B. NỘI DUNG
2.1.2. Quan hệ quân sự, an ninh
Sau khi xây dựng quan hệ ngoại giao, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác quân sự với Hàn Quốc, góp phần làm cho quan hệ quân sự hai bên phát triển từ không đến có. Bộ trưởng quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng và chỉ huy các chiến hạm hai nước đã tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau.
Tháng 1 - 2000, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Trì Hạo Điền đã tới Seoul, thăm chính thức Hàn Quốc. Hàn Quốc là chặng dừng chân thứ ba trong chuyến thăm bốn nước (Anh, Nga, Hàn Quốc, Mông Cổ) của Bộ trưởng Trì Hạo Điền và đây cũng là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu
tiên của một bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Bộ trưởng Trì Hạo Điền đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Chô Xâng Tê về việc tiến hành các cuộc họp thường kỳ và trao đổi các cuộc đi thăm giữa các quan chức cấp cao hai bộ Quốc phòng, về việc tổ chức tập trận chung và các cuộc viếng thăm của tàu hải quân.
Cũng trong năm 2000, vào tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Chô Xâng Tê đã tới thăm Trung Quốc. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào 8 năm trước. Bộ trưởng Trì Hạo Điền nhắc lại lập trường của Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên, khẳng định Trung Quốc chân thành hy vọng bán đảo này sẽ trở thành khu vực phi hạt nhân và cuối cùng sẽ đạt được sự ổn định và hòa bình lâu dài. Bộ trưởng Trì Hạo Điền nói quan hệ giữa quân đội hai nước đã tiến triển ổn định trong mấy năm gần đây. Ông cho rằng hợp tác hai bên cùng có lợi giữa Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ góp phần đem lại hòa bình và phát triển trong khu vực và thế giới. Bộ trưởng Hàn Quốc thông báo quan điểm của nước này về vấn đề bán đảo Triều Tiên và nhấn mạnh Hàn Quốc mong muốn mở rộng các cuộc trao đổi về quân sự với Trung Quốc [78].
Cũng vào cuối tháng 8 năm 2000, ông Chê I-ung Kin - Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc thăm thiện chí chính thức Trung Quốc. Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Phó Toàn Hữu đã hội đàm với ông Chê I-ung Kin, hai ông đã trao đổi quan điểm về quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế. Ông Chê I-ung Kin tỏ ý hy vọng hai nước và lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng cường và phát triển sự hợp tác hữu nghị trong khuôn khổ quan hệ Trung - Hàn hướng tới thế kỷ XXI.
Tháng 12 - 2001, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Đông Sin đã sang thăm chính thức Bắc Kinh và được Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Trì Hạo Điền tiếp đón. Ông Trì Hạo Điền nêu rõ quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã và đang phát triển tốt đẹp kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông Kim Đông Sin bày tỏ rằng Chính phủ Hàn Quốc hy vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên thỏa thuận Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phó Toàn Hữu sẽ thăm Hàn Quốc trong năm tới. Các quan chức Hàn Quốc cho biết một tàu chiến và một máy bay vận tải quân sự Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử sẽ thăm Hàn Quốc trong năm 2002 để đánh dấu 10 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng là nội dung chính trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Rô Mu Hiên tới Trung Quốc vào tháng 7 - 2003. Hai nước đều khẳng định kiên trì thông qua con đường ngoại giao, biện pháp hòa bình giải quyết cuộc khủng hoảng này, đảm bảo nguyên tắc hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa trên bán đảo này. Hai nước cũng khẳng định cố gắng duy trì cuộc hội đàm ba bên Mỹ - Trung Quốc - CHDCND Triều Tiên tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 4 - 2003. Hai nước cũng bày tỏ thúc giục CHDCND Triều Tiên tham gia vào các cuộc hội đàm đa phương để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng hạt nhân ở đây. Cả hai nước đều dốc sức vào giải quyết vấn đề này, nên có nhiều khả năng đạt được kết quả tích cực như mong muốn. Hàn Quốc đặt hy vọng rất lớn vào việc Trung Quốc phát huy vai trò tích cực thuyết phục CHDCND Triều Tiên không nên làm cho tình hình bán đảo trở nên căng thẳng hơn nữa. Hàn Quốc cũng hy vọng Trung Quốc thuyết phục CHDCND Triều Tiên tham gia vào hội đàm đa phương sáu bên gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản và Nga. Đây là mô thức tốt nhất cho việc giải quyết tình hình bán đảo này.
