mỹ, EU và Nhật Bản.
Hợp tác kinh tế Trung Quốc - Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng trong suốt hai thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 6,4 tỷ USD năm 1992 lên 250 tỷ USD năm 2011. Thương mại song phương đã tăng khoảng 25%, cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng thương mại bình quân của Trung Quốc (18%) và Hàn Quốc (9%).
Đối với Hàn Quốc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, trong khi Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Bộ Tài chính