Khẳng định vị thế của TP.Biên Hòa trong Vùng thành phố Hồ Chí Minh:

Một phần của tài liệu vị thế của thành phố biên hòa trong vùng thành phố hồ chí minh từ góc độ phân tích không gian địa lý (Trang 124 - 128)

− Sau khi phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của TP. Biên Hòa trong mối tương quan với một số đô thị trong mạng lưới thuộc vùng TP.HCM, ta thấy TP.Biên Hòa có vị thế quan trọng trong vùng thành phố HCM thể hiện qua các mặt vị trí, dân số - lao động, trình độ phát triển kinh tế, mật độ sản xuất công nghiệp cao, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, khả năng thu hút đầu tư lớn…và điều quan trọng là các yếu tố góp thành vị thế này ở Biên Hòa đều ổn định và bền vững khẳng định trong nhiều thập kỷ qua.

− Trải qua quá trình hình thành phát triển suốt 300 năm lịch sử, Biên Hòa đã tạo được bản sắc riêng trong mạng lưới đô thị của vùng TP.HCM, bản sắc đó được tạo ra khi thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế theo đúng chức năng mà thành phố được quy hoạch phát triển: thành phố công nghiệp.

− Song song với mục tiêu phát triển kinh tế, luôn là nhiệm vụ phát triển xã hội, và trong khi phát triển công nghiệp, thành phố cũng đồng thời thực hiện tiến trình đô thị hóa, nên Biên Hòa nhanh chóng và thuận lợi đạt được mục tiêu phát triển xã hội: đô thị hóa.

− TP.Biên Hòa ngoài mối quan hệ nội vùng với các đô thị lân cận như Trảng Bom, Thạnh Phú, Vĩnh An, Tam Phước, Long Thành, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai; còn liên kết gắn bó với các đô thị Thủ Dầu Một, Dĩ An, Uyên Hưng của tỉnh Bình Dương về kinh tế, thương mại, chỗ ở, chỗ làm việc, về dịch vụ xã hội và hệ thống kỹ thuật hạ tầng. Không có mô hình quy hoạch đô thị nào có thể được thỏa mãn nếu việc chuẩn bị thiếu đi sự liên hệ với sự phát triển của toàn bộ vùng xung quanh thành phố. Sự liên kết này phát triển tự nhiên do vị trí gần nhau trên 1 khu vực địa lý, thể hiện mối quan hệ tương hỗ gắn bó giữa hai đô thị láng giềng, và kết quả là các đô thị này đã tiến bộ nhanh trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Thủ Dầu Một, hiện nay đã tạo được lợi thế cạnh tranh nhất định với Biên Hòa. Lợi

thế cạnh tranh của Thủ Dầu Một có thể tạo ra bởi một vài yếu tố thuận lợi (tốc độ tăng trưởng nhanh, thành phố mới năng động…) nhưng chỉ trong thời gian ngắn nên lợi thế này cạnh tranh xét ở tầm vi mô, trong khi vị thế cạnh tranh của TP. Biên Hòa được tổng hợp từ sự hội tụ của nhiều yếu tố lợi thế trong suốt thời gian dài nên có tầm vĩ mô. Như vậy, bạn láng giềng thân thiết cũng là đối thủ cạnh tranh của Biên Hòa - Thủ Dầu Một, cần có thêm thời gian để khẳng định vị thế đô thị để tạo được vị trí bên cạnh chứ không phải phía sau của Biên Hòa trong các cơ hội phát triển.

− Kết quả tốt đẹp này tuy chưa thể nói là mỹ mãn để duy trì tốc độ tăng trưởng hay giữ vững hướng phát triển của hiện tại, nhưng so với các đô thị trong vùng thành phố HCM, nếu đánh giá sự phát triển đô thị thực sự là yếu tố mức sống của dân cư và sự tăng trưởng ổn định qua các giai đoạn phát triển kinh tế, thì Biên Hòa là thành phố giữ vị trí thứ ba trên hành trình tiến về đích phát triển đô thị toàn diện về kinh tế - xã hội, sau TP.HCM và thành phố Vũng Tàu. Như vậy, theo tinh thần Đại hội VIII (tháng 6/1998) đã nêu: “Khai thác thế mạnh của cả nước, của mỗi vùng, mỗi ngành tạo ra sự phát triển hài hòa giữa các vùng lãnh thổ” thì chính là TP. Biên Hòa đã thành công trong việc khai thác tổng hợp các vị thế và tiềm năng để phát triển đô thị.

2/ Kiến nghị nhằm nâng cao vị thế của TP. Biên Hòa trong Vùng thành phố Hồ Chí Minh trong định hướng đến tương lai năm 2020:

Là thành phố trên 300 năm tuổi, Biên Hòa chỉ phát triển không gian đô thị trong phạm vi ranh giới cũ nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và lợi thế địa hình. Nhằm nâng cao vị thế của TP. Biên Hòa trong vùng TP.HCM theo định hướng phát triển đô thị trong quy hoạch tổng thể vùng thành phố HCM đến năm 2020, tác giả có một số kiến nghị để giúp Biên Hòa phát triển tốt hơn:

− TP. Biên Hòa cần nghiên cứu khắc phục một số khiếm khuyết trong những năm qua như đã quá tập trung về xây dựng công nghiệp, chưa chú ý xây dựng khu dân cư, cơ sở hạ tầng và môi trường sống đô thị, nghĩa là bên cạnh nhiệm

vụ phát triển kinh tế, Biên Hòa cần chăm lo tốt hơn đến đời sống người dân thành phố cả về vật chất và tinh thần.

