7/ Cấu trúc của đề tài:
1.3.3/ Quy hoạch vùng:
1.3.3.1/ Các khái niệm liên quan đến “vùng” :
“Vùng” là một khái niệm được sử dụng rất rộng rãi trong các khoa học, như: quy hoạch, kiến trúc, địa lý, môi trường, các ngành kinh tế - xã hội… Các quan niệm và nhận biết về “vùng” rất khác nhau, phụ thuộc vào mục đích của người nghiên cứu, như: vùng sinh thái, vùng phát triển, vùng chậm phát triển, vùng kinh tế, vùng (không gian) văn hóa, vùng du lịch, vùng cư trú, vùng tự nhiên… Tuy nhiên, đứng trên góc độ địa lý, bản chất vùng có một nét chung: “vùng là một khái niệm không gian (lãnh thổ), là hình thức kết cấu của vùng đất chiếm một không gian nhất định trên bề mặt trái đất, dựa vào điều kiện vật chất khác nhau làm đối tượng” [35].
“Vùng kinh tế” là một bộ phận lãnh thổ nguyên vẹn của nên kinh tế quốc dân cả nước “…có các hoạt động KT - XH tiêu biểu, thực hiện sự phân công lao động xã hội trên phạm vi cả nước. đây là loại vùng có quy mô diện tích, dân số ở cấp lớn nhất, phục vụ việc hoạch định các chiến lược, các kế hoạch phát triển theo lãnh thổ cũng như để quản lý các quá trình phát triển KT - XH trên mỗi vùng của đất nước”[35].
“Các vùng kinh tế là những bộ phận lãnh thổ của nền kinh tế quốc dân đã được chuyên môn hóa ở mức độ nhất định, có những quan hệ qua lại với nhau bởi các hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên diễn ra trên lãnh thổ đó và bởi những quan hệ KT - XH khác”[43]. Và các vùng kinh tế này mang năm đặc trưng cơ bản là: tính hệ thống, tính cấp bậc, tính đặc thù, tính tổng hợp và tính tổ chức.
Trước đây, các vùng kinh tế được quan tâm nghiên cứu nhiều vì tầm quan trọng của mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nhưng khi công nghiệp và dịch vụ tăng tốc độ phát triển thì sự phân công theo lãnh thổ này kéo theo sự phát triển đô thị, chính là đang diễn ra hiện tượng đô thị hóa trong xã hội. Với tốc độ phát triển KT - XH của các thành phố như hiện nay, công tác quy hoạch đô thị đang dần không đáp ứng nổi khả năng mở rộng quy mô và tăng tốc độ đô thị hóa của các đô thị nên xu thế tất yếu là đặt ra vấn đề quy hoạch vùng thành phố nhằm tạo không gian mới, vị thế mới và những mối liên kết mới cho sự phát triển của mạng lưới đô thị (city net) trong vùng, từ đây khái niệm “vùng thành phố” dần dần được định hình trên những dự án nghiên cứu của các nhà quy hoạch, địa lý, kiến trúc, đô thị, môi trường…
Quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng đô thị đều nhằm mục tiêu phát triển đô thị, nhưng khác nhau ở phương diện quy mô và khả năng liên kết ngoại vùng của các đô thị. Một đô thị dù được quy hoạch tốt đến mức nào thì sự phát triển của đô thị đó sẽ một lúc nào đó đến “ngưỡng” (giới hạn về mặt không gian lãnh thổ), và đô thị này không thể chứa trong nó toàn bộ nền KT - XH đang phát triển cao và có xu hướng tăng mạnh hơn nữa, nên đô thị này cần đô thị đối trọng và đô thị vệ tinh để hỗ trợ và chia sẻ mọi vấn đề chỗ ở, lao động… Mà những việc này nếu phải diễn ra
giữa các ranh giới đô thị thì sẽ vấp phải nhiều phiền toái về thủ tục hành chính hoặc quản lý giữa các chính quyền đô thị… nên giải pháp tốt nhất hiện nay chính là quy hoạch vùng đô thị. Quy hoạch vùng đô thị sẽ giúp cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, hệ thống cấp – thoát nước, các trục đường giao thông liên vùng, hệ thống mạng lưới viễn thông…được diễn ra đồng đều trên toàn vùng, tránh sự đầu tư manh mún, thiếu đồng bộ và thiếu sự hợp tác giữa các đô thị trong vùng, gây tốn kém chi phí mà lại không đạt hiệu quả cao cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, công trình quy hoạch vùng thành phố ngày càng cấp thiết hơn.
