B. NỘI DUNG
2.2.2. Quan hệ đầu tư
Trong quan hệ hợp tác kinh tế Trung Quốc - Hàn Quốc từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay còn có một hình thức tương tác quan trọng khác, đó chính là quan hệ đầu tư. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc trở thành nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ Hàn Quốc, ngược lại, trong những năm gần đây, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Hàn Quốc cũng có sự tăng lên đáng kể.
Từ năm 1992, quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc đã có những tiến triển trong lĩnh vực đầu tư. Nếu đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc năm 1992 là 206 triệu USD thì đến tháng 6 - 1998 đã có những bước tiến nhảy vọt, Hàn Quốc đã có 4.800 dự án đầu tư ở Trung Quốc với tổng trị giá 5,9 tỷ USD và Trung Quốc đã trở thành thị trường đầu tư trực tiếp lớn thứ hai của Hàn Quốc. Ngược lại, Hàn Quốc cũng ngày càng thu hút một lượng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc và đã trở thành đối tượng đầu tư trực tiếp lớn thứ 7 của Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho ngành công nghiệp xây dựng của Hàn Quốc. Tính đến cuối tháng 9 - 1998, các nhà thầu xây dựng của Hàn Quốc đã ký được 80 hợp đồng làm ăn với tổng trị giá 4,1 tỷ USD. Ngoài ra, hai nước cũng tích cực mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ô tô, máy bay, điện tử…, hai nước cũng đã thiết lập một ủy ban chung về kinh tế, một ủy ban về
môi trường, và một ủy ban mậu dịch có quy chế gặp gỡ định kỳ để thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương giữa hai nước [65].
Năm 1999, mặc dù vừa trải qua một cuộc suy thoái kinh tế nhưng các công ty của Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến thị trường Trung Quốc. Tháng 3 - 1999, Trung Quốc và Hàn Quốc đã ký 4.500 thỏa thuận về phát triển các công ty vừa và nhỏ. Hàn Quốc dự định sẽ thành lập một chi nhánh thứ hai ở Thượng Hải - trung tâm công nghiệp và thương mại lớn nhất Trung Quốc. Đến cuối năm này, Hàn Quốc đã đầu tư vào Trung Quốc với tổng số vốn là 6,9 tỷ USD.
Sáu tháng đầu năm 2001, đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc đạt 370 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2000, chiếm 33% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Mỹ trong cùng thời gian giảm từ 680 triệu USD xuống còn 230 triệu USD. Theo nhiều chuyên gia kinh tế Hàn Quốc, đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng vì Trung Quốc chuẩn bị gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thành phố Bắc Kinh đã giành quyền đăng cai Đại hội Olympic mùa hè 2008. Các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm thấy cơ hội làm ăn tại Trung Quốc do điều kiện địa lý thuận lợi, chính sách thu hút đầu tư khá thông thoáng, nhân công rẻ và thị trường tiêu thụ tại chỗ gần 1,3 tỷ dân.
Năm 2002, Tập đoàn Hyundai Motor đã khai trương cơ quan đại diện chính ở khu vực và đầu tư khoảng 300 triệu USD vào Trung Quốc. Tập đoàn viễn thông SK và Tập đoàn hóa chất LG đang thúc đẩy việc thành lập các cơ quan đại diện tương tự ở thị trường này. Đặc biệt, SK đã bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan đại diện chính của tập đoàn ở Trung Quốc là người Trung Quốc. Công ty điện tử Samsung, điện tử LG, Posco và các công ty công nghiệp khổng lồ khác cũng là các nhà đầu tư tích cực ở Trung Quốc.
Kết quả là, đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Trung Quốc tăng 14% hàng năm. Chỉ tính riêng trong sáu tháng đầu năm 2001, Hàn Quốc đã đầu tư 414 dự án với trị giá 370 triệu USD. Từ năm 2001, một đoàn đại biểu đông đảo gồm các doanh nghiệp thuộc Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc đã tiến hành khảo sát các thành phố công nghiệp chủ yếu của Trung Quốc để lùng kiếm tiềm năng kinh tế và thảo luận về sự tham gia nhiều hơn của Hàn Quốc vào các công trình xây dựng liên quan đến cơ sở hạ tầng phục vụ cho Olympic Bắc Kinh 2008. Theo Trung tâm tài chính quốc tế Hàn Quốc (KCIF), Trung Quốc với nền kinh tế tăng trưởng hàng năm cao, bất chấp tình hình tụt dốc của nền kinh tế thế giới có nhiều khả năng sẽ bước vào giai đoạn “biến đổi cách mạng về kinh tế lần II” khi gia nhập WTO và là nước chủ nhà Olympic 2008.
Tuy nhiên, cơ quan thúc đẩy Thương mại - đầu tư Hàn Quốc cũng cho rằng, mặc dù có thừa cơ hội làm ăn tại Trung Quốc, các doanh nghiệp Hàn Quốc có khả năng phải đối mặt với những thách thức lớn, vì Bắc Kinh sẽ có lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán thương mại với Seoul và các chính phủ nước ngoài.
