Trong lĩnh vực giáo dục

Một phần của tài liệu Quan hệ trung quốc và hàn quốc từ 1992 đến 2013 (Trang 86 - 89)

B. NỘI DUNG

2.3.2. Trong lĩnh vực giáo dục

Trung Quốc và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định giao lưu và hợp tác giáo dục. Được sự ủng hộ của chính phủ hai nước, hàng trăm trường đại học và cơ sở giáo dục và đào tạo của hai bên đã tiến hành hoạt động giao lưu, hợp tác với nhiều hình thức phong phú và nội dung linh hoạt, thiết thực.

Hiện nay, hàng trăm nghìn sinh viên Hàn Quốc đang lưu học tại Trung Quốc, chiếm số lượng hàng đầu so với sinh viên nước ngoài tại đây. Các trường Đại học ở Trung Quốc đã nhận lưu học sinh Hàn Quốc sang học tập và nghiên cứu. Năm 1998, Trung Quốc và Hàn Quốc đã ký “Thỏa thuận trao đổi hợp tác giáo dục” và cùng tán thành đẩy mạnh quan hệ tiếp xúc về giáo dục và giảng dạy. Đến năm 2003, số sinh viên Hàn Quốc chính thức học tập tại Trung Quốc là 2,2 vạn người, nếu tính cả những người sang nghiên cứu, học tập ngắn hạn, con số này ít nhất là 3 vạn. Năm 2010, có khoảng 66.000 sinh viên Hàn Quốc đang du học tại Trung Quốc. Những trường Đại học ở Trung

Quốc thu hút sinh viên Hàn Quốc sang học tập và nghiên cứu nhiều nhất là Đại học Bắc Kinh, Đại học ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, Đại học Nhân dân Trung Quốc (Bắc Kinh), Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), Đại học Nam Khai (Thiên Tân), Đại học Sơn Đông... Nghiên cứu sinh, lưu học sinh về Đông y được chủ yếu học tại Đại học Trung y dược Bắc Kinh, Đại học Trung y dược Thượng Hải...

Hán ngữ đã trở thành ngoại ngữ được học nhiều nhất tại Hàn Quốc. Nếu như thập kỷ 60 của thế kỷ XX, ở Hàn Quốc chỉ có vài ba trường đại học mở khoa dạy tiếng Trung, mỗi năm có khoảng 60 sinh viên tốt nghiệp, thì những năm gần đây chuyên khoa tiếng Trung được mở tại 120 trường đại học, với 3.300 sinh viên tốt nghiệp hàng năm. Năm 2010, có hơn 10 trường đại học ở Hàn Quốc có chuyên ngành nghiên cứu Trung Quốc.

Nhu cầu học tiếng Hán ở Hàn Quốc thời gian gần đây thực sự đã tạo nên “cơn sốt Hán Ngữ”. Số lượng học sinh tiểu học, trung học Hàn Quốc học tiếng Hán ngày càng nhiều. Ở Hàn Quốc, ngoài các khoa đào tạo của các trường đại học, có rất nhiều trung tâm dạy tiếng Hán mang tính tự phát của nhân dân để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Từ viên chức chính phủ, nhân viên các công ty đến các tầng lớp khác trong xã hội coi việc học tiếng Hán là “mốt thời thượng”. Hiện nay, nhiều công ty của Hàn Quốc khi tuyển nhân viên đã bổ sung thêm nội dung kiểm tra trình độ sử dựng tiếng Hán. Hàng năm, Trung Quốc đều tổ chức các đợt kiểm tra năng lực tiếng Hán (HSK) dành cho người nước ngoài. Số lượng người Hàn Quốc tham gia luôn chiếm tỷ lệ cao. Năm 2005, toàn thế giới có 88.000 người tham gia, trong đó có 55.000 là người Hàn Quốc, chiếm 62% [126; tr. 65].

Đến năm 2010 đã có khoảng 34.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hàn Quốc. Những trường đại học danh tiếng ở Hàn Quốc có dự án liên kết đào tạo với các trường đại học ở Trung Quốc và hiện có số sinh viên

Trung Quốc học tập đông nhất là Trường Đại học Seoul, Trường Đại học Hanyang, Trường Đại học Korea, Trường Đại học Quốc gia Pusan, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang...

Hiện có khoảng 600.000 đến 800.000 người Hàn Quốc đang cư trú ngắn và dài hạn tại Trung Quốc và con số này dự kiến sẽ lên đến 1 triệu người vào năm 2015 [109; tr. 12].

Trung Quốc đã có một bước khôn khéo trong chiến lược quảng bá sức mạnh mềm văn hóa khi chọn Khổng Tử làm tên gọi cho cơ quan truyền bá tiếng Hán, văn hóa Hán ra toàn thế giới. Từ năm 2005 đến nay, Học viện Khổng Tử có chức năng chủ yếu chuyên đào tạo tiếng Hán và đội ngũ giáo viên dạy tiếng Hán cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tư vấn cho học sinh đến Trung Quốc du học, giới thiệu về Trung Quốc đương đại, làm quen với văn hóa Trung Hoa… Học viện Khổng Tử đã và đang trở thành “tấm danh thiếp” truyền bá tinh hoa văn hóa Hán với hạt nhân là tư tưởng “hài hòa”, “hòa giải”, “hòa bình” của Khổng Tử ra toàn thế giới, trong đó có khu vực Đông Bắc Á. Theo thống kê, tính đến tháng 4/2009, có hơn 300 Học viện Khổng Tử và lớp học Khổng Tử đã được thành lập tại 81 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Tại Châu Á, có 90 học viện Khổng Tử và lớp học Khổng Tử đã được thiết lập tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng ở Hàn Quốc đã lên tới 17 học viện. Điều này càng chứng tỏ quá trình giao lưu giáo dục giữa hai quốc gia Trung Quốc và Hàn Quốc đã và đang được chính phủ và nhân dân hai nước ngày càng quan tâm.

Từ năm 2004, Trung Quốc đã cử trên 2000 tình nguyện viên và giáo viên tới 35 nước làm việc về giáo dục tiếng Hán ở nước ngoài. Những “nhà ngoại giao dân sự” này trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong việc tạo dựng ảnh hưởng xã hội và văn hóa Trung Quốc trong khu vực. Hiện nay, có rất nhiều lưu học sinh Hàn Quốc đang theo học ở Trung Quốc theo chương

trình học bổng Khổng Tử. Bên cạnh việc tăng cường thiết lập các Học viện Khổng Tử, Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các hoạt động hợp tác giáo dục trên toàn thế giới.

Có thể nói, hoạt động hợp tác giáo dục và đào tạo giữa chính phủ hai nước và giữa các trường Đại học của Trung Quốc và Hàn Quốc diễn ra rất sôi nổi và có hệ thống kể từ thời điểm hai nước bình thường hóa đến nay, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên.

Một phần của tài liệu Quan hệ trung quốc và hàn quốc từ 1992 đến 2013 (Trang 86 - 89)