1.3.3.2/ Khái niệm về “quy hoạch vùng” :
“Quy hoạch vùng là lý luận và thực tiễn phân bố hợp lý nhất trên lãnh thổ của vùng các xí nghiệp sản xuất, giao thông liên lạc và các điểm dân cư với sự tính toán tổng hợp các nhân tố và các điều kiện địa lý, kinh tế, kiến trúc xây dựng, kỹ thuật công trình” (E.N.Pertxik, Quy hoạch vùng) [42].
“Quy hoạch vùng là phương pháp phân bố cụ thể kinh tế và dân cư, cấu trúc hạ tầng sản xuất xã hội trên một lãnh thổ tương đối không lớn” (N.N.Neekraxov,
Kinh tế vùng) [42].
Quy hoạch vùng đặc biệt được coi trọng ở những nước, những vùng đang tăng trưởng mạnh về KT – XH, CNH - ĐTH nhanh. Ở đây, quy hoạch vùng thường gắn liền với quy hoạch kiến trúc xây dựng đô thị và hệ thống các công trình kỹ thuật cho sản xuất , dịch vụ và sinh hoạt dân cư. Nội dung của quy hoạch vùng đầy đủ và toàn diện hơn phân vùng kinh tế, bao gồm cả sản xuất – dân cư – cấu trúc hạ tầng. Thời hạn quy hoạch vùng thông thường từ 5 năm đến 15 năm, trong khi thời hạn của phân vùng kinh tế thông thường phải là 15 - 20 năm trở lên. Quy mô của vùng được tiến hành quy hoạch vùng căn bản thường phải nhỏ hơn vùng kinh tế lớn và lớn hơn một đơn vị sản xuất với quy mô vừa phải, tương đương với các vùng cấp 2 (tỉnh và thành phố), các vùng cấp 3 (quận, huyện, thị xã…), các trung tâm đầu mối công nghiệp, các khu chế xuất… do yêu cầu phải đảm bảo tính cụ thể của quy
hoạch vùng. Rộng hơn một chút có thể quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm có quy mô bao trùm một số tỉnh, thành phố.
Quy hoạch vùng trong điều kiện và đặc điểm phát triển KT - XH của Việt Nam hiện nay chủ yếu là quy hoạchđịnh hướng phát triển KT - XH và phân bố các lực lượng sản xuất phù hợp với định hướng chiến lược phát triển chung của cả nước. Quy hoạch vùng là cơ sở KT - XH để quy hoạch kiến trúc xây dựng các hệ thống công trình trọng điểm và dân cư, cấu trúc hạ tầng.
Nội dung cụ thể của quy hoạch vùng:
Phần 1: Xác định mục đích, yêu cầu của đợt quy hoạch. Phần 2: Đánh giá hiện trạng vùng.
Phần 3: Định hướng phát triển và phân bố các lực lượng sản xuất vùng.
Các nguyên tắc quy hoạch vùng: hiệu quả tổng hợp, tối ưu tương đối, tầm xa ảnh hưởng, cụ thể về mặt địa lý, tìm định hướng bền vững, phát triển các khâu cơ bản, nhiều phương án, kế thừa hiệu quả quy hoạch cũ, phản ứng dự trữ, hiện thực.
Ý nghĩa và tầm quan trọng của “quy hoạch vùng đô thị”:
Thế kỷ XXI thời hiện đại, khoa học kỹ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển KT - XH của nhiều quốc gia hoặc nhóm các quốc gia. Kinh tế tri thức ngày càng giữ vai trò to lớn đối với nhân loại. “liên kết, khu vực hóa, toàn cầu hóa” và sự tăng cường các mối quan hệ liên vùng đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa hợp tác và vừa cạnh tranh. Hội nhập trong bối cảnh này, vấn đề “quy hoạch vùng đô thị” càng có ý nghĩa đặc biệt hơn, đảm nhiệm vai trò điều tiết vĩ mô (do quy hoạch vùng thành phố thuộc khung độ quy hoạch không gian vĩ mô) và tổ chức lãnh thổ của quy hoạch vùng, mà hai nhiệm vụ này đều đã vượt ra khỏi phạm vi của “quy hoạch đô thị”, do đó, quy hoạch vùng ra đời nhằm thực hiện các mục đích sau:
+ Bố trí, sắp xếp hợp lý các hoạt động của con người trên lãnh thổ phù hợp với đường lối, chính sách quốc gia về phát triển KT - XH và tổ chức hành chính - chính trị.
