B. NỘI DUNG
2.1.1. Quan hệ chính trị ngoại giao
Ngày 24 - 8 - 2012, Trung Quốc và Hàn Quốc đã long trọng kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mặc dù trong những năm gần đây đã xảy ra những vấn đề làm ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao của hai nước Trung Quốc - Hàn Quốc, song hai nước vẫn nỗ lực phát triển mối quan hệ lên thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược”.
Đầu những năm 1970, sau khi lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc bắt đầu những cuộc gặp gỡ lịch sử, Hàn Quốc cũng tiến hành xem xét lại mối quan hệ của mình với Trung Quốc. Và đặc biệt là từ sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, kinh tế phát triển nhanh chóng, và có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với sự phát triển ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc càng trở nên hệ trọng với Hàn Quốc. Vì vậy, trong quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc bắt đầu thay đổi “tư duy Chiến tranh lạnh”, tích cực phát triển quan hệ với Trung Quốc. Ngay dưới thời Tổng thống Rô Tê U (1988-1993), Hàn Quốc đã xác lập và thực thi chính sách “ngoại giao phương Bắc” với mục tiêu hàng đầu là bình thường hóa quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, mà trước hết là Liên Xô và Trung Quốc, để từ đó góp phần tích cực vào việc hòa giải và cuối cùng đi đến thống nhất hai miền Nam Bắc trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 24 - 8 - 1992, tại Bắc Kinh, ngoại trưởng hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đã ký tuyên bố chung xây dựng quan hệ ngoại giao, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Từ đó, lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đã tiến hành nhiều chuyến thăm lẫn nhau nhằm tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực như kinh tế, chính trị và ngoại giao. Một tháng sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, tức là vào tháng 9 - 1992, Tổng thống Hàn Quốc Rô Tê U, vị nguyên thủ quốc gia Hàn Quốc đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Dương Thượng Côn. Sau khi hội đàm, hai bên đã ra “Thông cáo báo chí Hàn - Trung”. Tháng 3 - 1994, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dâng Sam thăm Trung Quốc, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, mong muốn chính phủ Trung Quốc tích cực thúc đẩy Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên được đồng thời gia nhập Liên Hợp Quốc, và tiếp tục đóng vai trò tích cực trong quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng đã thảo luận về việc ký hiệp định chống đánh thuế hai lần, hiệp định hợp tác văn hóa.
Tiếp đó, tháng 11 - 1995, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân thăm Hàn Quốc, hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dâng Sam, tái xác lập nguyên tắc giải quyết bốn bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tháng 11 - 1998, Tổng thống Hàn Quốc Kim Tê Chung thăm Trung Quốc, sau khi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, đã đưa ra tuyên bố “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Hàn - Trung”, tái xác nhận “một nước Trung Quốc”. Trong lần gặp gỡ này, hai nước đã xác định quan hệ của mình là quan hệ đối tác hướng tới thế kỷ XXI [16; tr. 60]. Như vậy, chỉ trong vòng 6 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Trung - Hàn đã có sự cải thiện đáng kể. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Kim Tê Chung đã mở ra một chương mới trong quan hệ song phương giữa hai nước, là một cơ hội để hai nước thiết lập một “quan hệ đối tác hướng tới thế kỷ XXI” và bàn bạc các biện pháp phối hợp nhằm thúc đẩy tiến trình nói trên.
Cũng nhân dịp này, Giáo sư Hàn Trấn Thiệp - Thư ký Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc của Ủy ban Khoa học xã hội Trung Quốc nói: “Kim Tê Chung là Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc đi thăm Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, và có thể là Tổng thống Hàn Quốc cuối cùng thăm Trung Quốc trước khi thế kỷ này kết thúc. Hướng tới thế kỷ mới, các nước lớn đều đang điều chỉnh các mối quan hệ, việc làm thế nào để xác lập được địa vị quốc tế của mình, khiến sự phát triển của tình hình quốc tế trong thế kỷ XXI có lợi cho nước mình, có thể hoạt động trong khuôn khổ lớn hơn trong tương lai…là những tiêu điểm mà các nhà lãnh đạo cuối thế kỷ quan tâm. Tổng thống Kim Tê Chung cũng không ngoại lệ” [69; tr. 8].
Hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc không có xung đột lợi ích cơ bản trên lĩnh vực chính trị, cũng không vướng mắc các vấn đề lịch sử nên việc hai nước xây dựng và phát triển mối quan hệ ngoại giao mới hướng tới thế kỷ XXI đã chín muồi. Trong hơn 6 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ chính trị giữa hai nước luôn phát triển tốt đẹp, diễn ra nhiều chuyến viếng thăm cấp cao giữa hai bên, chuyến viếng thăm của Tổng thống Kim Tê Chung vừa cũng cố quan hệ hữu nghị vừa tăng cường hợp tác láng giềng.
Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc, tháng 10 - 2000, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã tới Seoul thăm chính thức Hàn Quốc 6 ngày nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. Thủ tướng Chu Dung Cơ nêu rõ sau 8 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc phát triển tốt đẹp, đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước. Chuyến thăm Hàn Quốc lần này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác Trung Quốc - Hàn Quốc bước vào thế kỷ mới. Cũng trong chuyến thăm này, hai nước đã thống nhất chọn năm 2002 làm “Năm trao đổi Trung Quốc - Hàn Quốc”. Thủ tướng Chu Dung Cơ cũng đã đưa ra đề nghị 4 điểm nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thế kỷ XXI. Cụ thể như sau:
1. Tăng cường sự đối thoại và phối hợp giữa các lãnh đạo của hai bên trong các vấn đề liên quan đến sự ổn định, an ninh kinh tế và phát triển ở khu vực cũng như các vấn đề lớn của thế giới. Ngoài ra, hai bên cũng cần tăng cường việc trao đổi tiếp xúc dân gian và thúc đẩy sâu hơn nữa quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực nhằm đưa quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc bước sang thế kỷ mới một cách mạnh mẽ và ổn định hơn.
2. Tích cực mở rộng hợp tác kinh tế song phương bằng cách khám phá thêm các biện pháp hợp tác nhằm tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế mậu dịch giữa 2 nước. Ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên cần tăng cường hợp tác thêm trong các lĩnh vực như công nghệ cao, bảo vệ môi trường, luyện thép, hóa chất và năng lượng.
3. Tăng cường sự phối hợp song phương trong lĩnh vực hợp tác khu vực. Trong quá trình xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, hai bên đã có sự bàn bạc phối hợp khá hiệu quả về việc làm cách nào để đối phó với cuộc khủng hoảng và nhanh chóng ổn định nền kinh tế ở khu vực.
4. Giải quyết một cách kịp thời và đúng đắn các vấn đề nảy sinh trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên. Theo Thủ tướng Chu Dung Cơ, do các quan hệ hợp tác kinh tế, mậu dịch giữa hai bên đã bước vào giai đoạn phát triển nhanh nên không thể tránh khỏi nảy sinh những vấn đề bất đồng nhất định, việc giải quyết các vấn đề này phải dựa trên tinh thần tìm kiếm nguyên nhân thực chất để bàn cách tháo gỡ nhằm đảm bảo đôi bên cùng có lợi và tránh gây tổn hại cho quan hệ hữu nghị hợp tác nói chung giữa hai nước.
Tháng 10-2001, Tổng thống Kim Tê Chung thăm Trung Quốc và đã tiến hành hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Hai bên đã nhất trí xây dựng “quan hệ hợp tác toàn diện”. Chủ tịch Giang Trạch Dân bày tỏ quan điểm ủng hộ tích cực việc cải thiện quan hệ Nam - Bắc Triều Tiên.
Tháng 3-2002, Bộ trưởng Ngoại giao và Ngoại thương Hàn Quốc Chuê Xâng Hông thăm Trung Quốc. Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Chuê Xâng
Hông, Thủ tướng Chu Dung Cơ đánh giá cao những bước phát triển mới trong quan hệ hai nước 10 năm qua và tỏ ý hy vọng mối quan hệ này tiếp tục mở rộng theo tinh thần tuyên bố chung của Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng thống Kim Tê Chung. Năm 2002 cũng là năm hai nước kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Trong 10 năm ngắn ngủi từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc đã phát triển nhanh, toàn diện chưa từng thấy trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Về chính trị, ba đời Tổng thống Hàn Quốc là Rô Tê U, Kim Dâng Sam, Kim Tê Chung đã lần lượt thăm Trung Quốc, các quan chức cấp Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc trở lên đều đã tới thăm Hàn Quốc. Lãnh đạo cao cấp hai nước từng gặp gỡ riêng hơn 20 lần tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác. Các chuyến thăm hoặc hợp tác trên vũ đài quốc tế giữa lãnh đạo cấp cao Trung Quốc - Hàn Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai nước phát triển, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển ở Đông Á và toàn thế giới.
Hiện nay, hai bên đã nhất trí nâng quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc lên giai đoạn mới, giai đoạn hợp tác toàn diện. Chỉ 10 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao đã nâng lên quan hệ hợp tác toàn diện là điều rất hiếm thấy trong lịch sử quan hệ quốc tế, chứng tỏ hai bên không có sự đối lập và xung đột lợi ích căn bản.
Quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc trong 10 năm đầu từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao thu được nhiều thành tựu rực rỡ như vậy chủ yếu do 5 nhân tố: Một là, hai bên đều thông qua phát triển quan hệ kinh tế trên cơ sở bổ sung cho nhau và thu lợi ích lớn. Hai là hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là môi trường bên ngoài cực kỳ quan trọng để Trung Quốc thực hiện mục tiêu xây dựng kinh tế và hiện đại hóa. Ba là, hai nước là láng giềng
gần gũi về địa lý. Bốn là, quan hệ lịch sử. Năm là, sự gần gũi về văn hóa. Vai trò tổng hợp của 5 nhân tố trên làm cho quan hệ hai nước trong 10 năm ngắn ngủi đã có bước phát triển khiến thế giới phải kinh ngạc [84; tr. 7].