Tháng 4 - 2005, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Un Quang Ung thăm Trung Quốc. Lãnh đạo cấp cao quân sự hai nước đã đạt được nhận thức chung về vấn đề bảo vệ an ninh Hoàng Hải, xây dựng thể chế hợp tác hải quân, không quân hai nước và tích cực thảo luận việc thiết lập đường dây nóng quân sự giữa Bộ Tư lệnh Hải quân và hệ thống phòng không không quân của hai nước. Tuy những dự định hợp tác nêu trên của hai nước có tính tượng trưng lớn hơn tính hiện thực, nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng: ở tầng chiến thuật, sau khi thiết lập đường dây nóng quân sự, hai nước không chỉ có thể nhanh chóng triển khai đối phó ứng cứu tai nạn trên biển Hoàng Hải, có thể chia sẻ tin tức về hoạt động tàu cá Trung Quốc, ngăn ngừa nảy sinh xung đột mang tính phát sinh; ở tầng chiến lược, Hoàng Hải là một trong những tuyến đường quan trọng thông tới Thái Bình Dương, eo biển Triều Tiên ở phía Đông Hoàng Hải là con đường thủy tất phải đi qua giữa bờ Đông và bờ Tây bán đảo Triều Tiên, có vị trí chiến lược rất quan trọng; tác dụng chiến lược tiềm tàng của Hoàng Hải đối với Trung - Hàn đều được thể hiện rất rõ.
Sau chuyến thăm Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Un Quang Ung tuyên bố nước này có kế hoạch định kỳ hóa hội nghị cấp Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Trung Quốc - Hàn Quốc, tăng cường giao lưu và hợp tác quân sự với Trung Quốc, hơn nữa sự hợp tác này “ít nhất cũng đạt được mức giao lưu quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản”. Điều này có nghĩa là đối với Hàn Quốc, tính quan trọng của quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc không thể thấp hơn mức độ hợp tác quân sự giữa nước này với Nhật Bản. Từ chuyển biến này, hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc hiện đang tích cực thành lập đường dây nóng về quân sự, chính thức thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự song phương phát triển theo hướng mới. Việc Trung Quốc và Hàn Quốc tăng cường hợp tác trên thực tế rất có lợi trong việc làm dịu tình hình
căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí còn thúc đẩy hai miền Triều Tiên sớm thống nhất. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng mà Hàn Quốc lựa chọn sách lược “dần xa Mỹ, gần gũi hơn với Trung Quốc” [90].
Tháng 4 - 2006, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Tào Cương Xuyên đã đến thủ đô Seoul, bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc 5 ngày nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Trong thời gian ở thăm, Bộ trưởng Tào Cương Xuyên có các cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Rô Mu Hiên và người đồng nhiệm Un Quang Ung, tiếp tục thảo luận việc thiết lập đường dây nóng nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột có thể xảy ra trên biển Hoàng Hải cũng như kế hoạch tập huấn chung giữa lực lượng hải quân hai nước. Bộ trưởng Tào Cương Xuyên đã đề nghị tăng cường trao đổi và hợp tác an ninh với Hàn Quốc. Ông Tào Cương Xuyên khẳng định sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và bày tỏ hy vọng quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng bền chặt. Trong khi đó, Bộ trưởng Un Quang Ung đã đề xuất thiết lập đường dây nóng giữa chỉ huy các hạm đội hải quân và các đơn vị phòng không của quân đội hai nước để lực lượng an ninh hai nước dễ dàng trao đổi thông tin. Theo bản ghi nhớ được ký kết sau đó, hai bên đồng ý xây dựng hai trung tâm hậu cần Hoàng Hải tại mỗi nước nhằm tăng cường trao đổi buôn bán qua đường biển giữa hai bên. Các trung tâm này sẽ hoạt động dưới sự điều hành chung, có chung nhiệm vụ lưu giữ hàng hóa buôn bán giữa hai nước.
Tháng 4 - 2007, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Chang Xô đã đến thăm Trung Quốc, tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Tào Cương Xuyên, hai bên đã nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ và tăng cường hợp tác quân sự nhằm đưa quan hệ song phương lên tầng cao mới. Hàn Quốc luôn tôn trọng chính sách “Một
nước Trung Quốc” và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước. Hàn Quốc đánh giá cao vai trò tích cực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán sáu bên để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Ngày 24 - 11 - 2008, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này và Trung Quốc đã chính thức mở đường dây nóng quân sự nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ trên biển. Đường dây nóng đã được thiết lập giữa Bộ chỉ huy Hải quân và Không quân hai nước. Động thái trên đã đưa Hàn Quốc thành nước đầu tiên có đường dây nóng quân sự với Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định việc khai trương đường dây nóng sẽ giúp hai quốc gia tránh được các sự đụng độ đáng tiếc, đồng thời nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ quân sự song phương. Hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Hàn Quốc thời gian gần đây đã được tăng cường trong bối cảnh quan hệ kinh tế được mở rộng.