− Quy hoạch chung TP. Biên Hòa cần xác định lại qui mô dân số, qui mô đất đai để chọn hướng phát triển đô thị, cần quy hoạch lại và chuyển một phần đất quân sự sang đất ở và chuyên dùng khác. Thực tế trong những năm qua đã dịch chuyển đất quốc phòng sang đất công nghiệp hơn 1000 ha và đất giáo dục 35 ha, nhưng tỉ lệ đất quốc phòng chiếm 23,1% so với đất ở chỉ chiếm 15,1% [16].

− Xây dựng TP. Biên Hòa đồng bộ về mọi mặt, chú ý cơ sở hạ tầng phù hợp với một thành phố công nghiệp hiện đại, bền vững. Các ban ngành tham gia quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng cần hợp tác chặt chẽ hơn để tránh lãng phí thời gian và kinh phí trong mỗi dự án quy hoạch.

− Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, thành phố cần chú ý đầu tư đổi mới công nghệ, trang bị kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm các ngành công nghiệp hiện có. Tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với xu hướng chung của thế giới, khu vực và trong khả năng của thành phố như: cơ khí chế tạo; điện tử, công nghệ thông tin; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ cho việc tạo ra các giống cây, con chất lượng cao và chế biến nông - lâm sản; ứng dụng công nghệ chế tạo vật liệu mới; các ngành công nghiệp chủ lực phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

− Phát triển các khu công nghiệp của thành phố phải phù hợp với chiến lược phát triển và phân bố lực lượng sản xuất của toàn vùng, có mối quan hệ hợp tác và phân công hài hòa với các khu công nghiệp của các huyện và tỉnh lân cận trong một thể thống nhất. Phát triển công nghiệp phải đảm bảo môi trường bền vững.

− Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến. Chú trọng phát triển các loại rau, quả, thực phẩm sạch (đáp ứng nhu cầu dân cư thành phố). Phát triển nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và hạ tầng kỹ thuật như: điện, giao thông, nước sạch, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, nhà ở và phát triển giáo

dục nâng cao mặt bằng văn hóa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nhằm giảm áp lực lên TP.HCM.

− Hệ thống giao thông vận tải, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, vệ sinh đô thị của thành phố phải được nâng cấp, phát triển từng bước theo kế hoạch, quy hoạch dài hạn theo hướng hiện đại, ngang tầm trình độ về công nghệ và tổ chức quản lý của các đô thị loại I trong nước và các đô thị văn minh, tiên tiến trong khu vực.

− Nghiên cứu, tổ chức thực hiện quy hoạch và kiến trúc đô thị để thành phố phát triển hiện đại nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc dân tộc; gìn giữ, tôn tạo và khai thác các di tích lịch sử, văn hóa, tiêu biểu và cảnh quan thiên nhiên.

− Phát triển và từng bước xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, xã hội tương xứng với phát triển kinh tế và đáp ứng yêu cầu của trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh Đồng Nai. Tổ chức đời sống dân cư đô thị theo hướng văn minh hiện đại nhưng phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Coi trọng việc đào tạo và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và tỉnh.

− Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Biên Hòa cần nghiên cứu quy hoạch vùng ngoại thành TP. Biên Hòa theo hướng đảm bảo sự phát triển đồng bộ, hài hòa đối với một thành phố lớn. Quản lý chặt chẽ quá trình đô thị hóa và đầu tư, xây dựng. Kết hợp cải tạo, chỉnh trang khu đô thị cũ và mở rộng đô thị mới ở 4 xã mới sát nhập vào Biên Hòa (Long Hưng, Phước Tân, Tam Phước, An Hòa) theo đúng quy hoạch và đảm bảo các chỉ tiêu về quy hoạch. Hạn chế tăng dân số tự nhiên và cơ học kết hợp với bố trí lại dân cư.

Tóm lại, giai đoạn từ nay đến năm 2020 là thời kỳ rất quan trọng và có nhiều tiền đề, cơ hội để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ nền kinh tế xã hội của TP. Biên Hoà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CNH - HĐH đất nước. Từ vị trí và vai trò của TP.Biên Hoà đối với Tỉnh Đồng Nai và VKTTĐPN cũng như vùng thành phố HCM mới thành lập, trên cơ sở tận dụng các lợi thế so sánh, phấn đấu phát triển

kinh tế đạt mức GDP bình quân đầu người năm 2020 gấp 5 - 6 lần năm 2000 là 5000 – 6000 USD (giá năm 2000) [52]

Tuy vậy, TP Biên Hòa cũng vướng mắc một số khó khăn nhất định trong tiến hành quy hoạch vì TP Biên Hòa được hình thành qua quá trình xây dựng phát triển tự phát, để lại một hiện trạng đô thị bề bộn, lộn xộn. Vì vậy việc cải tạo chỉnh trang mở mang đô thị theo hướng HĐH chắc chắn phải được đầu tư đúng mức, với sự quyết tâm, thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện, tiến hành từng bước. Cần ưu tiên xây dựng hệ thống đường phố và các công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước), quy hoạch và triển khai xây dựng các khu tái định cư, các khu dân cư mới, cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị. quá trình phát triển công nghiệp và phát triển dân cư kéo theo sự mở rộng công cuộc xây dựng. Do đó, rất cần thiết có một chủ trương chính sách và quy chế quản lý xây dựng Thành phố đồng bộ và hiệu quả, đào tạo cán bộ, tổ chức bộ máy quản lý xây dựng đô thị, tiếp tục lập các quy hoạch chi tiết, các dự án xây dựng, thông báo các quy hoạch cho nhân dân, tuyên truyền giáo dục nhân dân hiểu biết về quy hoạch và nghiêm chỉnh thực hiện quy hoạch, quy chế xây dựng Thành phố.

Một phần của tài liệu vị thế của thành phố biên hòa trong vùng thành phố hồ chí minh từ góc độ phân tích không gian địa lý (Trang 124 - 128)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)