Tháng 7 - 2003, Tổng thống Hàn Quốc Rô Mu Hiên đã tới thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc 4 ngày theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Tống thống Rô Mu Hiên đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để bàn về quan hệ hợp tác song phương và những vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai bên đã nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới bằng việc nhất trí và xây dựng và phát triển mối quan hệ đối tác toàn diện. Một trong những chủ đề quan trọng được thảo luận tại cuộc hội đàm là tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Rô Mu Hiên kể từ khi hai ông đảm nhận cương vị lãnh đạo mới. Cũng trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Rô Mu Hiên, hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó khẳng định sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị song phương suốt 11 năm qua và nhất trí xây dựng quan hệ đối tác toàn diện. Trong Tuyên bố chung, Trung Quốc và Hàn Quốc thể hiện thống nhất lập trường về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên phải được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại. Hai bên thống nhất rằng cuộc đàm phán giữa Mỹ, CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc tại Bắc Kinh tháng 4 vừa qua là hữu ích và hy vọng tiến trình đối thoại này cần tiếp tục nhằm giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên một cách tích cực. Hai bên nhất trí tăng cường cuộc gặp cấp lãnh đạo, các chuyến thăm lẫn nhau, mở rộng các kênh và cơ chế hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy hợp tác y tế, xây dựng, thương mại. Tuyên bố chung cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Hàn Quốc đối với chính sách “Một nước Trung Quốc” [86].
Năm 2005, Thủ tướng Hàn Quốc Li He Chan đã đến thăm Trung Quốc và đã được nước chủ nhà đón tiếp long trọng. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo lần lượt tiếp và thảo luận một số biện pháp thúc đẩy phát triển quan hệ song phương. Hội đàm chính thức giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, trong đó đồng ý thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước. Trong tình hình liên minh Mỹ - Nhật tăng cường bao vây đối với Trung Quốc, quan hệ hợp tác chặt chẽ Trung Quốc - Hàn Quốc sẽ làm thay đổi cục diện của cả châu Á.
Sau 13 năm Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, không chỉ quan hệ về kinh tế ngày càng trở nên mật thiết, mà cả lòng tin lẫn nhau về chính trị không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc Rô Mu Hiên từng nói rằng “Không cho phép quân đội Mỹ lợi dụng căn cứ ở Hàn Quốc để can dự vào cuộc chiến tranh ở vùng biển Đài Loan và Hàn Quốc không tham gia vào mục tiêu chiến lược chung bao vây Trung Quốc của Mỹ, Nhật Bản”. Tuyên bố hiếm thấy này đã càng làm tăng thêm lòng tin của Bắc Kinh đối với Hàn Quốc. Đây cũng chính là lý do vì sao mà Ông Rô Mu Hiên đã bị Tổng thống Mỹ Bush đối xử lạnh nhạt trong chuyến thăm Mỹ sau đó. Hiện nay, xuất phát từ tính toán lợi ích quốc gia, Hàn Quốc đã “xích lại với Trung Quốc”, xây dựng chiến lược quốc gia dân tộc tự chủ. Trong tình hình này, quan hệ hợp tác toàn diện Trung Quốc - Hàn Quốc có thể làm thay đổi cục diện của cả châu Á [91].
Tuy nhiên, năm 2005, quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc đã trở nên căng thẳng sau khi chính phủ Hàn Quốc lên án Trung Quốc can thiệp và ngăn cản cuộc họp báo của các nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc tại khách sạn Trường Thành ở Bắc Kinh. Bình luận về quan hệ hai nước thời điểm đó, tờ “Thái Dương” Hồng Kông viết: Ngay khi bước vào năm mới, Trung Quốc gặp phải “bất lợi”
trong quan hệ với các nước láng giềng bởi hành động thô bạo ngăn chặn cuộc họp báo của các nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc ở Bắc Kinh ngày 12 tháng 1. Đây là hành động mà dư luận thế giới rất khó chấp nhận. Mặc dù quan chức bộ Ngoại giao hai nước cố gắng xử lý vấn đề này một cách lặng lẽ, êm thấm, nhưng dư luận công chúng Hàn Quốc lại tỏ ra phẫn nộ đối với Trung Quốc. Điều này rõ ràng làm cho uy tín quốc tế của Trung Quốc bị suy giảm. Bài báo kết luận: Qua sự kiện trên càng cho thấy hai nước cần phải mở rộng trao đổi quan hệ và đối thoại với nhau hơn nữa để tăng thêm hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, từ đó có thể xử lý quan hệ hai nước tốt hơn nữa khi những tình huống khó xử xảy ra.
Bước sang năm 2006, quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc cũng diễn ra