Tình hình và chính sách đối ngoại của Hàn Quốc từ 1992 đến 2013

Một phần của tài liệu Quan hệ trung quốc và hàn quốc từ 1992 đến 2013 (Trang 35)

B. NỘI DUNG

1.3.2. Tình hình và chính sách đối ngoại của Hàn Quốc từ 1992 đến 2013

1.3.2.1. Tình hình Hàn Quốc

Từ trước thập niên 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc vẫn còn là một nước chưa phát triển, nhưng hình ảnh đó bắt đầu thay đổi từ năm 1962, khi Hàn Quốc áp dụng chính sách phát triển kinh tế theo định hướng xuất khẩu và bắt

đầu tích cực tham gia vào thương mại quốc tế. Kinh tế Hàn Quốc bắt đầu phát triển với tốc độ nhanh và đến giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã trở thành nước công nghiệp phát triển mới (NIEs). Trong suốt 30 năm từ 1962 đến 1992, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 9%. Năm 1996, GDP tính theo đầu người của Hàn Quốc đạt 11.385 USD, Hàn Quốc trở thành nước thứ hai ở châu Á (sau Nhật Bản) gia nhập vào tổ chức OECD và đến năm 2002, tổng thu nhập quốc dân của Hàn Quốc đạt 477 tỷ USD, đứng thứ 12 trên thế giới [16; tr. 51].

Đặc điểm của nền kinh tế Hàn Quốc là một nền kinh tế thị trường, nhưng sự điều tiết của Nhà nước đóng vai trò quan trọng. Một số ngành được coi là mũi nhọn của Hàn Quốc là sắt thép, cớ khí, điện tử, bán dẫn, ô tô, đóng tàu, hóa chất. Các thị trường chính của Hàn Quốc là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN và EU. Các tập đoàn của Hàn Quốc đã hiểu được tầm quan trọng của việc tăng thêm giá trị kinh tế bằng việc đầu tư mạnh vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R & D) và Hàn Quốc là một trong những nước trên thế giới chi tiêu nhiều nhất cho hoạt động nghiên cứu và phát triển với tư cách là một phần của nền kinh tế (2,6% GDP).

Năm 1997, Hàn Quốc cùng với một số quốc gia châu Á khác phải chịu những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ. Để tháo gỡ khó khăn, chính phủ Hàn Quốc đã phải chấp nhận vay khẩn cấp của Qũy tiền tệ Quốc tế (IMF) 57 tỷ USD với những điều kiện ngặt nghèo, tiến hành cải cách mạnh mẽ, xây dựng nền kinh tế thị trường dân chủ, phá bỏ quyền lực của các tài phiệt, coi trọng các công ty vừa và nhỏ, giảm sự can thiệp của Nhà nước, chống cấu kết chính trị - kinh doanh, mặt khác, đã áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”, huy động quốc dân quyên góp tiền vàng ủng hộ chính phủ. Kết quả là Hàn Quốc đã thành công trong việc khắc phục khủng hoảng

trong thời gian 3 năm (1998 - 2000), Hàn Quốc đã trả xong nợ của IMF và đến tháng 7 - 2003, dự trữ ngoại tệ đã đạt 133 tỷ USD [16; tr. 52].

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường quan hệ kinh tế, đối ngoại, không chỉ với các nước phát triển mà còn cả với các nước đang phát triển. Tính đến 2005, Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 186 quốc gia, có 95 đại sứ quán, 31 lãnh sự quán và 3 phái đoàn đặc biệt trên toàn thế giới. Các công ty Hàn Quốc tăng cường tìm kiếm nguồn lực bên ngoài và các tập đoàn Hàn Quốc có mặt trong số những tập đoàn tiên phong xâm nhập vào các thị trường phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ.