Tháng 1 - 2005, Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc cho biết đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Trung Quốc năm 2004 đạt 6,25 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2002 và chiếm 10,3% tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Trung Quốc trong năm qua. Tính tới hết năm 2003, số công ty của Hàn Quốc đầu tư tại Trung Quốc lên tới 4.920 so với 650 công ty trong năm 1992. Một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện phát triển kinh tế Hàn Quốc cho rằng các nhà kinh doanh Hàn Quốc vẫn có xu hướng tiếp tục mở rộng đầu tư tại Trung Quốc vì đây là thị trường tiêu thụ lớn, giá lao động không cao. Tính đến cuối tháng 4 - 2005, đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Trung Quốc thực tế lên tới 27,7 tỷ USD, và Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nước
nhận đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc [88]. Theo một nhà kinh tế của Hàn Quốc, năm 2005, khoảng 40% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc đã rót vào Trung Quốc. Joo Kyung Kim - Phó giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc thông báo đầu tư của nước này tại Trung Quốc đã tăng nhanh cùng với hoạt động thương mại song phương. Ông Joo cho biết 85% vốn đầu tư là tập trung vào hoạt động chế tạo điện tử, chủ yếu tại tỉnh Sơn Đông, Giang Tô và thành phố Thiên Tân. Hình thức đầu tư chính là sự hợp tác lắp ráp và buôn bán, trong đó có các linh kiện chế tạo xuất khẩu sang Trung Quốc để lắp ráp thành các thành phẩm được bán tại Trung Quốc hoặc xuất khẩu.
Đến năm 2006, có khoảng 30.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm ăn tại Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2006, tập đoàn điện tử Samsung lớn nhất Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng hơn 5 tỷ USD tại Trung Quốc. Các hoạt động kinh doanh của Samsung tại đây chiếm tới gần 50% dịch vụ toàn cầu của hãng.
Đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc tại Trung Quốc tính tới tháng 9 -2007 đạt 21,1 tỷ USD với 19.512 dự án. Năm 2009, đạt khoảng 44,7 tỷ USD. Theo số liệu cuối năm 2007, một nửa đầu tư của Hàn Quốc vào nền kinh tế Trung Quốc là vào tỉnh Sơn Đông. Sơn Đông rất gần Hàn Quốc và nhờ ưu thế này có tới 15 trong số 20 xí nghiệp lớn của Hàn Quốc phát triển sự cộng tác với vùng này. Năm 2006 hai bên đã ký kết các văn kiện về 1.225 dự án đầu tư với tổng số vốn là 2,14 triệu USD, chiếm 18% tổng hợp đồng đầu tư nước ngoài của tỉnh. Đến năm 2007, tại Sơn Đông đã khẳng định hơn 20 nghìn dự án có sự tham gia của tư bản Hàn Quốc. Tổng số tiền đầu tư là 23,4 tỷ USD, gần 50% tổng đầu tư của Hàn Quốc vào nền kinh tế Trung Quốc [56; tr. 491].
Tính đến tháng 6 - 2012, tổng vốn đầu tư lũy kế của Hàn Quốc vào Trung Quốc đã vượt ngưỡng 50 tỷ USD, tăng 250 lần so với con số được ghi nhận vào năm khởi đầu của mối quan hệ song phương.
Đầu tư của Trung Quốc vào Hàn Quốc cũng từng bước phát triển. Từ năm 1992, các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào Hàn Quốc. Những năm 1992 -1998, quy mô đầu tư còn nhỏ, chủ yếu vào các ngành nông nghiệp, ẩm thực, chỉ có một số rất ít đầu tư vào công nghiệp chế tạo. Thời gian này, Trung Quốc đầu tư vào Hàn Quốc tổng cộng 320 dự án với tổng số vốn là 454,6 triệu USD [123].
Từ năm 1999, khi Chính phủ Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh đầu tư ở hải ngoại, đầu tư của Trung Quốc ở Hàn Quốc bắt đầu tăng. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã mạnh dạn đầu tư vào một số ngành vốn là thế mạnh của Hàn Quốc, như điện tử, điện lạnh, thiết bị vận tải…Tính đến năm 2005, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào Hàn Quốc 4.381 dự án, tổng số vốn là 1,7 tỷ USD. Mặc dù số lượng hạng mục đầu tư nhiều, nhưng quy mô đầu tư còn nhỏ. Đối với ngành công nghiệp chế tạo có 197 dự án với tổng vốn là 264 triệu USD, bình quân một dự án chỉ có 1,34 triệu USD vốn đầu tư; các ngành công nghiệp phục vụ có 2.615 dự án với tổng vốn 223 triệu USD, bình quân một dự án có số đầu tư là 90 nghìn USD… [123].
Đến tháng 6 - 2009, đầu tư của Trung Quốc vào Hàn Quốc đã đạt mức 2,55 tỷ USD với 6.225 dự án [109; tr. 10]. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, vì thế hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Hàn Quốc có thể sẽ tăng lên nhanh trong vòng 10 đến 20 năm tới.
Như vậy, trong quan hệ đầu tư giữa Trung Quốc và Hàn Quốc thì hoạt động đầu tư của các nhà tư bản Hàn Quốc vào Trung Quốc là chủ yếu do Trung Quốc có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Còn hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Hàn Quốc là không lớn bằng do trình độ phát triển khoa học công nghệ của Trung Quốc chưa đủ sức mạnh để cạnh tranh với Hàn Quốc.