Bên cạnh các cuộc gặp song phương giữa quan chức Quốc phòng hai nước, thì vấn đề hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Hàn Quốc về vấn đề CHDCND Triều Tiên cũng là nội dung cơ bản của các Hội nghị thường niên của ba nhà lãnh đạo Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc. Hàn Quốc luôn hy vọng Trung Quốc sẽ tăng thêm áp lực đối với CHDCND Triều Tiên, hy vọng Hội đồng Bảo an sẽ thảo luận vấn đề CHDCND Triều Tiên làm giàu Urani. Trung Quốc cũng chủ trương bán đảo Triều Tiên hòa bình ổn định, yêu cầu Hàn Quốc tích cực hồi đáp yêu cầu đối thoại của CHDCND Triều Tiên, quay trở lại vòng đàm phán sáu bên, tránh kích động Bình Nhưỡng qua việc tăng cường quan hệ đồng minh quân sự Mỹ - Hàn, không ngừng tiến hành diễn tập quân sự nhằm vào CHDCND Triều Tiên.
Tháng 7 - 2011, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại Quốc phòng chiến lược nhằm hợp tác quốc phòng song phương,
nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước. Thỏa thuận trên đạt được nhân chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Quan Chin. Hai bên cũng đạt được thỏa thuận về thành lập chương trình giáo dục ngắn hạn chung cho các sĩ quan trẻ của quân đội hai nước. Hai bên cam kết phản đối bất kỳ hành động nào gây tổn hại cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và hy vọng các bên liên quan tăng cường hợp tác trong vấn đề này. Ông Kim Quan Chin đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Trần Bính Đức.
Tại cuộc gặp cấp cao ba nước Trung Quốc- Nhật Bản - Hàn Quốc vào tháng 5 - 2012, tình hình tại bán đảo Triều Tiên là một trong những nội dung chính. Lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đã đồng ý hợp tác để ngăn chặn căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhất trí chia sẻ quan điểm cho rằng việc CHDCND Triều Tiên có kế hoạch tiến hành thử vũ khí hạt nhân mới sẽ là không thể chấp nhận được. Vì trước đó, CHDCND Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng vệ tinh quan sát Trái Đất mang tên “Quang Miêng Xâng 3” nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, sự việc này đã gây nhiều phản ứng mạnh mẽ trong dư luận.
Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Păc cho biết “chúng tôi đã nhất trí rằng sẽ không chấp nhận các vụ thử vũ khí hạt nhân hay hành động khiêu khích nào nữa từ phía Triều Tiên”. Thủ tướng Ôn Gia Bảo hối thúc tất cả các bên liên quan giải tỏa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trên tinh thần sáng suốt, kiên trì và thiện chí. Ông nói “Chúng ta nên từ bỏ hoàn toàn tư tưởng Chiến tranh lạnh và nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan thông qua đối thoại và thương lượng”. Tất cả các bên liên quan phải kiềm chế và bày tỏ thiện chí để giải tỏa xung đột,
đồng thời kêu gọi tiếp tục nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán sáu bên.
Hàn Quốc rất coi trọng vị thế, vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là vai trò đặc thù của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề hòa giải giữa hai miền Triều Tiên. Vai trò trung gian hòa giải tích cực, hiệu quả của Trung Quốc đã góp phần mang lại những tiến triển quan trọng cho việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Gần đây, CHDCND Triều Tiên đã thông qua Trung Quốc gửi tới các bên liên quan tuyên bố về chương trình hạt nhân của mình. Hiện nay Hàn Quốc đang cùng Trung Quốc và các bên liên quan phân tích, đánh giá mức độ xác thực của tuyên bố này. Cùng với hành động biểu trưng là phá hủy tháp làm lạnh của Nhà máy hạt nhân chủ chốt Yongbyon, CHDCND Triều Tiên còn cam kết sẽ ngừng toàn bộ hoạt động của nhà máy này. Tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng Trung Quốc để thúc đẩy việc giải quyết tình trạng chia cắt trên bán đảo Triều Tiên là một trong những nội dung hợp tác an ninh quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc. Hơn nữa, từ cuối và sau Chiến tranh lạnh, hướng tăng cường hợp tác trên lĩnh vực an ninh với Trung Quốc ngày càng được khẳng định trong chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc với các nước lớn liên quan đến khu vực Đông Bắc Á.
Như vậy, trải qua hơn 20 năm phát triển, quan hệ an ninh, quân sự giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã phát triển từ không đến có. Các cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp cao giữa lãnh đạo Quân đội hai nước đã diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, quan hệ an ninh, quân sự giữa hai nước cũng mới chỉ ở mức độ gặp gỡ, thống nhất các quan điểm hợp tác trên lý thuyết chứ chưa triển khai trên thực tiễn như các hoạt động tập trận chung, trao đổi quân bị….