+ Phân bố và tổ chức tối ưu các hoạt động theo lãnh thổ với tầm nhìn hướng về tương lai.
+ Bảo vệ môi trường, phòng chống các thảm hoạ thiên nhiên. + Đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Tiểu kết chương 1:
Chương 1 giới thiệu một số khái niệm về vị thế và nêu tầm quan trọng của việc đánh giá vị thế đô thị, góp thêm một khía cạnh nghiên cứu mới về đối tượng đô thị vốn đã rất quen thuộc trong địa lý kinh tế - xã hội. Trước đây, đô thị được đánh giá dựa trên những tiêu chí như tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hay chậm, quy mô GDP lớn hay nhỏ, tốc độ đô thị hóa nhanh hay chậm, dân số đô thị nhiều hay ít…nhưng mỗi yếu tố này chỉ đánh giá được một mặt nào đó của đô thị, không bao quát hết được toàn diện sự phát triển hiện tại và dự báo được tiềm năng phát triển trong tương lai của đô thị. Mặt khác, trong thời đại nền kinh tế tri thức hiện nay, vấn đề đánh giá đô thị không chỉ đơn giản là tổng hợp các giá trị kinh tế đô thị tạo ra hoặc số lượng dân số thành thị…mà còn phải phân tích sức hút của đô thị đối với các đô thị khác trong bán kính từ gần tới xa để dự báo tương lai phát triển của đô thị. Điều này khác với các tiêu chí đánh giá đô thị trước đây, ví dụ như tiêu chí tốc độ đô thị hóa thường được dùng để đánh giá tốc độ phát triển của đô thị (thể hiện qua 3 yếu tố diện tích đô thị, dân số đô thị và lối sống thành thị phổ biến trong dân cư), nhưng hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh quá, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho xã hội đô thị, vậy với cách nhận định như vậy thì phải chăng giải pháp để triệt tiêu hậu quả tiêu cực đó chính là giảm tốc độ đô thị hóa của TP.HCM? Tiếp tục suy nghĩ theo hướng này thì chủ trương ĐTH – HĐH sẽ triển khai như thế nào khi đô thị đầu đàn bị chặn lại? Vì lý do này, chúng ta cần một vị trí cao và xa hơn ở tầm vĩ mô để đánh giá đúng bản chất của vấn đề phát triển đô thị. Do đó, vị thế đô thị là hướng nghiên cứu đúng và phù hợp trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
Ngoài ra, chương 1 còn cung cấp thêm cơ sở lý luận về quy hoạch vùng và quy hoạch xây dựng vùng. Quy hoạch xây dựng vùng là phương pháp để hiện thực hóa nội dung phân vùng đô thị trên thực tiễn. Quy hoạch vùng đô thị có vai trò tổ chức lãnh thổ vùng đô thị và điều tiết sự phát triển đô thị ở tầm vĩ mô; vì vậy, công tác quy hoạch vùng đô thị sẽ định hướng cho sự phát triển chung cho vùng thành phố lớn, giúp vùng thành phố khai thác hợp lý các lợi thế sẵn có và tạo điều kiện để
các địa phương trong vùng thành phố hợp tác và chia sẻ để phát triển theo định hướng chung.
Đối tượng nghiên cứu trong đề tài này là vị thế đô thị Biên Hòa; do đó, những khái niệm liên quan về đô thị, đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng… và lịch sử hình thành đô thị cũng được nhắc đến trong chương 1 của đề tài. Tuy vị thế là một vấn đề mới, nhưng việc nghiên cứu vị thế đô thị cần phải tiến hành trên cơ sở kế thừa những thành tựu nghiên cứu trước đây về đô thị. Nhắc lại lịch sử hình thành đô thị để thấy việc thành lập vùng đô thị là sự phát triển tất yếu của quá trình đô thị hóa và quy hoạch vùng đô thị nhằm mục đích quản lý đô thị ở cấp vĩ mô. Trong không gian mới của vùng đô thị, các đô thị nhỏ cùng với đô thị trung tâm đã hợp nhất lại thành 1 đô thị mới có vị thế lớn hơn, tăng khả năng hội nhập và cạnh tranh phát triển trong nền kinh tế tri thức thời hiện đại.