Với sự phục hồi nhanh sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đến năm 2002 GDP của Hàn Quốc đã đứng thứ 11 thế giới. Từ đó đến nay quy mô nền kinh tế Hàn Quốc luôn đứng trong khoảng từ 11 đến 15 trên toàn thế giới. Hiện nay, Hàn Quốc là nước có tốc độ hồi phục sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 nhanh và mạnh mẽ hơn nhiều so với hầu hết các nước trong Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD), đồng thời có tỷ lệ thất nghiệp và nợ chính phủ thấp. Cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng tuy bị chậm lại do suy thoái kinh tế thế giới, nhưng được vẫn đạt mức 3,5% vào năm 2012. Hàn Quốc vẫn là một trong những nước thành viên OECD có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Nhờ đó khoảng cách thu nhập đầu người giữa Hàn Quốc với Mỹ được rút ngắn từ 62% năm 1991 xuống còn 36% năm 2010. Năm 2011, lần đầu tiên kim ngạch thương mại Hàn Quốc vượt mức 1.000 tỷ USD, một thành tựu mà mới có 9 quốc gia trên thế giới đạt được [118; tr. 5]. Theo số liệu do IMF công bố năm 2010, Hàn Quốc đứng thứ 6 về tăng trưởng kinh tế và thứ 9 về thu nhập bình quân đầu người, đồng thời là nước xuất khẩu lớn thứ 7 trong số các nước thuộc nhóm G20 [118; tr. 10]. Trong

giai đoạn 2000 - 2010 GDP theo đầu người tăng từ 10,8 nghìn USD lên 20,7 nghìn USD.

Như vậy, với “kỳ tích sông Hàn”, nền kinh tế Hàn Quốc đã vươn lên mạnh mẽ, vị thế kinh tế của Hàn Quốc trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của khu vực và thế giới từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, Hàn Quốc cũng đã có những thay đổi lớn trong hợp tác và kinh doanh với các nước nhằm đảm bảo lợi ích và tăng cường vai trò kinh tế của mình trong khu vực và thế giới.

1.3.2.2. Chính sách đối ngoại

Xét về lĩnh vực an ninh truyền thống, theo quan niệm của người Hàn Quốc thì vị trí địa chính trị của Seoul giống như một con tôm nằm giữa bầy cá voi, có nguy cơ bị thương ngay khi những con cá voi lớn trong đàn cá voi bắt đầu giao tranh lẫn nhau. Đằng sau hình ảnh ẩn dụ này là một giả thuyết phổ biến: Hàn Quốc bị bao bọc bởi các siêu cường như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ - có rất ít lựa chọn trong chính sách ngoại giao của mình và buộc phải liên tục co kéo với các đối tác khu vực mạnh hơn mình.

Do đặc điểm quốc gia và địa chính trị của Hàn Quốc như vậy nên người Hàn Quốc luôn phải đối phó với việc tự chủ và sinh tồn. Hàn Quốc phải sống - không tách biệt với những người khổng lồ này và chiến lược tăng trưởng hướng ngoại là chiến lược thích hợp đối với Hàn Quốc. Trong “bốn người khổng lồ toàn cầu”, Hàn Quốc mới chỉ có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với hai, đó là Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, vào những năm 90, Hàn Quốc đã bình thường hóa quan hệ kinh tế với “hai người khổng lồ” còn lại là Trung Quốc và Nga. Do vậy, Hàn Quốc sẽ có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ giống như khi Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản năm 1965. Cùng với thách thức an ninh từ thời Chiến tranh lạnh còn rơi rớt lại có tính chất trái ngược với xu thế toàn cầu hóa, Hàn Quốc một mặt theo đuổi chính sách ngoại

giao liên minh mạnh mẽ với Mỹ, mặt khác thực hiện chính sách ngoại giao đa phương cân bằng.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, sự thay đổi trong chính sách ngoại giao khu vực của Hàn Quốc đã phản ánh diễn biến của Chiến tranh lạnh. Với mục đích đảm bảo an ninh quốc gia, Hàn Quốc trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Bằng chứng điển hình có thể kể đến là việc Tổng thống Păc Chung Hy (Park Chung Hee) cử quân đội Hàn Quốc tham gia Chiến tranh Việt Nam theo yêu cầu của Mỹ. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối thập niên 1980, chính sách ngoại giao của Hàn Quốc được thay đổi khi nước này bình thường hóa quan hệ với những nước đối đầu trước đây như Liên Xô, đồng thời bắt đầu tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc và Việt Nam. Đây được gọi là chính sách “Ngoại giao phương Bắc”.

