Lịch sử hình thành đô thị:

Một phần của tài liệu vị thế của thành phố biên hòa trong vùng thành phố hồ chí minh từ góc độ phân tích không gian địa lý (Trang 34 - 36)

7/ Cấu trúc của đề tài:

1.2.1/ Lịch sử hình thành đô thị:

Quá trình hình thành đô thị trong lịch sử nhân loại có thể khái quát trải qua 3 giai đoạn sau đây :

Giai đoạn thứ nhất : Trong giai đoạn này các điểm dân cư và đô thị chưa hình thành. Loài người đã trải qua một giai đoạn dài hàng triệu năm trong lịch sử với cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, hoạt động bằng phương thức săn bắt thú rừng, hái lượm những loại sản vật có sẵn trong tự nhiên. Lúc này con người chưa biết trồng trọt, chăn nuôi mà chỉ tận dụng những sản vật có sẵn trong tự nhiên. Con người sống du canh, du cư, các thị tộc, bộ lạc rày đây mai đó trong những khu rừng, những nơi có sản vật tự nhiên.

Giai đoạn thứ hai : Trong quá trình phát triển của lịch sử loài người, con người từ bỏ dần cuộc sống du canh, du cư khi nghề trồng trọt, chăn nuôi ra đời. Do nhu cầu cuộc sống gắn bó với sản xuất nông nghiệp, con người định cư, lao động và sinh sống trong các điểm dân cư tập trung gọi chung là điểm dân cư nông thôn (làng, bản…)

Giai đoạn thứ ba : Trong quá trình vận động, do kinh tế nông nghiệp phát triển, con người có nhu cầu sống ngày càng cao hơn, một bộ phận dân cư lao động tách ra khỏi sản xuất nông nghiệp để hoạt động thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, quản lý xã hội… những người này và gia đình của họ tập trung lại,

sinh sống tại các địa điểm phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có đặc điểm chủ yếu là lao động phi nông nghiệp. Đó là điểm dân cư đô thị.

Như vậy, đô thị được hình thành xuất phát từ lịch sử phát triển kinh tế - xã hội, do sự phân công lao động xã hội mà chủ yếu là thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động trong nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp.

Lịch sử hình thành đô thị ở Việt Nam còn có điểm thú vị là từ “đô thị” trong tiếng Việt nếu được chiết tự sẽ thể hiện lịch sử hình thành của từ “đô thị” cũng gắn liền với lịch sử hình thành đô thị ở nước ta.

+ “đô”:kinh đô, kinh thành thể hiện ý nghĩa hành chính, quân sự + “thị”:chợ, phố, phường  thể hiện ý nghĩa kinh tế, xã hội

Dọc theo chiều dài lịch sử đất nước và dân tộc, “đô” và “thị” ở Việt Nam trải qua nhiều biến cố phức tạp mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trong việc phân định “đô” và “thị”, yếu tố nào có trước, yếu tố nào xuất hiện sau, tất cả chỉ có thể cùng chắc chắn một điều là đã có sự “cộng sinh không gian” giữa hai yếu tố này và kết quả tạo ra chính là “đô thị” theo nghĩa cơ bản, bản chất nhất của từ “đô thị”. Không bàn đến vấn đề yếu tố nào xuất hiện trước tạo tiền đề cho yếu tố sau, trong mối quan hệ “cộng sinh không gian” này, rõ ràng “thành” (đô) giữ vai trò chủ đạo hạt nhân với những thành quách, cung điện và “thị” (phố, phường, chợ) mang tính bổ trợ, tạo nên lịch sử dài của “đô thị” qua các thời đại lịch sử đất nước [40].

Dọc theo tiến trình lịch sử, đô thị được nhìn nhận theo tính chất của nền kinh tế chủ đạo đã sản sinh ra nó. Do nền kinh tế công nghiệp có tác động mạnh đến sự phát triển của xã hội thông qua khối lượng vật chất làm ra nên công nghiệp tác động mạnh đến những giai đoạn cách mạng của đô thị và được lấy làm “điểm tựa” để xem xét tính chất của đô thị. Như vậy, xã hội nông nghiệp sẽ sản sinh ra đô thị tiền công nghiệp – pre-industrial city (sản xuất tiểu thủ công nghiệp), xã hội công nghiệp sẽ có đô thị công nghiệp industrial city (sản xuất công nghiệp), và xã hội hậu công nghiệp sẽ có đô thị hậu công nghiệp – post-industrial city (sản xuất tri thức khoa học và công nghệ).

Một phần của tài liệu vị thế của thành phố biên hòa trong vùng thành phố hồ chí minh từ góc độ phân tích không gian địa lý (Trang 34 - 36)