Tóm lại, chương cơ sở lý luận đề cập đến những khái niệm cơ bản nhất của vấn đề được nghiên cứu trong đề tài.
Chương 2 : HIỆN TRẠNG VỊ THẾ CỦA THÀNH PHỐ BIÊN HÒA TRONG VÙNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ GÓC ĐỘ PHÂN TÍCH KHÔNG GIAN ĐỊA LÝ.
2.1/ Tổng quan về tổ chức lãnh thổ ở Việt Nam:
Thiên nhiên dù thuận lợi đến mức nào đi chăng nữa nhưng nếu thiếu sự tổ chức hợp lý thì cũng không thể đạt được hiệu quả phát triển như ý. Do đó, trên nền phân hóa tự nhiên của các lãnh thổ, con người tiến hành “tổ chức lãnh thổ” (territorial organization), mà thực chất quá trình tổ chức này luôn bị chi phối bởi sự “phân công lao động theo lãnh thổ” (territorial division of labour). Thiên nhiên tại mỗi lãnh thổ khác nhau sẽ có những khả năng tạo nên môi trường và cung cấp những nguồn tài nguyên khác nhau, đó gọi là dị biệt về hoàn cảnh lãnh thổ. Trên mỗi lãnh thổ khác nhau đó sẽ có lực lượng lao động chuyên môn khác nhau và kết quả tất yếu là tạo nên sự phát triển đặc trưng, không giống nhau giữa các vùng lãnh thổ khác nhau. Từ đây thế giới của chúng ta phân hóa về mặt kinh tế - xã hội. Sự phân hóa này là động lực để các lãnh thổ luôn cố gắng tổ chức sao cho hợp lý các tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những năm 1960 đến nay, ở Việt Nam đã nghiên cứu áp dụng lý luận quy hoạch vùng KT - XH của Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa, nhưng đến năm 1993 – 2004 nội dung và phương pháp lập quy hoạch xây dựng vùng đã được xây dựng và hoàn chỉnh, đồng thời Luật Xây dựng đã được ra đời 2005 đã tạo nên một số cơ sở khoa học và phương pháp mới phục vụ quy hoạch vùng phân vùng khí hậu, phân vùng tự nhiên, Atlas..., phương pháp quy hoạch chiến lược,... đã được nghiên cứu để quy hoạch xây dựng vùng [51].
Hiện nay Việt Nam đã có 6 vùng kinh tế - xã hội, bao gồm: vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng ĐNB, vùng đồng bằng
sông Cửu Long; và lập 3 vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm: vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đến năm 2008, Việt Nam có thêm vùng đô thị và được chính phủ đã ký quyết định thành lập 2 vùng thành phố quan trọng của cả nước là vùng thủ đô Hà Nội (quyết định số 490/QĐ-TTg) và vùng TP.HCM (quyết định số 589/QĐ-TTg). Vùng TP.HCM có ranh giới hành chính và phạm vi lãnh thổ tương đương với vùng kinh tế trọng điểm, nhưng lại có mục tiêu quy hoạch và phát triển khác nhau. Nếu vùng kinh tế được quy hoạch để tập trung khai thác những điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của vùng nhằm phát triển KT - XH nói chung thì vùng đô thị lại được quy hoạch để thu hút sự đầu tư và tập trung những nguồn lực cần thiết để phát triển đô thị và mạng lưới đô thị nhằm tạo vị thế cho vùng TP.HCM.
2.2/ Phát triển vùng thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế:
Hòa mình trong xu hướng quốc tế hóa, khu vực hóa của thế giới, quá trình đô thị hóa ở TP.HCM đạt nhiều thành công đáng nhìn nhận và cũng còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải tương tự như các thành phố lớn hiện đại khác trên thế giới trong giai đoạn đô thị hóa. Trước tình hình thay đổi để phát triển, hầu hết các thành phố lớn của châu Á đều đã chuyển sang mô hình phát triển từ đại đô thị đơn cực sang vùng đô thị đa cực trong khoảng thời gian từ 1970 – 1980