Thêm vào đó, thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực ngoại giao của Hàn Quốc là “Chính sách Ánh dương”, trong đó ưu tiên hợp tác hơn là đối đầu trong mối quan hệ Liên Triều. “Chính sách Ánh dương” được thực hiện từ năm 2000 đến năm 2008 dưới thời các Tổng thống Kim Tê Chung và Rô Mu Hiên hướng tới việc tăng cường can dự với Triều Tiên nhằm từng bước thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai miền, thay đổi cục diện ngừng bắn trên bán đảo Triều Tiên và khuyến khích những thay đổi về đối nội và đối ngoại của miền Bắc. Hai cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều diễn ra vào tháng 6 - 2000 và tháng 4 - 2007 đã đưa đến hai bản tuyên bố chung quan trọng về quyết tâm của hai miền chấm dứt tình trạng đình chiến, xây dựng chế độ hòa bình vĩnh viễn, hợp tác kinh tế, đoàn tụ gia đình ly tán, từng bước hòa giải dân tộc tiến tới thống nhất đất nước bằng con đường hiệp thương hòa bình.

Tiếp tục tập trung và đóng góp cho thế giới và mở rộng vai trò của mình trên trường quốc tế, Hàn Quốc vẫn giữ mối quan hệ với tất cả các nước

và hoạt động tích cực để cải thiện các mối quan hệ này. Theo số liệu thống kê tạm thời tính từ năm 1948 đến tháng 3 - 2002, Hàn Quốc đã xây dựng và thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, có 91 sứ quán, 29 tòa lãnh sự, 4 văn phòng đại diện và tham gia 95 tổ chức quốc tế.

Nhìn lại suốt những năm 1990, Hàn Quốc đã kiên trì theo đuổi chính sách ngoại giao nhằm đảm bảo sự ủng hộ của thế giới cho hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á, từ đó đặt nền móng cho sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Kể từ đó, Hàn Quốc cũng tích cực thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế để có thể gia nhập hàng ngũ các nước tiên tiến, có một vai trò to lớn xứng đáng với vị trí quốc tế tăng lên của mình. Kể từ tháng 9-1991, Hàn Quốc chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Liên Hợp Quốc. Trong quãng thời gian phát triển hơn 10 năm, tính từ 1991 đến 2002, Hàn Quốc đã là thành viên của 38 cơ quan, tổ chức quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, lần đầu tiên Hàn Quốc nắm cương vị là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc với đại diện là Ông Ban Ki Mun kể từ năm 2008. Đó là một thành công rất lớn và là vinh dự về ngoại giao của Hàn Quốc.

Với cán cân sức mạnh Đông Á đang chuyển dịch từ Nhật Bản sang Trung Quốc, Hàn Quốc giờ đây đang trở nên quan trọng hơn về giá trị chiến lược khi chính quyền Mỹ thực hiện chính sách tái cân bằng hướng về châu Á nhằm kìm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, Hàn Quốc có mục tiêu tham gia xây dựng tam giác Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản thành nòng cốt cho quan hệ hợp tác ở khu vực Đông Á. Tháng 3 năm 2009, Hàn Quốc đã công bố “Chính sách ngoại giao châu Á mới”, thể hiện tham vọng cạnh tranh với Trung Quốc và Nhật Bản về tầm ảnh hưởng trong khu vực. Hàn Quốc cũng chú trọng phát triển quan hệ và tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Nếu so sánh với Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, thì Hàn Quốc không phải là mối đe dọa tiềm tàng đối với

ASEAN. Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về lịch sử với khu vực Đông Nam Á: từng nằm dưới ách thống trị của đế quốc Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ XX, và đều bị Trung Quốc coi là những nước “mọi rợ” thấp kém. Do đó, giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN có sự gần gũi, cùng có mục tiêu chung là vừa đảm bảo lợi ích quốc gia vừa tránh bị chi phối bởi các cường quốc trên thế giới.

Đối với khu vực Đông Á, trong thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, xuất phát từ những biến đổi của tình hình thế giới và khu vực, cũng như nhu cầu phát triển trong nước, Hàn Quốc đã điều chỉnh chính sách đối với khu vực này với những nội dung chủ yếu là: phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, lâu dài, chặt chẽ, tích cực với Trung Quốc; phát triển quan hệ hợp tác thiết thực với Nhật Bản, đồng thời cảnh giác cao độ với việc Nhật Bản hướng tới mục tiêu nước lớn về chính trị - quân sự; tích cực thúc đẩy giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác cùng phát triển, hòa giải dân tộc, chấm dứt tình trạng chia cắt hai miền bán đảo; thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng toàn diện với các nước Đông Nam Á, trong đó cơ bản là lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Như vậy, từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã có nhiều điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của mình nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế đất nước, tăng cường vai trò và ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong đó, nội dung tăng cường quan hệ đối ngoại với Trung Quốc cả về kinh tế, chính trị, đối ngoại và an ninh là một trong những nội dung quan trọng.

Tiểu kết chương 1

Từ năm 1992 đến nay, tức là từ khi hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường hóa quan hệ, tình hình kinh tế - xã hội và đối ngoại của hai nước đã có nhiều chuyển biến quan trọng, tích

cực, vị thế quốc tế không ngừng được nâng lên. Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường trên thế giới và được dự đoán thế kỷ XXI sẽ là “thế kỷ của Trung Quốc”. Còn Hàn Quốc với “kỳ tích sông Hàn” đã trở thành nước công nghiệp phát triển mới và là một trong những nền kinh tế vào loại hàng đầu thế giới.

Dưới tác động của tình hình khu vực, thế giới và xuất phát từ nhu cầu hợp tác để phát triển của từng nước, Trung Quốc và Hàn Quốc đã bỏ qua sự đối lập về ý thức hệ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn để đi đến bình thường hóa quan hệ. Từ đó tới nay, mối quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, nhất là mối quan hệ về kinh tế. Hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đã nâng mối quan hệ lên thành “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược”.

Đều là những quốc gia có vị trí đáng kể trong khu vực, Trung Quốc là một “cường quốc đang trỗi dậy”, còn Hàn Quốc là một trong những nước công nghiệp mới phát triển (NIEs), do đó quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc đang được coi là một trong những cặp quan hệ quyết định đối với sự ổn định và phát triển tương lai của Đông Á. Hơn nữa, hiện nay cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều là đối tác hết sức quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc sẽ giúp cho việc dự đoán xu thế phát triển của khu vực trong tương lai cũng như giúp Việt Nam có chính sách thích hợp trong việc phát triển quan hệ với hai đối tác này. Với ý nghĩa đó, luận văn sẽ đi sâu tìm hiểu và phân tích sự phát triển của cặp quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc kể từ sau bình thường hóa đến nay.

Chương 2

NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU TRONG QUAN HỆ TRUNG QUỐC - HÀN QUỐC TỪ 1992 ĐẾN 2013 2.1. Quan hệ chính trị - ngoại giao và quân sự, an ninh

2.1.1. Quan hệ chính trị - ngoại giao

Ngày 24 - 8 - 2012, Trung Quốc và Hàn Quốc đã long trọng kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mặc dù trong những năm gần đây đã xảy ra những vấn đề làm ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao của hai nước Trung Quốc - Hàn Quốc, song hai nước vẫn nỗ lực phát triển mối quan hệ lên thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược”.

Đầu những năm 1970, sau khi lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc bắt đầu những cuộc gặp gỡ lịch sử, Hàn Quốc cũng tiến hành xem xét lại mối quan hệ của mình với Trung Quốc. Và đặc biệt là từ sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, kinh tế phát triển nhanh chóng, và có ảnh hưởng ngày

Một phần của tài liệu Quan hệ trung quốc và hàn quốc từ 1992 đến 2013 (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w